Khi Ukraine sắp hết những loại đạn dược cần thiết để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và kho dự trữ vũ khí của phương Tây ngày càng cạn kiệt, một số nước ủng hộ nhiệt tình nhất cho Kiev, trong đó có Mỹ, Estonia đang gây sức ép buộc các đồng minh châu Âu đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí.
Quân nhân Ukraine chuẩn bị khai hỏa súng cối về phía binh sĩ Nga ở khu vực ngoại ô thành phố Bakhmut thuộc tỉnh Donetsk ở miền đông. Nguồn: Reuters
Estonia đã đưa ra đề xuất đầy tham vọng, khiến châu Âu tăng gấp 7 lần sản lượng đạn pháo 155mm, từ 240.000 hoặc 300.000 quả đạn mỗi năm lên tới 2,1 triệu quả đạn mỗi năm. Chi phí sản xuất dự kiến lên tới gần 4,25 tỷ USD. Các nước thành viên châu Âu sẽ hợp tác trong việc mua chung và chia sẻ số lượng đạn pháo này. Nếu đề xuất được thực thi, châu Âu có thể đẩy nhanh tốc độ đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine. Thời gian sẽ được rút ngắn lại từ 4 năm theo dự kiến ban đầu xuống còn 6 tháng. Phát biểu với NBC, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu cho biết, ông đã thảo luận đề xuất này với một số người đồng cấp châu Âu tại thành phố New York, Mỹ.
Mặc dù tin tưởng đề xuất sẽ nhanh chóng được thông qua, nhưng ông Urmas Reinsalu nói rằng, châu Âu không thể “lãng phí thời gian”. “Phương thức thực hiện có thể khác biệt, nhưng điều quan trọng là việc tăng cường sản xuất vũ khí cần phải diễn ra nhanh chóng”.
Một số nhà phân tích cho rằng, việc sản xuất đạn pháo ở Mỹ và châu Âu đang rơi vào thời điểm khủng hoảng. Ông Andriy Zagorodnyuk – cố vấn của chính phủ Ukraine về mua sắm vũ khí cho biết: “Nếu việc sản xuất vũ khí của Mỹ và châu Âu vẫn ở mức cũ hoặc chỉ cao hơn một chút, chúng tôi sẽ cạn kiệt kho dự trữ đạn dược trong năm nay”.
Estonia được coi là “Ngôi sao phương Bắc” trong nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine. Quốc gia nhỏ bé với dân số 1,3 triệu người này đã dành gần một nửa ngân sách quốc phòng để hỗ trợ Ukraine. Một quan chức Thượng viện Mỹ cho biết, Mỹ đang hối thúc chính phủ các nước châu Âu tăng cường sản xuất đạn pháo, trong khi đó Washington cũng tăng gấp 5 lần sản lượng đạn pháo trong nước. Bên kia bờ Đại Tây Dương, các quan chức châu Âu cho biết, họ đang đưa ra phản ứng tốt nhất trước yêu cầu của Mỹ. Một quan chức phương Tây nói với NBC rằng: “Mỹ đang yêu cầu chúng tôi làm điều tương tự và chúng tôi đã làm chính xác những gì họ muốn”.
Đẩy mạnh mua sắm và sản xuất vũ khí là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Biden, đặc biệt là khi kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt. Việc sản xuất những vũ khí thông thường như lựu pháo, xe tăng, đạn dược đã không còn được chú trọng tại các cơ sở công nghiệp của Mỹ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Những dây chuyền sản xuất này đã bị lãng quên trong nhiều thập kỷ qua. Vì thế việc khởi động lại chúng cần rất nhiều thời gian. Đã có những lo ngại về việc Mỹ không đủ khả năng duy trì nguồn cung cấp ổn định cho Ukraine.
Ba nhà ngoại giao châu Âu cho biết, vấn đề mua sắm vũ khí đã được đưa ra trong chuyến thăm Ba Lan của Tổng thống Joe Biden. Đây cũng là chủ để được thảo luận tại Hội nghị An ninh Munich ở châu Âu vào tháng 2 vừa qua, và ngay cả trong cuộc gặp giữa Tổng thống Biden với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng.
Một quan chức giấu tên trong chính quyền Biden cho biết: “Tất cả các ông lớn trong ngành công nghiệp vũ khí của NATO đang cùng nhau tìm cách gia tăng năng lực sản xuất vũ khí. Trong bối cảnh môi trường an ninh đang thay đổi, các thành viên trong khối NATO đã xác định đây là vấn đề cấp thiết”. Chính quyền Biden ngày 3/3 tuyên bố sẽ cung cấp thêm nhiều đạn dược để hỗ trợ Ukraine với gọi viện trợ quân sự bổ sung trị giá 400 triệu USD.
Điều đáng chú ý là trong ngành công nghiệp quốc phòng ở châu Âu, các quy định về cạnh tranh và đảm bảo an toàn khá khắt khe. Ngoại trưởng Estonia Reinsalu cho biết: “Sẽ mất nhiều thời gian để mua sắm, đặt hàng, ổn định dây chuyền sản xuất và giao hàng".
Một vấn đề khác, là Ukraine vẫn sử dụng những loại vũ khí có từ thời Liên Xô. Giáo sư Trevor Taylor thuộc Đại học Cranfield của Anh, cho biết sau Chiến tranh Lạnh, cả các công ty quốc phòng của Mỹ và châu Âu đều có xu hướng sản xuất vũ khí công nghệ cao, tiên tiến hơn trong thời bình và họ dường như không có sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột trên bộ ở châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào pháo binh.
“Hầu hết các nước NATO đều không lường trước được rằng một cuộc chiến pháo binh sẽ xảy ra ở châu Âu và đây dường như là một cú sốc đối với ngành công nghiệp quốc phòng của họ”.
Giám đốc điều hành tập đoàn Raytheon, ông Greg Hayes cho biết: “Chúng tôi chi rất nhiều tiền cho một số hệ thống lớn tinh vi và phức tạp nhưng chúng tôi không đầu tư sản xuất những loại đạn dược thông thường. Chúng tôi không ưu tiên lấp đầy kho dự trữ vũ khí thông thường để chuẩn bị cho một trận chiến kéo dài”.
Theo ông Trevor Taylor, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đang tìm kiếm cam kết dài hạn từ các chính phủ để tung ra những khoản đầu tư lớn cho việc tăng cường sản xuất đạn pháo và các loại vũ khí khác. Chuyên gia này nhận định, các nhà thầu quốc phòng của Mỹ và châu Âu có thể giúp Ukraine khắc phục tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng, nhưng khó có khả năng giúp Kiev giành được chiến thắng trước Nga./.