Ukraine sẽ không dễ dàng giành lại Bán đảo Crimea

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) |

Các nhà phân tích cho rằng, việc giành lại Crimea sẽ không dễ dàng và khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Những khó khăn trên bắt đầu từ việc triển khai quân đội Ukraine tới Crimea, vốn chỉ kết nối với đất liền của nước này qua một eo đất hẹp.

Mục tiêu chiến lược của Ukraine

Sau khi tiến hành các chiến dịch phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, Ukraine tiếp tục theo đuổi mục tiêu giành lại Bán đảo Crimea. Tuy nhiên, các chuyên gia thận trọng cho rằng, một chiến dịch như vậy sẽ khó khăn hơn nhiều so với các cuộc tiến công mà Kiev từng thực hiện để giành lại Kharkiv và Kherson.

Ukraine sẽ không dễ dàng giành lại Bán đảo Crimea - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine khai hỏa một khẩu pháo ngày 20/11/2022. Ảnh: AP

Từ sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã củng cố các vị trí quân sự ở đây, từ xây dựng các căn cứ cho tới lắp đặt các bệ phóng tên lửa và thậm chí xây dựng một cây cầu nối bán đảo này với lục địa Nga. Moscow cũng cảnh báo, bất kỳ cuộc tấn công nào vào Crimea đều sẽ đối mặt với phản ứng từ Nga, trong đó bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Giới quan sát đặt câu hỏi liệu việc Ukraine giành lại Bán đảo Crimea có thể xảy ra hay không? Hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã gọi đây là "một mục tiêu chiến lược của Ukraine bởi đó là lãnh thổ của Ukraine". Tuy nhiên, ông Oleksii Reznikov cho biết, chính phủ Ukraine sẽ tham vấn với các đối tác về việc nên thực hiện kế hoạch trên như thế nào.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ukraine Lloyd Austin từng nhận định: "Crimea là một vấn đề cần suy nghĩ kỹ lưỡng và sẽ do giới lãnh đạo Ukraine quyết định". Giống các quan chức khác trong chính quyền Tổng thống Biden, ông Austin tránh công khai gây sức ép lên giới lãnh đạo Ukraine theo bất kỳ hướng đi nào.

"Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để đảm bảo họ (Ukraine-ND) có đủ phương tiện để hoàn thành các mục tiêu của mình. Cùng với đó, các mục tiêu trong cuộc xung đột này là của Ukraine. Đó không phải là các mục tiêu của chúng tôi. Vì thế, chúng tôi sẽ không ép buộc người dân Ukraine về những gì họ có thể và không thể làm", ông Austin cho hay.

Khả năng Ukraine giành lại Bán đảo Crimea

Các nhà phân tích cho rằng, việc giành lại Crimea sẽ không dễ dàng cũng như không thể xảy ra trong tương lai gần. Những khó khăn này bắt đầu từ việc triển khai quân đội tới Crimea, vốn chỉ kết nối với đất liền Ukraine qua một eo đất hẹp.

"Chỉ có một vài cách chúng ta có thể tới Crimea. Đó là bằng đường hàng không nhưng việc này sẽ cần triển khai số lượng lớn lực lượng trên không nhưng Ukraine không có khả năng này. Ukraine cũng có thể thực hiện một chiến dịch đổ bộ nhưng hiện nay họ không có nhiều phương tiện tấn công đổ bộ", ông Mick Ryan, Tướng nghỉ hưu của Quân đội Australia cho hay.

Ông Mark Cancian - cố vấn cấp cao thuộc Chương trình An ninh Quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thì cho rằng, chiến dịch đổ bộ của Ukraine khó có khả năng xảy ra bởi Nga có lực lượng hải quân hùng mạnh ở Sevastopol.

"Xét về sức mạnh của hải quân Ukraine, họ thực sự không có đủ phương tiện và lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công đổ bộ. Nga sở hữu nhiều tàu chiến mặt nước cùng với các tàu ngầm. Ukraine sẽ rất khó có thể tiến hành một chiến dịch tấn công đổ bộ và nếu không có ưu thế trên không cũng như trên biển, những khả năng mà hiện họ không có, thì đây là chiến dịch bất khả thi", ông Cancian nói.

Ukraine sẽ không dễ dàng giành lại Bán đảo Crimea - Ảnh 2.

Dù vậy, nếu Ukraine cố gắng giành lại Crimea, ông Cancian cho rằng họ có thể bắt đầu chiến dịch tại một khu vực gọi là Syvash, một đầm phá nông mà quân đội có thể băng qua khi thủy triều thấp.

"Theo đó, họ có thể bố trí các hệ thống pháo dọc bờ biển và di chuyển bằng thuyền rồi sau đó tiến sâu vào bên trong".

Một tuyến đường khác để Ukraine thực hiện chiến dịch là bằng đường bộ qua eo đất Perekop rộng gần 5km ở tỉnh Kherson. Quân đội Ukraine có thể bắt đầu chiến dịch bằng cách triển khai hàng loạt tên lửa dẫn đường phóng loạt, ông Michael Kofman - học giả nghiên cứu về Nga tại CNA nhận định.

"Nếu Ukraine có thể tiến xa hơn về phía Nam, họ có thể đặt Crimea hoặc một phần của Bán đảo này trong tầm bắn hỏa lực để thách thức các vị trí của Nga. Nhưng tôi nghi ngờ về ý định của Ukraine trong việc tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn để giành Crimea", ông Kofman nói.

Chuyên gia này nhận định, Ukraine sẽ gặp trở ngại khi tiến xa hơn về phía Nam bởi Nga có thể sử dụng sông Dnieper như một chướng ngại vật tự nhiên. Theo học giả cấp cao Rob Lee tại Viên Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, nếu Ukraine tiếp tục tiến công, đầu tiên họ phải chia cắt lực lượng Nga ở Donbass và lực lượng Nga ở phía Đông sông Dnieper,

"Cá nhân tôi nghĩ họ sẽ tiến công theo nhiều hướng khác nhau", ông Lee đánh giá.

Chiến lược này có thể sẽ được thực hiện bằng cách thách thức liên tục chiến tuyến của Nga để tìm điểm yếu của họ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Rob Lee, hiện quân đội Nga đang tập trung ở bờ Đông sông Dnieper, do đó họ sẽ "dễ dàng di chuyển lực lượng" và có thể chặn đứng cuộc tiến công của Ukraine.

Dù vậy, cũng có những nhà quan sát khác lạc quan hơn về triển vọng giành lại Crimea của Ukraine. Cựu Chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu Ben Hodges cho rằng, quân đội Ukraine có thể tiếp tục tiến công để phá hủy cây cầu của Nga bắc qua Eo biển Kerch, cũng như tấn công vào tuyến cung cấp hậu cần của Moscow ở phía Nam. Ông cho rằng Ukraine sẽ đạt được mục tiêu trên vào tháng 1 và có lẽ sẽ giành được Crimea vào mùa hè.

Ông Ben Hodges cũng nhận định, khả năng thành công của Ukraine sẽ được cải thiện nếu được cung cấp các hệ thống tên lửa tầm xa như ATACMS, vốn có thể tấn công các mục tiêu cách xa 300km.

Dù vậy, bất chấp những tuyên bố khẳng định sẽ hỗ trợ Ukraine "lâu nhất có thể", cho đến nay các quan chức Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ hỗ trợ cho Kiev các vũ khí với tầm bắn xa như ông Hodges đề cập./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại