Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 29/1 nói rằng ông đang tìm kiếm hòa bình với Nga, bất chấp việc Kiev cáo buộc Moscow tài trợ cho lực lượng nổi dậy ở phía đông và can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine.
Ông Poroshenko đưa ra bình luận trên khi ông chính thức thông báo sẽ tái tranh cử trong một diễn đàn với chủ đề "Từ Kruty tới Brussels: Hướng đi của chúng ta" tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Kiev. Nhà lãnh đạo Ukraine lên nắm quyền năm 2014, trong bối cảnh Nga sáp nhập bán đảo Crimea trong một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi trên thế giới và sau đó 2 khu vực phía đông của Ukraine cũng tuyên bố tự trị.
Những cuộc chiến giữa lực lượng vũ trang Ukraine và lực lượng ly khai đã khiến 10.000 người thiệt mạng khi căng thẳng hai bên rơi vào bế tắc. Đặc biệt, sau cuộc đụng độ hồi tháng 11/2018 giữa các lực lượng của Nga và Ukraine tại eo biển Kerch, Tổng thống Poroshenko luôn cảnh báo về nguy cơ xung đột gia tăng của 2 quốc gia nhưng nhà lãnh đạo Ukraine dường như đã dịu giọng hơn trong bài phát biểu ngày 29/1.
"Dĩ nhiên, chúng ta cần hòa bình với Nga. Mọi người đều đã mệt mỏi vì chiến tranh", Tổng thống Poroshenko khẳng định.
"Hòa bình là việc khôi phục hoàn toàn sự thống nhất lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine. Hòa bình là sự công nhận không thể chối cãi của Moscow với quyền được quyết định các vấn đề đất nước của Ukraine. Chúng ta sẽ làm mọi thứ để Ukraine không phải xin ý kiến Moscow về con đường chúng ta sẽ đi. Đó là đặc quyền của người dân Ukraine và con đường này sẽ tránh xa Moscow", ông Poroshenko nhận định.
Nhà lãnh đạo Ukraine cũng cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ tiếp tục mục tiêu khôi phục sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine bằng các cách thức ngoại giao và chính trị, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất của liên minh ủng hộ Ukraine trên thế giới và trong EU, sử dụng các công cụ trừng phạt và cơ chế của Liên Hợp Quốc trên lãnh thổ Donbas bị chiếm đóng".
Những cáo buộc Moscow can thiệp vào các vấn đề của Ukraine đã làm leo thang căng thẳng về quân sự giữa Nga và NATO khi cả hai đều tăng cường hiện diện tại khu vực biên giới chung dọc Đông Âu qua việc triển khai quân đội trên đất liền, trên không và trên biển. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng ngày càng nóng lên khi Nga bắt giữ 3 tàu Ukraine, cáo buộc họ vi phạm luật pháp quốc tế khi đi qua eo biển Kerch gây tranh cãi nằm giữa Biển Đen và Biển Azov gần Crimea./.