Nội dung chính
- Cuộc tấn công Kursk đã khiến Ukraine phải rút đi những đơn vị tốt nhất ở mặt trận phía Đông.
- Chiến dịch kéo dài khiến Ukraine bị sa lầy
Ukraine sa lầy tại Kursk
Ukraine đang cạn kiệt nhân lực, thiết bị và cuối cùng là thời gian. Cuộc tấn công Kursk là bằng chứng cho thấy giới lãnh đạo Ukraine hiểu rõ điều này.
Thời gian qua, giới lãnh đạo chính trị phương Tây và một số phương tiện truyền thông cho rằng, chiến dịch đột kích của Ukraine tại khu vực Kursk là một con bài chiến lược có thể giúp thay đổi cuộc chơi và có thể góp phần mang lại chiến thắng cho nước này, hoặc ít nhất là gây sức ép cho Nga để giúp Kiev có được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình tương lai. Trong khi truyền thông phương Tây đánh giá cao chiến dịch này của Ukraine thì các lực lượng Nga vẫn đang không ngừng tiến công trên mặt trận miền Đông.
Nga đã đạt được những thành quả đáng kể ở khu vực Donbass. Lực lượng nước này chỉ cách thành phố Pokrovsk của Ukraine một vài km. Pokrovsk là trung tâm hậu cần quan trọng, được Ukraine sử dụng để tiếp tế cho các đơn vị ở tuyến đầu miền Đông. Những người phản đối chiến dịch của Tổng thống Zelensky nói rằng, họ đã cảnh báo khi ông rút các đơn vị quan trọng để tấn công Kursk, khiến Pokrovsk và các thị trấn quan trọng khác của Ukraine bị hổng tuyến phòng thủ. Ukraine hiện đang bị Nga áp đảo về quân số. Với các tuyến phòng thủ không được trang bị đầy đủ, thành trì Pokrovsk có nguy cơ sụp đổ, làm phức tạp thêm các hoạt động của nước này ở phía Đông.
Tuần trước, sau khi Nga chiếm được thị trấn Novohrodivka của Ukraine, bà Mariana Bezuhla, Phó chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Ukraine cho biết: “Các chiến hào tại Novohrodivka đã trống rỗng. Thực tế là không có lực lượng phòng thủ nào của Ukraine nào ở thị trấn này - nơi mà trước đó, Kiev đã triển khai 20.000 binh sỹ”.
Những người ủng hộ cuộc tấn công Kursk nói rằng, mục đích của Ukraine khi thực hiện chiến dịch là đánh lạc hướng và buộc Nga rút lực lượng khỏi mặt trận phía Đông. Nếu đúng như vậy thì kế hoạch này đã thất bại, nhà phân tích John Mearsheimer lưu ý. Tổng thống Putin tuyên bố, Nga sẽ không để Ukraine đạt được lợi ích bằng cách di dời lực lượng trên tiền tuyến. Chưa kể, các bước tiến của Kiev tại Kursk vẫn còn kém xa so với Nga ở Donbass.
Nhà phân tích John Mearsheimer chỉ ra rằng, xung đột Nga-Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, ít nhất là từ đầu năm 2023. Có 3 yếu tố quan trọng quyết định thành bại của các bên trong cuộc chiến này, đó là sự cân bằng về quân số, cân bằng về pháo binh và cân bằng về quyết tâm chiến đấu. Về quyết tâm chiến đấu, cả Nga và Ukraine dường như có ý chí ngang nhau. Nhưng xét về 2 khía cạnh còn lại, Nga vẫn có thế mạnh áp đảo.
Cây bút Zachary Yost của National Interest cho rằng, số lượng tân binh mà Nga đưa ra chiến trường vào năm 2023 và 2024 không được tiết lộ, nhưng trên thực tế, Nga chưa phải triệu tập quân dự bị lần thứ hai, dù có một số báo cáo cho biết các lực lượng nước này chịu thương vong cao trong các cuộc tấn công dọc theo mặt trận.
Đánh giá theo 3 tiêu chí trên, Ukraine có khả năng thua trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài. Chính vì vậy họ phải hành động thật quyết liệt nếu muốn tránh thất bại. Việc Kiev thực hiện chiến dịch tấn công Kursk là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện tại.
