Ukraine tự nhận mình là "tiền đồn phía đông" của NATO

Thanh Bình |

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Taran mới đây đã gọi nước cộng hòa này là “tiền đồn hùng mạnh ở sườn phía đông” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cảm ơn sự hỗ trợ của các nước trong liên minh.

Trước sức ép vô cùng lớn từ Nga, Ukraine kêu gọi các đơn vị của NATO tiến gần biên giới với Nga sẵn sàng chiến đấu. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine)

Trước sức ép vô cùng lớn từ Nga, Ukraine kêu gọi các đơn vị của NATO tiến gần biên giới với Nga sẵn sàng chiến đấu. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine)

Thông tin trên được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Ukraine. Theo ông Taran, NATO kể từ năm 1991 đã nhiều lần hỗ trợ Kiev trong các vấn đề an ninh và chưa bao giờ buộc nước này phải hội nhập.

"Quá trình tham gia liên minh là minh bạch. NATO không thể gia nhập bởi các quốc gia hay chính phủ, mà bởi xã hội dân chủ và sự hòa hợp dân tộc được xác định bởi một ý thức mới", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tin tưởng rằng tư cách thành viên chính thức của khối quân sự sẽ mở ra triển vọng hợp tác của đất nước với các quốc gia phát triển và sẽ trở thành cách tốt nhất để thực hiện lợi ích quốc gia.

Đồng thời, ông Taran cho biết, việc chuyển đổi sang các tiêu chuẩn quân sự của NATO sẽ cho phép Ukraine đảm bảo thực hiện các cải cách nội bộ, bao gồm cả trong lĩnh vực chính trị và kinh tế.

"Trong quá trình hội nhập Euro-Đại Tây Dương của mỗi quốc gia, có thời điểm biến từ vấn đề chính sách đối ngoại thành một số nhiệm vụ cụ thể và khá phức tạp của chính sách đối nội", ông Taran nhấn mạnh.

Ukraine đã nhiều lần lên tiếng về "vai trò đặc biệt" trong việc đảm bảo an ninh của châu Âu và các nước NATO. Đặc biệt, hôm 4/4, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Ruslan Khomchak đã gọi nước này là "lá chắn thực sự" của các nước châu Âu và cho rằng nước này có khả năng tăng cường sức mạnh quân sự tổng hợp của tất cả các quốc gia thành viên của liên minh.

Mới đây, hôm 3/4, Ukraine thông báo sẽ tập trận quân sự chung với NATO. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của hơn 1.000 quân nhân từ ít nhất 5 quốc gia thành viên NATO. Trong khuôn khổ cuộc tập trận, những đơn vị tham gia sẽ luyện tập những hành động phòng thủ, sau đó thực hiện một cuộc tấn công giả định nhằm khôi phục biên giới và toàn vẹn lãnh thổ trong trường hợp bị láng giềng tấn công.

Thời điểm chính xác diễn ra cuộc tập trận vẫn chưa được công bố rõ ràng. Bước đi mới nhất của Ukraine đưa ra sau khi nước này nhận được sự ủng hộ từ Mỹ trong những cẳng thẳng với Nga.

Nga trước đó cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia trong trường hợp NATO triển khai quân tới Ukraine.

Hãng tin RIA hôm 2/4 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết bất cứ sự điều động binh sĩ nào của NATO đến Ukraine sẽ làm gia tăng cẳng thẳng với Nga và buộc Moscow phải có thêm biện pháp đảm bảo an ninh.

Ông Peskov cho biết tình hình từ đường dây liên lạc giữa các lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở miền đông là "hoàn toàn đáng sợ", và đang có nhiều khiêu khích.

Trước đó, NATO bày tỏ quan ngại khi cho rằng Nga tập trung binh sĩ gần phía đông Ukraine, sau khi Nga cảnh báo về mâu thuẫn gia tăng tại vùng Donbass ở Ukraine có thể sẽ "hủy diệt Ukraine".

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2/4 đã cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky. "Tổng thống Biden khẳng định sự ủng hộ không lung lay của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước sự hung hăng gia tăng của Nga tại vùng Donbass và Crimea", Nhà Trắng thông báo.

Ngay sau đó, ông Zelensky viết trên Twitter cho biết, ông rất vui được điện đàm với Tổng thống Biden và bày tỏ sự cảm kích khi được Mỹ ủng hộ.

Bất chấp những động thái chuẩn bị và các cảnh báo cứng rắn nhằm vào nhau nhưng rõ ràng cả Nga và Ukraine vẫn để ngỏ khả năng đối thoại, thúc đẩy giải pháp thông qua biện pháp ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại