Ngày 28/8, tại Kiev, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã gặp giới chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Volodymyr Zelensky. Mặc dù chuyến đi được nhận định là "sắp xếp trong vội vã", song Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine cho biết, mục đích của chuyến thăm là nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như "con đường hội nhập Hội đồng cộng tác Euro-Atlantic" của Kiev.
Tuy nhiên, không khó để nhận ra mục đích chính của chuyến công du là nhằm ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc trong thương vụ mua bán với Motor Sich, nhà cung cấp động cơ lớn cho máy bay trực thăng quân sự của Ukraine.
Một chuyến thăm, nhiều mục tiêu
Theo trang Nikkei Asian Review, Tập đoàn Hàng không Skyrizon Bắc Kinh đang tìm cách mua 50% cổ phần của Motor Sich - nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu Ukraine, vốn đang gặp khó khăn về kinh tế. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư hàng không Trung Quốc đã tài trợ 100 triệu USD cho ngành công nghiệp máy bay của Ukraine và hiện đang chờ phê duyệt thỏa thuận.
Trong khi Ủy ban Chống độc quyền của Kiev xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận được đề xuất, Washington được cho là đang cân nhắc ủng hộ một công ty Mỹ đấu thầu Motor Sich thông qua Overseas Private Investment Corp. - cơ quan chính phủ hỗ trợ tài chính cho các công ty Mỹ muốn đầu tư vào các thị trường mới nổi.
Trung Quốc đang xem xét việc mua lại công nghệ quân sự của Ukraine, bao gồm cả việc mua cổ phần của nhà sản xuất động cơ máy bay trực thăng quân sự Motor Sich. (Nguồn: Reuters)
Có thể dễ dàng nhận thấy, Mỹ không hề che giấu mục đích của mình trong việc tìm cách chặn thương vụ đầu tư giữa Skyrizon của Trung Quốc và Motor Sich của Ukraine. Trả lời phỏng vấn truyền thông Ukraine trước thềm cuộc gặp với Tổng thống Volodymyr Zelensky, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton khẳng định, công nghệ quốc phòng không nên được trao cho một "kẻ thù tiềm năng", thêm vào đó là lợi ích không chỉ của riêng Ukraine, mà cả Mỹ, Nhật Bản và những quốc gia khác có liên quan.
Ngày 30/8, Cố vấn an ninh Bolton tuyên bố, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, mặc dù điều này được cho là mâu thuẫn với cam kết của Tổng thống Donald Trump được đưa ra vào ngày hôm sau. Truyền thông Mỹ đưa tin, ông Trump đã yêu cầu Cố vấn Bolton và những người khác đình chỉ và xem xét gói viện trợ quân sự trị giá 250 triệu USD cho Kiev.
Trung Quốc và Ukraine: Hợp tác quân sự và hơn thế nữa
Không chỉ “bắt tay” nhau trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc và Ukraine còn tăng cường hợp tác trên một số lĩnh vực khác, trong đó có khía cạnh kinh tế.
Từ lâu, Trung Quốc đã tìm kiếm công nghệ quân sự Ukraine trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này từng là nhà cung cấp thiết bị quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng của Liên Xô cũ. Thương vụ mua bán đầu tiên giữa Trung Quốc và Ukraine diễn ra vào năm 1998, khi Bắc Kinh mua lại tàu sân bay Varyag của Kiev và chế tạo lại dựa trên nguyên bản, sau đổi tên thành tàu sân bay Liaoning - một trong những chiến hạm hiện đại nhất Trung Quốc. Ngoài ra, Skyrizon đã mua công nghệ từ Antonov, nhà sản xuất máy bay vận tải lớn nhất thế giới của Ukraine, Antonov 225.
Năm 2017, Tập đoàn hàng không của Trung Quốc Skyrizon đã đồng ý mua cổ phần của Motor Sich, nhưng Tòa án Tối cao Ukraine đã ban hành lệnh ngăn chặn thỏa thuận sau khi đơn hàng giữa Mỹ và Nhật Bản gặp trục trặc. "Việc mua lại Motor Sich sẽ giúp củng cố công nghệ quân sự của Trung Quốc, và trở thành mối đe dọa đối với các quốc gia khác trên thế giới", theo một nguồn tin ngoại giao của Nhật Bản.
Tàu sân bay Liaoning của Trung Quốc được lắp ráp dựa trên tàu Varyag của Ukraine. (Nguồn: SCMP)
Trung Quốc đã khiến Ukraine trở thành mắt xích quan trọng trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của quốc gia Đông Bắc Á này. Trong khuôn khổ của dự án trị giá 7 tỉ USD, Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống cảng biển và đường cao tốc ở Ukraine. Theo lời của một quan chức cấp cao Ukraine, điều này đã khiến cho tiếng nói của những người thân Trung Quốc đang nổi lên, bên cạnh các phe thân Mỹ, thân châu Âu và thân Nga trong cộng đồng chính trị và kinh doanh của Ukraine.
Kiev đang ngày càng quan trọng đối với Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Washington đang leo thang. Để tránh chịu mức thuế quan cao hơn do Mỹ áp đặt, Trung Quốc - quốc gia vốn từ lâu đã dựa vào Mỹ để nhập khẩu ngũ cốc, coi Ukraine - "trụ cột ngũ cốc của châu Âu" - là nhà cung cấp thay thế. Theo số liệu thống kê, lượng xuất khẩu ngô của Ukraine sang Trung Quốc chiếm khoảng 80%. Hiện nay, Ukraine được cho là đẩy mạnh sản xuất đậu nành - loại thực phẩm trước đây Trung Quốc chủ yếu mua từ Mỹ.
Cho đến nay, Nga - nước đã sáp nhập Crimea vào năm 2014, dường như có thái độ “dung túng” cho các thỏa thuận của Trung Quốc đối với Kiev. Điều này có thể dễ dàng được lý giải, bởi Moscow nhiều khả năng thích cảm nhận sự “nồng ấm” trong quan hệ giữa Kiev và Bắc Kinh hơn, thay vì Washington và châu Âu.
Ngô, đậu tương và một số sản phẩm nông nghiệp khác là thế mạnh của Ukraine. (Nguồn: Foreign Policy)
Về phần mình, Trung Quốc và Nga cũng được cho là đang xích lại gần nhau hơn. Hợp tác quân sự song phương đang được cải thiện rõ rệt, khi hai bên tổ chức các “trò chơi chiến tranh” với tần suất ngày càng dày đặc. Giữ vai trò là mắt xích quan trọng trong quan hệ Bắc Kinh - Moscow, Chủ tịch Wang Jing của Tập đoàn Skyrizon được cho là có mối liên hệ tốt đẹp với Điện Kremlin, đồng thời có suy đoán rằng Nga đang ủng hộ nỗ lực của công ty Trung Quốc trong việc tiếp quản Motor Sich.
Ngay cả khi Tổng thống Trump có một đường lối hòa giải hơn đối với Nga, chuyến thăm của Cố vấn Bolton tới Ukraine có vẻ như là một nỗ lực để “níu chân” Kiev về phía Mỹ. Tuy nhiên, những cố gắng của Washington trong việc tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh tại Kiev khó có thể thành công, nếu Ukraine vẫn muốn “ngả” về phía Trung Quốc.