Ukraine sẽ đối phó như thế nào khi bị Nga nắm được điểm yếu?

Kiều Anh |

Nga đã tìm ra điểm yếu trong hệ thống phòng không của Ukraine và liên tục tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Phương Tây đang tăng cường hỗ trợ Ukraine “vá” lỗ hổng phòng không nhưng nỗ lực này không dễ dàng.

Trong 2 tuần qua, Moscow đã tiến hành những cuộc tấn công lớn nhất bằng tên lửa và UAV cảm tử nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc thận trọng đánh giá, Moscow có thể đang nỗ lực làm cạn kiệt hệ thống phòng không của Ukraine - các vũ khí vốn đang được sử dụng để ngăn cản quân đội Nga thiết lập quyền kiểm soát không phận Ukraine.

Ukraine sẽ đối phó như thế nào khi bị Nga nắm được điểm yếu? - Ảnh 1.

Đầu tháng này, Ukraine đã nhận được lô hệ thống phòng không NASAMS đầu tiên từ Mỹ. Ảnh: KONGSBERG

Các nước phương Tây, đặc biệt là tại châu Âu đã cung cấp cho Ukraine các vũ khí thời Liên Xô và hỗ trợ hệ thống phòng không từ thời Chiến tranh Lạnh để tăng cường khả năng của quân đội Kiev.

Đầu tháng này, Ukraine đã nhận được lô hệ thống phòng không NASAMS đầu tiên từ Mỹ.

"Các hệ thống phòng không NASAMS và Aspide đã đến tay Ukraine. Những vũ khí này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh của Lực lượng Vũ trang Ukraine và khiến không phận của chúng tôi an toàn hơn", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho hay trên Twitter.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, NASAMS đã bắn hạ "hơn 70 tên lửa và 10 UAV tấn công" trong hàng loạt cuộc không kích vừa qua. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột ở Ukraine sẽ trở thành cuộc so kèo giữa các hệ thống tấn công và phòng thủ, đồng thời sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh khi xung đột tiếp diễn.

Thậm chí ngay cả các hệ thống tiên tiến như NASAMS cũng cho thấy những hạn chế về nguồn cung và khả năng.

NASAMS là một "bước tiến" nhưng chưa đủ

Mỹ đã thúc đẩy cung cấp 2 hệ thống NASAMS đầu tiên cho Ukraine và cam kết hỗ trợ thêm 6 hệ thống nữa. Được sản xuất chung bởi Mỹ và Na Uy, hệ thống phòng không tầm trung này kết hợp giữa các bộ cảm biến và radar để phát hiện và phòng thủ trước các tên lửa hành trình, máy bay chiến đấu và UAV.

NASAMS cũng bao gồm một hệ thống radar di động, một trung tâm kiểm soát và chỉ huy để các binh lính có thể theo dõi các mối đe dọa, cùng với một bệ phóng tách rời. Hệ thống phòng không này cũng có thể dễ dàng di chuyển tới các địa điểm khác nhau.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định NASAMS có tỷ lệ thành công 100% trong việc đánh chặn tên lửa Nga. Mặc dù chúng chỉ có tầm bắn tối đa hạn chế, khoảng 30km, nhưng theo Giám đốc tổ chức Phân tích Chiến lược của Australia - ông Michael Shoebridge, NASAMS đã tạo ra "ảnh hưởng mang tính quyết định trên chiến trường".

"Với Ukraine, đây thực sự là một bước tiến trong khả năng phòng không của họ", nhà phân tích này cho hay.

Một lợi thế lớn khác của NASAMS là chúng sử dụng các tên lửa phòng không tiêu chuẩn, trong đó có Tên lửa Không đối không Tầm trung Tiên tiến (AMRAAM). Giáo sư Stephan Fruehling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược ANU cho biết, NASAMS sẽ không đối mặt với rủi ro cạn kiệt nguồn cung tên lửa.

"Lợi thế này nằm ở việc có tới hàng nghìn tên lửa vẫn đang cất trữ trong kho", ông Stephan Fruehling nhận định với ABC.

Ukraine sẽ đối phó như thế nào khi bị Nga nắm được điểm yếu? - Ảnh 2.

NASAMS là một hệ thống phòng phông hiệu quả nhưng cần số lượng lớn để bảo vệ một khu vực rộng lớn. Ảnh: KONGSBERG

Tuy nhiên, hạn chế của NASAMS là chúng không được thiết kế như một hệ thống phòng không cho một khu vực rộng lớn, vì thế mà khả năng phòng thủ của quân đội Ukraine sẽ gặp hạn chế.

NASAMS vốn được thiết kế để bảo vệ các căn cứ không quân và hiện đang được sử dụng để bảo vệ khu vực không phận nhạy cảm, trong đó có khu vực quanh Nhà Trắng.

