Nhiều phương tiện bị phá hủy trên đường phố ở Lysychansk ngày 19/6. Ảnh: Getty.
Vũ khí do phương Tây cung cấp vẫn chưa đủ?
Trong khi quân đội Nga liên tiếp dội hỏa lực thì phía Ukraine - vốn không thể bắt kịp Nga về vũ khí lẫn đạn dược, phải sử dụng đạn pháo một cách thận trọng. Tại tiền đồn ở miền Đông Ukraine, vỏ đạn pháo chất thành đống. Chỉ huy của quân đội Ukraine , ông Mykhailo Strebizh cho biết, họ phải hứng chịu những trận pháo kích dữ dội kéo dài nhưng chỉ có khả năng bắn trả trong 4 giờ đồng hồ.
Nhà chức trách Ukraine nói rằng, số lượng vũ khí do phương Tây hỗ trợ là không đủ và chưa được đưa đến chiến trường kịp thời trong bối cảnh cuộc xung đột đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Trong khi Nga chưa công bố con số thương vong chính thức thì các nhà chức trách Ukraine cho biết nước này mất tới 200 binh sỹ mỗi ngày. Các lực lượng Nga đang giành được nhiều vùng lãnh thổ ở phía Đông, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng tổn thất của Moscow cũng không hề nhỏ.
Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã cam kết hỗ trợ thêm 1 tỷ USD cho Ukraine để giúp nước này đẩy lùi hoặc đảo ngược các bước tiến của Nga. Nhưng một số quan chức cho rằng những khoản viện trợ như vậy vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của Ukraine, một phần do năng lực sản xuất vũ khí có hạn của các nghành công nghiệp quốc phòng.
Ông Francois Heisbourg, Cố vấn tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở ở London (Anh) cho biết: “Chúng ta đang chuyển từ thời bình sang thời chiến. Trong thời bình, tốc độ sản xuất vũ khí ở mức độ thấp và để đẩy nhanh tốc độ này, cần phải xây dựng các cơ sở công nghiệp. Đây là một thách thức lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng”.
Theo đánh giá của Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức, Mỹ đã thực hiện một nửa số cam kết mà nước này đưa ra liên quan đến viện trợ quân sự cho Ukraine, còn Đức thực hiện khoảng 1/3. Ba Lan và Anh đã thực hiện phần lớn lời hứa của họ. Hồi đầu tháng 6, Đại sứ Ukraine tại Tây Ban Nha Serhii Phoreltsev, đã cảm ơn Madrid vì đã cung cấp 200 tấn viện trợ quân sự cho Ukraine vào tháng 4, nhưng ông nói rằng số lượng đạn dược có trong lô hàng viện trợ này chỉ đủ sử dụng trong 2 giờ chiến đấu.
Thách thức đối với Ukraine
Dù được cung cấp lượng vũ khí khủng, nhưng tại sao Ukraine vẫn bị áp đảo ở chiến trường Donbass? Giới phân tích cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ, các lực lượng Ukraine đã quen sử dụng những loại vũ khí có từ thời Liên Xô, vì thế với những khí tài quân sự do Mỹ và đồng minh cung cấp, họ cần phải được đào tạo sử dụng hoặc trải qua các khóa huấn luyện. Rất nhiều quan chức quân đội hoặc binh sỹ Ukraine đã ra nước ngoài để tham gia những khóa đào tạo này.
Trong gói viện trợ 1 tỷ USD mới nhất của Mỹ, chỉ 1/3 số vũ khí được Bộ Quốc phòng chuyển giao nhanh chóng, phần còn lại sẽ được cung cấp trong thời gian lâu hơn. Gói viện trợ cho Ukraine gồm 18 lựu pháo cùng 36.000 viên đạn, hai hệ thống phòng thủ bờ biển sử dụng tên lửa chống hạm Harpoon, pháo phản lực, bộ đàm, hàng nghìn thiết bị nhìn đêm, sẽ giúp đáp ứng yêu cầu của Ukraine về vũ khí tầm xa.
Nhưng con số này vẫn còn khá ít so với những gì Ukraine mong muốn. Cố vấn Mikhail Podolyak của Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev cần 1.000 pháo 155 mm, 300 hệ thống tên lửa phóng loạt, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái.
Ông Ben Barry, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng: “Những gì Ukraine cần làm là tiến hành chiến dịch phản công nhằm đáp trả hỏa lực pháo binh của Nga. Để thực hiện điều đó, họ cần có vũ khí chính xác tầm xa với tốc độ bắn cao để tránh pháo binh của đối phương”.
Hiện nay, các binh sỹ Ukaine phải sử dụng chiến thuật “bắn nhanh và rút lẹ”, tức là khai hỏa sau đó nhanh chóng di chuyển để rời khỏi vị trí trước khi đối phương phát hiện và trả đũa. Chiến lược của Ukraine trong giai đoạn thứ hai, là cố gắng làm kiệt quệ lực lượng Nga, tận dụng lợi thế địa hình và chiến đấu giành giật từng mảnh đất tại Donbass. Trong thời gian qua, Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công cục bộ xung quanh Kharkiv, Izium và ở Kherson, nhưng đây không phải là những cuộc phản công lớn.
Quân đội Ukraine đã bị tổn thất nặng nề về nhân lực và thiếu đạn dược trong cuộc chiến pháo binh này. Chuyên gia quân sự Michael Kofman tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng, quân đội Ukraine đang “ở trong giai đoạn nguy hiểm nhất” của cuôc chiến tại Donbass. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar, tình hình đối với nước này “rất khó khăn”, trong khi Nga liên tục đạt được những bước tiến mới.
Tuy vậy, vẫn quá sớm để đánh giá quỹ đạo cuộc chiến, ông Michael Kofman lưu ý. Nhiều khả năng sau cuộc giao tranh ác liệt này, hai bên sẽ có thời gian giảm bớt hoạt động để tái trang bị và bổ sung lực lượng. Có vẻ như cả Nga và Ukraine đều cố gắng nắm giữ lợi thế của mình. Lợi thế của Nga là hỏa lực nhưng thiếu binh sỹ là điểm yếu lớn nhất của họ. Còn lợi thế của Ukraine là nhân lực và địa hình, nhưng bất lợi của họ là pháo binh. Và trong một cuộc chiến tranh tiêu hao kéo dài, bên thất bại sẽ là bên bị suy giảm nguồn lực nhanh hơn phía bên kia./.