Ngoài việc đóng vai trò là cuộc tấn công đánh lạc hướng, còn có suy đoán cho rằng, chiến dịch xâm nhập Kursk sẽ giúp Ukraine kiểm soát một số vùng lãnh thổ của Nga, từ đó đưa ra trao đổi trong các cuộc đàm phán. Tổng thống Zelensky từng nhắc đến điều này khi ông nói về kế hoạch hòa bình sắp gửi cho Mỹ.
Ván bài mặc cả có nguy cơ bị xóa sổ
Cuộc tấn công Kursk đã khiến Ukraine phải rút đi những đơn vị tốt nhất của Ukraine ở mặt trận phía Đông. Chiến dịch này khiến họ phải mở rộng và kéo dài tuyến tiếp tế vốn đã mong manh. Có hai nguy cơ lớn đối với Kiev: thứ nhất, lực lượng nước này có thể bị cô lập trên mặt trận Kursk, thứ hai, họ sẽ bị sa lầy vào các cuộc giao tranh tại biên giới và mất đi những đơn vị không thể thay thế được.
Các nhà phân tích tại Trung tâm Wilson ở Washington cho rằng, không rõ Ukraine có thể giữ vững những vùng lãnh thổ họ chiếm được ở biên giới Nga hay không. Một khi Ukraine củng cố quyền kiểm soát bằng việc đào các chiến hào, Nga có thể đưa pháo binh, tổ hợp tác chiến điện tử, phòng không, bom lượn và tổ hợp tên lửa chiến thuật để tấn công Ukraine. Chiến dịch xâm nhập Kursk có thể không tạo ra đòn bẩy trong các cuộc đàm phán nếu Tổng thống Vladimir Putin tin rằng ông có thể đẩy lùi Ukraine ra khỏi lãnh thổ.
Tổng thống Zelensky dường như hiểu rằng, đàm phán hòa bình là điều cần phải diễn ra để chấm dứt cuộc chiến mà Ukraine khó có khả năng chiến thắng. Nhưng cuộc đàm phán đó có lẽ phải chờ đến khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng 11/2024 và chiến dịch tấn công Kursk được coi là con bài mặc cả quan trọng.
Trong bài bình luận đăng tải trên tờ Foreign Affairs, cây bút Stephen M. Walt chỉ ra rằng: “Theo một số báo cáo, Ukraine hiện chiếm giữ hơn 1.200km2 lãnh thổ Nga và buộc 200.000 người Nga phải di tản khỏi một số khu vực ở biên giới. Con số trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số diện tích lãnh thổ Nga. Trái lại Nga đang kiểm soát khoảng 20% diện tích lãnh thổ Ukraine. Ngay cả khi Ukraine có thể giữ vững những khu vực mà họ chiếm được, thì điều này cũng không mang lại nhiều lợi thế để mặc cả trên bàn đàm phán”.
Cùng chung quan điểm này, ông Ivan Eland, Giám đốc Trung tâm hòa bình và tự do thuộc Viện Độc lập có trụ sở tại Mỹ đã đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải chiến lược đúng đắn của Ukraine chuyển lực lượng từ các tuyến phòng thủ vốn đã mỏng manh để tiến hành một cuộc tấn công mạo hiểm nhằm đạt được những lợi ích mơ hồ hay không?”. Cuộc tấn công của Nga ở phía Đông đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Nga đông hơn và mạnh hơn Ukraine, nên họ có thể không cần phải rút hết lực lượng tấn công ở Ukraine để bảo vệ vùng biên giới. Trái lại, Ukraine có nguy cơ bị bao vây tại Kursk do thiếu lực lượng.
Theo giới quan sát, quyết định của Ukraine xâm nhập biên giới Nga là một canh bạc nhằm cố gắng xoay chuyển cục diện cuộc chiến mà nước này có nguy cơ thua. Nó cho thấy một bước leo thang nguy hiểm, đặc biệt khi Kiev sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp tấn công lãnh thổ Nga, cũng như việc Mỹ và châu Âu cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine.
Vấn đề đối với Ukraine là họ có thể phải chịu tổn thất lớn hơn so với Nga. Điều này rất khó chấp nhận khi Kiev phải gồng mình thay thế các lực lượng vốn đã suy yếu tại mặt trận phía đông. Ngay cả khi Mỹ và châu Âu liên tục viện trợ vũ khí, Ukraine cũng khó lòng giành lại bán đảo Crimea hoặc các khu vực đã mất ở Donbass.