Với NASAMS, chỉ những địa điểm tại các thành phố lớn và những mục tiêu quan trọng như các cơ sở hạ tầng năng lượng được bảo vệ.

"Ukraine là một đất nước rộng lớn nên sẽ cần rất nhiều hệ thống phòng không này", Giáo sư Fruehling cho hay.

"Thực tế là họ (Ukraine-ND) không có đủ các hệ thống trên để bảo vệ tất cả mục tiêu quan trọng".

Mặc dù Mỹ cam kết sẽ cung cấp thêm hệ thống NASAMS cho Ukraine nhưng Lầu Năm Góc vẫn chưa xác nhận khi nào chúng sẽ đến tay Kiev.

Phương Tây tăng cường hỗ trợ Ukraine “vá” lỗ hổng phòng không

Ông Shoebridge đánh giá lực lượng Ukraine đang làm "khá tốt" khi có thể ngăn chặn Không quân Nga và các máy bay ném bom của họ.

Phòng không Ukraine chủ yếu dựa vào các hệ thống thời Liên Xô, trong đó có hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300. Nga cũng đang sử dụng các hệ thống S-300 với tầm bắn tối đa đạt 150km.

Hệ thống S-300 là hệ thống phòng không duy nhất Ukraine sở hữu có thể hoạt động hiệu quả ở độ cao lớn. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở các tên lửa sử dụng cho hệ thống này khi các nước phương Tây không còn sản xuất chúng nữa.

"Có một rủi ro hiện hữu là Ukraine đang cạn kiệt tên lửa phòng không", Giáo sư Fruehling nói.

"Kể từ mùa hè vừa qua, phương Tây nhận ra rằng Ukraine cần chuyển từ việc sử dụng các loại đạn dược thời Liên Xô sang các hệ thống sử dụng đạn dược của phương Tây để có nguồn cung ổn định hơn".

Ukraine vẫn cần các hệ thống S-300 để các máy bay của Nga không thể bay qua "phạm vi chiến đấu" của NASAMS và các hệ thống tầm ngắn khác.

Phương Tây gần đây đã cung cấp thêm các hệ thống thay thế để giúp Ukraine giải quyết sức ép từ kho tên lửa hạn chế sử dụng cho S-300.

Na Uy và Tây Ban Nha đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống HAWK do Mỹ sản xuất trong khi Đức đã vận chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa IRIS-T công nghệ cao đầu tiên trong số 4 hệ thống cam kết hỗ trợ cho Kiev.

Vào tháng 10, Pháp cho biết hệ thống phòng không Crotale sẽ sẵn sàng hoạt động ở Ukraine trong 2 tháng và cam kết huấn luyện 2.000 binh lính Ukraine. Đầu tháng này, Italy cũng cho biết nước này sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một số hệ thống phòng không, trong đó có các hệ thống tầm trung SAMP/T. Trong khi đó, Litva đã cung cấp lô súng trường chống UAV mới cho Ukraine có tên là SkyWiper.

"Hàng loạt hệ thống tương tự NASAMS đang được cung cấp cho Ukraine ở thời điểm hiện tại nhưng hầu hết chúng đều có tầm bắn khoảng 15 - 30km", Giáo sư Fruehling cho hay.

"Thực sự không có nhiều hệ thống phòng không có tầm bắn lớn, chủ yếu bởi phương Tây không cần tới những hệ thống như vậy trong 6 năm qua".

Ukraine sẽ đối phó như thế nào khi bị Nga nắm được điểm yếu? - Ảnh 3.

Kiev đang kêu gọi phương Tây cung cấp các hệ thống phòng không hiện đại hơn như Patriot với tầm bắn lên tới 70km. Ảnh: AP

Kiev đang kêu gọi phương Tây cung cấp các hệ thống hiện đại hơn như Patriot với tầm bắn lên tới 70km. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa đất đối không này mất nhiều thời gian để sản xuất và đắt đỏ do sự tiên tiến của nó. Patriot chỉ được vận hành tại Mỹ và một vài nước đồng minh của Washington.

Các cuộc tấn công tên lửa của Nga ở Ukraine đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này. Moscow đã tìm thấy "điểm yếu" trong hệ thống phòng không của Ukraine và tình hình của Ukraine trong thời gian tới sẽ ngày càng tồi tệ hơn.

Giáo sư Fruehling cho rằng Nga không thể duy trì mãi cường độ tấn công như hiện tại nhưng không rõ khi nào Moscow sẽ giảm hoặc dừng các cuộc không kích này.

"Họ có thể duy trì tỷ lệ sử dụng vũ khí hiện tại trong bao lâu, đó là điều mà không ai biết được. Sẽ đến lúc Nga cạn kiệt vũ khí nhưng chúng ta không biết khi nào điều đó xảy ra", nhà quan sát Fruehling nhận định./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại