Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2/2022, nước này có ưu thế lớn hơn về mọi mặt từ lực lượng, tài chính cho tới trang thiết bị. Cho đến nay, sau nhiều diễn biến của cuộc xung đột, cán cân này vẫn chưa thay đổi. Trên thực tế, Moscow đang thu về thành quả.
Một số nhà quan sát cho rằng, cuộc đột kích vào Kursk là một sai lầm chiến lược của Ukraine, làm suy giảm phòng tuyến cũng như các nguồn lực cần thiết của Ukraine để ngăn chặn đà tiến công của Nga dọc mặt trận phía Đông. Chiến dịch Kursk chưa làm thay đổi diễn biến xung đột theo hướng có lợi cho Kiev mà chỉ ngày càng làm phức tạp thêm những vấn đề hiện tại của nước này.
Cuộc đột kích của Ukraine vào Kursk, vốn không hề được thông báo trước cho Mỹ, đã được định hình như một nỗ lực nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Nga trong mùa thu này với vị thế mạnh hơn cho Kiev. Như các nhà phân tích Rob Lee và Michael Kofman lưu ý: "Thời điểm và cách thức tổ chức cuộc tấn công này cho thấy giới lãnh đạo Ukraine đã đánh giá rằng họ cần phải hành động. Một lý do có thể tính tới là cuộc bầu cử Mỹ đe dọa đẩy Kiev vào các cuộc đàm phán với Moscow trong khi ở thế yếu". Tuy nhiên, theo hai nhà quan sát này: "Cuộc tấn công đã cho thấy sự thiếu hụt chiến lược thống nhất giữa Ukraine và các đối tác phương Tây. Diễn biến này sẽ dẫn đến việc xem xét lại chiến lược hiện tại trong cuộc xung đột này". Hiện nay, kế hoạch chiến thắng của Ukraine vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, điều này cũng diễn ra với các nước phương Tây ủng hộ Ukraine . Sau thất bại cuộc phản công của Ukraine năm 2023, vốn được lên kế hoạch để xuyên thủng phòng tuyến Nga ở phía Nam, tạo điều kiện cho Kiev bước vào các cuộc đàm phán từ vị thế mạnh, rõ ràng hiện chưa có một kế hoạch đáng tin cậy nào cho chiến thắng của Ukraine.
Thay vào đó, chỉ có một loạt đợi cung cấp vũ khí tạm thời và ngày càng gây tranh cãi nhằm ngăn Kiev đối mặt với thất bại. Chính quyền Tổng thống Biden, có nghĩa vụ pháp lý phải trình lên Quốc hội một lộ trình chiến lược chi tiết và thực tế để hướng tới kết thúc xung đột vào tháng 6 năm nay, vẫn chưa thực hiện yêu cầu đó. Nói một cách đơn giản, điều này là do không hề tồn tại một kế hoạch như vậy.
Tầm nhìn chiến lược của Ukraine cho năm 2024 là làm suy yếu sức mạnh tấn công của Nga, buộc Moscow phải đàm phán hòa bình thông qua nhận thức rằng khả năng bảo vệ lãnh thổ của Kiev có thể khiến Nga phải trả giá đắt về nhân lực và vật lực. Những kế hoạch táo bạo cho một cuộc phản công lớn của Ukraine vào năm 2025, khi sức mạnh tấn công của Nga suy giảm, đã được các nhà phân tích đề cập nhưng có vẻ không thuyết phục.
Trong khi cạn kiệt tân binh có tinh thần chiến đấu, Ukraine buộc phải sử dụng lực lượng dự bị cần thiết và các lữ đoàn tinh nhuệ nhất để lấp đầy các lỗ hổng trong tuyến phòng thủ của mình. Quân đội Nga đang đạt được thành quả hàng ngày dọc mặt trận phía Đông với lợi thế lớn hơn về nguồn lực. Với nỗ lực và chi phí lớn, các lực lượng của Kiev đang bảo vệ các vị trí của mình nhưng vẫn bị Moscow áp đảo về hỏa lực. Thay vì tăng cường sức mạnh cần thiết cho một cuộc tấn công mới vào năm sau, Ukraine đang phải vật lộn ở mức giới hạn của mình để ngăn cản đột phá của Nga vượt ngoài các tuyến phòng thủ kiên cố đã tồn tại hàng thập kỷ của mình.
Giới quan sát cho rằng xu hướng chung cho Ukraine trong thời gian tới tương đối ảm đạm. Như chuyên gia Lee và chuyên gia Kofman nhận định: "Kể từ năm 2023, Washington đã không còn nghĩ về cách chấm dứt xung đột thành công theo các điều khoản có lợi cho Ukraine". Nhà sử học nổi tiếng của Nga Vladislav Zubok, đã đưa ra lập luận một cách thẳng thắn hơn rằng: "Theo hình thức và cục diện hiện tại, cuộc xung đột ở Ukraine đang cứ thế trôi qua mà không thể định đoạt chiến thắng".