Ukraine khước từ nền hòa bình bất lợi

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG |

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đơn phương ra lệnh cho quân đội tuân thủ lệnh ngừng bắn 36 giờ từ giữa trưa 6-1 ở Ukraine để cho phép người dân tham dự các nghi lễ vào đêm Giáng sinh của Chính thống giáo và ngày Giáng sinh.

Lính Nga tăng cường cho chiến trường Ukraine trong buổi lễ trước khi ra tiền tuyến - Ảnh: Reuters

Lính Nga tăng cường cho chiến trường Ukraine trong buổi lễ trước khi ra tiền tuyến - Ảnh: Reuters

Người Nga theo Chính thống giáo đón Giáng sinh vào ngày 7-1. Đây được coi là đáp ứng lời kêu gọi đình chiến tạm thời từ Thượng phụ Kirill, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga - tôn giáo lớn nhất ở xứ sở bạch dương. Tuy nhiên, cành ô liu do nước Nga chìa ra đã bị từ chối.

"Tôi nghĩ hầu hết các quân nhân của chúng tôi tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt đã thở phào khi họ nghe thấy lời từ chối ngừng bắn vào ngày Giáng sinh. Ít vấn đề và rắc rối hơn."

- Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Ukraine càng không tin thì càng ít rắc rối.

Cuộc chiến hao tốn

Phía Ukraine không hưởng ứng đáp lại tuyên bố ngừng bắn của Tổng thống Putin, vốn được coi là một bước tiến cho các giải pháp hòa bình xa hơn ở Ukraine. Các quan chức Ukraine đã gọi động thái của ông Putin là đạo đức giả.

Thậm chí cố vấn tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, đã viết trên Twitter rằng Nga phải rời khỏi "các vùng lãnh thổ chiếm đóng" ở Ukraine trước khi có bất kỳ "thỏa thuận ngừng bắn tạm thời nào".

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nghi ngờ động cơ thật sự sau lệnh ngừng bắn của tổng thống Nga khi cho rằng ông Putin đang "cố gắng tìm chút dưỡng khí" sau một số tổn thất lớn gần đây của quân đội Nga ở Ukraine. Hành động ngừng bắn đơn phương của ông Putin bị phía Mỹ xem là một giải pháp "mua thời gian" để củng cố lại binh sĩ và trang thiết bị vũ khí.

Trước đó, vào nửa đêm 1-1, một cuộc tấn công đã diễn ra nhắm vào một trường dạy nghề được tận dụng làm doanh trại cho nhiều tân binh Nga đồn trú ở Makiivka, vùng Donetsk mà Nga hiện đang chiếm giữ.

Cuộc tấn công đã giết chết một số lượng đáng kể binh lính Nga, mà theo phía Ukraine có thể lên tới vài trăm binh lính, nhưng Matxcơva chỉ xác nhận thiệt hại vài chục quân nhân.

Dù cho con số tổn thất nhân mạng do hai bên đưa ra có sự chênh lệch đáng kể, song nhìn chung cuộc tấn công đánh dấu một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất của cuộc xung đột đối với các lực lượng quân đội của chính quyền Matxcơva tại Ukraine.

Do đó, ông Putin hiện đang chịu áp lực mạnh mẽ phải mang lại chiến thắng ở Ukraine sau hơn 10 tháng kể từ khi ông thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt để "bảo vệ người Nga ở miền đông Ukraine và phi phát xít hóa chính quyền Ukraine".

Cuộc chiến tưởng đâu kết thúc một cách nhanh chóng cho phía Nga trước một đối thủ với sức mạnh kém hơn, nhưng giờ đây khi chuẩn bị bước sang tháng thứ 11, cuộc xung đột mang hình thái đầy đủ của một cuộc chiến cam go và hao tốn.

Cả hai bên đã chịu những đòn nặng nề từ cuộc xung đột. Nền kinh tế Ukraine trong năm 2022 đã suy giảm hơn 30% so với năm ngoái. Đây được coi là mức suy giảm cao nhất kể từ khi Ukraine độc lập vào năm 1991. Trong khi đó, nước Nga cũng đang phải chống chọi với sự cô lập và các lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây.

Giai đoạn bế tắc

Các nền kinh tế phương Tây, đặc biệt là các quốc gia ở châu Âu, cũng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc xung đột. Tuy nhiên, nước Nga đã gặp một phương Tây không hề bị chia rẽ và dè dặt bởi lạm phát cao và nền kinh tế suy thoái.

Khi cuộc chiến kéo dài sang năm 2023, các quốc gia Mỹ, Anh, Đức và Pháp đều cam kết gửi thêm vũ khí cho chính quyền Kiev. Thủ tướng Anh Rishi Sunak nói với Tổng thống Ukraine Zelensky rằng Ukraine có thể "tin tưởng vào việc nước Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ họ lâu dài".

Năm ngoái, Pháp đã cung cấp một số lựu pháo Caesar cho Ukraine. Tổng thống Macron cũng cho biết Paris sẽ cung cấp vũ khí phòng không khi Nga tăng cường tấn công tên lửa vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Cục diện chiến trường đã có một số thay đổi quan trọng so với thời điểm khởi đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt". Binh sĩ Ukraine đang chiến đấu trên lãnh thổ quê hương, với tinh thần vẫn còn cao và vũ khí phương Tây vẫn tiếp tục được đổ vào.

Ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, nói với kênh truyền hình ABC của Mỹ rằng giao tranh sẽ trở nên "nóng nhất" vào tháng 3-2023, khi Ukraine đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công lớn vào mùa xuân.

Sau thời gian đầu nhanh chóng giành được vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía đông và nam của Ukraine, việc Nga chỉ thực hiện được những bước tiến nhỏ ở phía đông Ukraine cho thấy cuộc chiến đang bước vào giai đoạn bế tắc.

Ukraine bắt đầu thực hiện các cuộc phản công nhanh vào cuối tháng 8-2022 và hiện giành lại được tổng cộng 74.443km2 lãnh thổ khỏi lực lượng Nga, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu chiến tranh.

Tuy nhiên, phản công của Ukraine hiện đang gặp phải sự đề kháng mạnh mẽ của quân Nga và không có nhiều tiến triển trong mùa đông. Do đó vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng Nga hay Ukraine chiến thắng trong cuộc xung đột này khi có quá nhiều biến số có thể dẫn đến sự đảo chiều cục diện chiến trường.

Tuy nhiên, một điều khá chắc chắn là phương Tây khá đồng nhất quan điểm trong việc nhìn nhận hành động ngừng bắn đơn phương của tổng thống Nga như một "chiêu trò" hơn là một giải pháp hòa bình thật sự.

Vì vậy, một nền hòa bình nhưng bất lợi cho Ukraine không là sự lựa chọn của Tổng thống Ukraine Zelensky và phương Tây lúc này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại