Chiến trường Ukraine vạch rõ 'yếu huyệt' của tăng Nga, chuyên gia đưa gợi ý khắc phục từ... thời Liên Xô?

Hoài Giang |

Trong bài viết được Topwar.ru đăng tải ít giờ trước, cây viết Evgeniy Fedorov cho rằng vấn đề hiện tại của T-90, T-72 và thậm chí là T-14 đều đã được chuyên gia Liên Xô nói tới từ những năm 1970.

"Chậm là chết"

Ngay từ những ngày đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt, lính tăng Nga đã đề cập tới một số loại tăng thiết giáp có khả năng sống sót cao hơn phần còn lại trong trang bị.

Cụ thể họ đề cập tới Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-80BVM và xe chiến đấu bộ binh BMP-3, những khí tài cơ động cao và tỷ lệ bị phá hủy tương đối thấp.

Dù điều này cần phải được xác minh thêm bằng các tài liệu chính thống nhưng cũng cần lưu ý rằng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (Thế chiến 2 theo cách gọi của Nga), các chuyên gia Liên Xô đã thống kê các trường hợp hư hỏng của tăng thiết giáp.

Và điều này cho thấy rất có thể Quân đội Nga đã làm điều tương tự từ lâu.

Chiến trường Ukraine vạch rõ 'yếu huyệt' của tăng Nga, chuyên gia đưa gợi ý khắc phục từ... thời Liên Xô?- Ảnh 1.

Một xe tăng được cho là T-90 bị phá hủy sau khi lính Ukraine khai hỏa RPG vào mùa xuân năm 2022.

Như chúng ta đã biết, có 3 loại động cơ được trang bị cho các MBT Nga.

Đầu tiên là động cơ diesel V-92S2F 1.130 mã lực (hp) cho T-90M "Proryv" và T-72B3M, tiếp theo là động cơ tua bin khí GTD-1250 1.250 hp cho T-80BVM và cuối cùng là động cơ diesel 2V-12-3A 1500 hp cho T-15 "Armata".

Bằng các phép toán đơn giản, chúng ta có thể thấy công suất riêng của T-72B3M 46 tấn là 24,1 hp/t (mã lực/tấn), T-90M 48 tấn là 23,5 hp/t và T-80BVM 46 tấn là 27,1 hp/t.

Dựa trên thông tin về trọng lượng của Armata là 55 tấn, công suất riêng của nó là 27,2 mã lực/tấn. Có thể nói chiếc MBT hiện đại nhất của Nga chỉ có nguồn cung năng lượng ngang bằng với T-80BVM.

Từ những thông tin kể trên, có vẻ như sức mạnh động cơ xe tăng Nga là tạm đủ. Đặc biệt là khi so sánh với những đối thủ nước ngoài như Leopard 2A6 và M1A2 Abrams có công suất riêng là 24,1 hp/t.

Chiến trường Ukraine vạch rõ 'yếu huyệt' của tăng Nga, chuyên gia đưa gợi ý khắc phục từ... thời Liên Xô?- Ảnh 2.

Động cơ diesel V-92S2F2 1130 mã lực.

Tuy nhiên cũng có những vấn đề phát sinh.

Đầu tiên là việc MBT Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt buộc phải trang bị thêm các thiết bị bảo vệ chủ động và bổ sung các loại giáp chống đạn lõm. Có thể nói yêu cầu tăng cường bảo vệ áo giáp từ mọi góc độ đã trở thành một "khám phá" mới.

Điều đặc biệt là xe tăng hiện đang được trang bị thêm các biện pháp bảo vệ này cả ở nhà máy và lẫn các xưởng sửa chữa ở tiền tuyến và việc thêm vài tấn thiết bị loại này dù tăng tính an toàn cho xe nhưng đồng thời làm giảm khả năng cơ động.

Thứ hai, thực tế của chiến dịch quân sự đặc biệt không cho phép so sánh trực tiếp đặc tính xe tăng Nga và xe tăng nước ngoài. Lý do đơn giản vì chúng cực kỳ hiếm gặp nhau.

Điều quan trọng hơn nhiều là xe tăng sẽ mất bao lâu để vượt qua địa hình rộng mở được bao phủ bởi ATGM (tên lửa chống tăng có điều khiển) hoặc tốc độ tối đa nó có thể đạt được khi thoát khỏi Drone (máy bay không người lái) cảm tử.

Chiến trường Ukraine vạch rõ 'yếu huyệt' của tăng Nga, chuyên gia đưa gợi ý khắc phục từ... thời Liên Xô?- Ảnh 3.

Một xe tăng T-72B3 được bảo vệ bằng mái phủ các khối ERA (giáp phản ứng nổ) để chống lại các loại đạn và Drone "đột nóc" vào mùa xuân năm 2023.

Tài liệu Liên Xô?

Dĩ nhiên xe tăng có vẻ không phù hợp lắm cho những trò chơi với ATGM và Drone cảm tử nói trên. Nhưng có thể hiểu rằng nếu tốc độ xe tăng có khả năng tăng thêm chỉ khoảng 1 km/h thì khả năng sống sót của nó cũng tăng lên.

Và điều này đã được các chuyên gia Liên Xô nói tới từ những năm 1970.

Đặc biệt, họ có dữ liệu về sự thay đổi xác suất va chạm giữa đạn chống tăng với xe tăng tùy thuộc vào khả năng cơ động của chính xe tăng. Điều thú vị là xác suất một chiếc xe tăng bị bắn trúng có xu hướng bằng 0 nếu gia tốc của nó là khoảng 3 m/s 2 .

Để dễ hiểu hơn, đây là khả năng xe tăng tăng tốc lên hàng trăm km/h trong 9,26 giây. Để tăng tốc như vậy, xe tăng cần có công suất riêng lên tới 100 hp/t và đây là điều không thể.

Các chuyên gia Liên Xô đã đưa ra khẳng định rằng khả năng tăng tốc tối ưu và thực tế nhất có thể nằm trong khoảng 1,5-2,4 m/s 2 , tức là tăng lên tốc độ hàng trăm km/h trong khoảng 12-19 giây.

Và chúng ta hãy nhớ rằng đây là những tài liệu được các chuyên gia Liên Xô đưa ra vào năm 1978, khi mà ATGM Javelin và Drone cảm tử chưa được biết tới.

Tiếp theo là vấn đề bắn khi đang di chuyển của xe tăng Nga. Các chuyên gia Liên Xô cũng lưu ý rằng ở khoảng cách hơn 500 mét (dưới 500 mét thì không thể kịp ngắm bắn) xác suất xe tăng bắn trúng mục tiêu tùy thuộc vào tốc độ di chuyển.

Tốc độ tối ưu để xe tăng khai hỏa khi đang di chuyển từ 10 đến 50 km/h.

Vậy xe tăng Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt khai hỏa ra sao?  Nhiệm vụ điển hình của chúng là khai hỏa liên tiếp khi đang di chuyển trong khu vực trống trải hoặc bắn từ vị trí bắn được ngụy trang trước khi vội vàng rời đi để không bị bắn trả.

Và đây cũng là lý do việc tăng công suất riêng sẽ có lợi cho xe tăng.

Chiến trường Ukraine vạch rõ 'yếu huyệt' của tăng Nga, chuyên gia đưa gợi ý khắc phục từ... thời Liên Xô?- Ảnh 4.

Một đạn chống tăng được cho là từ tổ hợp NLAW do lính Ukraine khai hỏa vào phía sau tháp pháo xe tăng T-72B3 của Nga ở Mariupol, Donetsk vào năm 2022.

Và theo các tài liệu của Liên Xô, các chuyên gia kết luận rằng cần phải tăng công suất riêng của xe tăng lên khoảng 28-30 hp/t để có thể "thực hiện các thao tác phòng thủ nhằm giảm khả năng vũ khí chống tăng bắn trúng xe tăng".

Nếu chúng ta tính đến chiếc T-90M 48 tấn thì cần phải tăng công suất lên đáng kể - từ 1.130 hp lên tới 1.300-1.400 hp. Các bổ sung bảo vệ ngoài tiêu chuẩn sẽ đẩy con số này lên 1.350-1.450 hp.

Trong trường hợp của Armata, công suất động cơ diesel sẽ phải tăng lên 1.650-1.700 mã lực.

Điều này rất khó khăn nhưng có thể thực hiện được bằng cách thêm bộ đốt sau cho động cơ, bổ sung các phụ gia nhiên liệu đặc biệt và một loạt các biện pháp khác. Tuy nhiên sẽ phải hi sinh tuổi thọ của động cơ và lượng nhiên liệu tiêu thụ tăng lên đáng kể.

Dù sao thì cách làm này vẫn rẻ hơn và nhanh hơn việc chế tạo một động cơ xe tăng mới.

Tuy nhiên với Armata điều này rất khó xảy ra, chủ yếu là do Quân đội Nga vẫn chưa thực sự làm chủ MBT này và "những căn bệnh thời thơ ấu" không thể tránh khỏi của nó có vẻ vẫn chưa được người ta loại bỏ hoàn toàn.

Chiến trường Ukraine vạch rõ 'yếu huyệt' của tăng Nga, chuyên gia đưa gợi ý khắc phục từ... thời Liên Xô?- Ảnh 5.

Hình minh họa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại