Reuters cho biết, Hội nghị thượng đỉnh EU lần này sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 24/6, giữa lúc tình hình chiến sự ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và Nga đang tiến gần hơn mục tiêu mà họ đặt ra cho giai đoạn hiện nay là kiểm soát vùng Donbass ở Đông Ukraine, nơi hai nước cộng hòa ly khai tự xưng mà Nga công nhận coi là lãnh thổ.
Ngay trước thềm hội nghị, ông Clement Beaune, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Pháp, nước hiện là Chủ tịch EU luân phiên, ngày 21/6 khẳng định, ông cùng những người đồng cấp đã nhóm họp và đạt được “đồng thuận hoàn toàn” về việc đưa Ukraine trở thành ứng viên chính thức của liên minh. Trong khi đó, Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn cũng nhấn mạnh: “Không có một quốc gia thành viên nào có vấn đề với đề xuất này. Chúng tôi sẽ thể hiện sự nhất trí cao”.
Ukraine đệ đơn gia nhập EU vài ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt cuối tháng 2/2022. Nhiều quốc gia EU suốt 4 tháng qua thể hiện sự thận trọng về khả năng kết nạp Ukraine. Hôm 31/5, Thủ tướng Italia Mario Draghi nói rằng, chỉ có Italia ủng hộ việc trao cho Ukraine tư cách ứng viên EU, còn các nước thành viên chủ chốt khác trong liên minh đều phản đối. Tình hình bắt đầu đảo chiều khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước bày tỏ quyết tâm trao tư cách ứng viên EU cho Ukraine trong chuyến công du tới Kiev.
Các nước EU thống nhất cao về khả năng trao tư cách ứng cử viên EU cho Ukraine. Ảnh: Getty Images
Ngay sau chuyến thăm của lãnh đạo các nước EU chủ chốt, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng ra tuyên bố ủng hộ việc trao cho Ukraine tư cách ứng viên EU. “Chúng ta đều biết rằng người Ukraine sẵn sàng chết vì tư tưởng châu Âu. Chúng tôi muốn họ sống cùng chúng tôi vì giấc mơ châu Âu”, bà von der Leyen nói. “Ukraine sẽ được hoan nghênh là một nước ứng viên của EU”.
Theo giới quan sát, cánh cửa gia nhập EU rộng mở lúc này được mô tả là có ý nghĩa biểu tượng lớn lao, mở ra tia hi vọng vào thời điểm Ukraine đang nỗ lực củng cố vị thế trước đà tiến công của Nga. Hãng tin Ukrinform của Ukraine ngày 22/6 dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khẳng định, “vị thế ứng cử viên EU của Ukraine sẽ vạch ra một ranh giới sau nhiều thập kỷ mơ hồ và chứng minh một thực tế: Ukraine là châu Âu”. Cách đây hai hôm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thì nhận xét Ukraine đang bước vào “tuần lịch sử” khi EU sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định về một trong những mục tiêu mà Kiev theo đuổi từ lâu.
Ngoài ra, việc được EU trao tư cách ứng cử viên còn gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới rằng Ukraine là một cơ hội đầu tư hấp dẫn với khả năng tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai, tất nhiên đó là trong trường hợp cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine kết thúc. Ở một góc độ nào đó, việc EU trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine được mô tả là sẽ trở thành động lực để Kiev trở lại bàn đàm phán với Moscow nhằm tìm kiếm một giải pháp cân bằng lợi ích để sớm chấm dứt giao tranh.
Từ phía Nga, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế ở thành phố St.Petersburg hôm 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thể hiện quan điểm rõ ràng về việc Moscow không phản đối Ukraine gia nhập EU, bởi EU là một liên minh kinh tế, không phải liên minh quân sự. “Chúng tôi không có gì để ngăn cản điều đó. Đó là quyết định mang tính chủ quyền của họ về việc có gia nhập các liên minh kinh tế hay không. Đó là việc của họ, việc của người dân Ukraine”, ông Putin nhấn mạnh.
Thuận lợi là vậy nhưng Ukraine cũng sẽ đối mặt rất nhiều thách thức. Theo thông lệ EU, việc công nhận Ukraine là quốc gia ứng cử viên không đồng nghĩa với rằng nước này chắc chắn trở thành thành viên của khối. Ngoài Ukraine, EU dự kiến sẽ đưa ra quyết định tương tự với Moldova. Ukraine và Moldova sau đó sẽ nhận được một danh sách yêu cầu liên quan đến cải cách kinh tế, tư pháp, giải quyết tham nhũng cùng nhiều vấn đề khác về chính sách theo bộ Tiêu chuẩn Copenhagen, trước khi họ có thể chuyển sang giai đoạn đàm phán gia nhập chính thức.
Cần lưu ý rằng, bất cứ quốc gia ứng viên nào cũng chỉ được công nhận đạt một chương mục của bộ Tiêu chuẩn Copenhagen nếu toàn bộ thành viên EU thông qua. Với mỗi ứng viên, quãng thời gian đó là khác nhau. Ví dụ, Slovakia nhận được tư cách ứng cử viên năm 1999 và trở thành thành viên EU sau 5 năm. Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn gia nhập năm 1987, được cấp tư cách ứng viên năm 1999, nhưng đến nay chưa phải thành viên. Còn Bắc Macedonia, sau 17 năm làm ứng viên EU, quá trình đàm phán gia nhập khối đã khởi động từ năm 2020, nhưng hiện chưa có dấu hiệu sớm hoàn tất. Phát biểu tại Kiev tuần trước, Thủ tướng Italia Mario Draghi nhấn mạnh: “Tổng thống Zelensky tất nhiên hiểu rằng quá trình từ ứng viên tới thành viên là một con đường. Con đường này đòi hỏi sự cải cách sâu rộng trong xã hội Ukraine”.