Ukraine đặt cược vào tiêm kích F-16 để giải vây cho Kharkov

Hoàng Phạm |

Sau những chậm trễ trong việc chuyển giao tiêm kích F-16 cũng như quá trình đào tạo phi công và nhân viên mặt đất, Hà Lan cho biết Ukraine sẽ nhận được những chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên từ phương Tây trong mùa hè này.

Tại một căn cứ quân sự phía Nam Hà Lan, Tướng Arnoud Stallmann, chỉ huy lực lượng không quân Hà Lan cho biết vào một thời điểm nào đó trong mùa hè này, tiêm kích F-16 cuối cùng sẽ cất cánh trên bầu trời Ukraine.

“Trong mùa hè này, tất cả đều đã sẵn sàng”, ông Stallmann cho biết khi đứng trước 2 chiếc F-16 bên trong nhà chứa máy bay tại căn cứ, nơi chương trình đào tạo nhân viên Ukraine về bảo trì máy bay chiến đấu vừa kết thúc.

Ukraine đặt cược vào tiêm kích F-16 để giải vây cho Kharkov- Ảnh 1.

Phi công Ukraine hiện đang học lái F-16 tại các trung tâm ở Đan Mạch, Mỹ và Romania. Ảnh: Reuters

Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy đã cam kết cung cấp cho Ukraine khoảng 80 máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, loại khí tài mà Kiev đã yêu cầu trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, chương trình triển khai F-16 ở Ukraine bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong việc bàn giao máy bay cũng như quá trình huấn luyện.

Tướng Stallmann cho biết, chế độ huấn luyện phi công và nhân viên mặt đất vận hành máy bay không hề đơn giản.

“Không phải chỉ có phi công mới cần đào tạo mà các kỹ thuật viên và nhân viên bảo trì cũng cần được hướng dẫn kỹ lưỡng. Chúng tôi đang cung cấp chương trình đào tạo toàn diện để đảm bảo họ có thể bảo dưỡng máy bay một cách hiệu quả”, ông Stallmann nói.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, Kajsa Ollongren, cũng cho biết đợt chuyển giao F-16 đầu tiên cho Ukraine sẽ diễn ra vào mùa hè này. Bà bác bỏ những chỉ trích về sự chậm trễ trong bối cảnh có thông tin cho rằng Kiev không hài lòng với tốc độ đào tạo phi công.

“Tôi hoàn toàn hiểu quan điểm của Ukraine, họ muốn thực hiện việc này nhanh nhất có thể… Chúng tôi cũng đang thực hiện dự án càng nhanh càng tốt”, bà Ollongren nói.

“F-16 thực sự phức tạp hơn nhiều so với các máy bay mà lực lượng không quân Ukraine đang sử dụng cho đến nay… Không thể nhảy tắt qua vài bước mà phải thực hiện từng bước của quy trình. Chúng tôi cũng muốn cung cấp chúng nhanh nhất có thể cho Ukraine”, bà cho biết thêm.

Ukraine đặt cược vào F-16

Ukraine đã chờ đợi nhiều tháng để bắt đầu vận hành máy bay chiến đấu F-16, hy vọng việc đưa chúng vào sử dụng sẽ thay đổi động lực của cuộc xung đột và buộc Nga phải áp dụng chiến thuật thận trọng hơn trong các cuộc tấn công vào khu vực gần biên giới.

Anatolii Khrapchynskyi, chuyên gia hàng không và cựu phi công quân sự Ukraine, cho biết: “Nga sẽ buộc phải thay đổi chiến thuật. Chúng tôi sẽ có thể nhắm mục tiêu vào máy bay cũng tên lửa của họ hiệu quả hơn. Moscow sẽ thực sự gặp khó khăn khi sử dụng bom dẫn đường KAB mà họ cần phóng từ khoảng cách từ 50-70km”.

Nga đã sử dụng rộng rãi bom KAB để tấn công thành phố Kharkov trong những tuần gần đây. Lực lượng của Moscow có thể phóng những quả bom dẫn đường này từ trong không phận Nga mà không cần phải đưa máy bay chiến đấu vào khu vực xung đột hay đi vào tầm ngắm của hệ thống phòng không của Ukraine.

Giới chức ở Kiev tin rằng, F-16 sẽ giúp bảo vệ thành phố lớn thứ hai của Ukraine khỏi những loại vũ khí “ác mộng”.

Ông Mykhailo Podolyak, trợ lý của Tổng thống Volodymyr Zelensky, tháng trước cho biết: “Ngay cả các hệ thống phòng không cũng không hữu ích trước bom lượn và bom dẫn đường của Nga, chỉ có lực lượng hàng không mới có thể đối phó được. F-16 có tầm bắn xa hơn máy bay MiG và Su của Nga”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ollongren cho biết, Ukraine có thể dùng các máy bay chiến đấu do Amsterdam cung cấp để thực hiện các cuộc tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga với điều kiện việc sử dụng như vậy là nhằm mục đích phòng thủ và tuân thủ luật pháp quốc tế.

“Chúng tôi thấy rằng Ukraine cần có khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga. Nếu không, Nga sẽ luôn có lợi thế. Việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí xuyên biên giới sẽ nâng cao hiệu quả các hoạt động quân sự của họ”, bà Ollongren nói.

Đan Mạch cũng cho phép Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.

Trong khi Ukraine đang nóng lòng muốn đưa tiêm kích F-16 lên bầu trời, nhà phân tích Justin Bronk, thuộc viện nghiên cứu RUSI có trụ sở ở London (Anh) cho rằng thời điểm thích hợp để triển khai F-16 là khi đã đánh giá về mọi rủi ro có thể xảy ra.

“Tôi hy vọng F-16 sẽ được đưa vào chiến đấu khi Ukraine đã sẵn sàng về mặt chiến thuật và hoạt động, cả phi công và đội ngũ mặt đất, chứ không phải dựa trên cơ sở rằng ‘mọi thứ đang tồi tệ, chúng ta cần một chiến thắng chính trị'”, ông Bronk nhấn mạnh.

Chiến thuật hoàn toàn mới

Tiêm kích F-16 được kỳ vọng sẽ là sự nâng cấp cần thiết cho lực lượng không quân già cỗi của Ukraine, vốn chủ yếu gồm các phi cơ sản xuất từ thời Liên Xô và đã hứng tổn thất nghiêm trọng sau hơn hai năm chiến sự.

Theo ông Bronk, chiến thuật điều khiển F-16 sẽ hoàn toàn mới đối với các phi công từng lái máy bay MiG-29 hoặc Su-27 do Liên Xô thiết kế.

Những chiếc máy bay Ukraine hiện đang sử dụng thường có xu hướng bay với mức độ can thiệp cao từ mặt đất. Mệnh lệnh phóng vũ khí sẽ do người chỉ huy đưa ra từ căn cứ, nơi cách phi công hàng nghìn mét. Ngược lại, phi công F-16 có nhiều quyền tự chủ hơn trong buồng lái và bản thân chiếc máy bay cũng như vũ khí của nó cũng được thiết kế để phục vụ điều này.

Tư lệnh không quân Hà Lan Stallmann cho biết mỗi chiếc F-16 cần khoảng 10 người để vận hành, trong đó có 2 phi công.

Hiện tại có hai khóa đào tạo, một là đào tạo lại các phi công đã có kinh nghiệm sử dụng F-16, chủ yếu diễn ra ở Đan Mạch và Mỹ; hai là đào tạo lại các phi công mới từ đầu ở Romania.

Ngoài phi công, F-16 còn yêu cầu chế độ bảo dưỡng phức tạp. Các nhân viên bảo trì được đào tạo ở Hà Lan. Sau khi về nước, những người này sẽ hướng dẫn lại cho các nhân viên ở Ukraine.

“Vấn đề không nằm ở việc đào tạo phi công mà là ở nhân viên mặt đất; có rất nhiều nhóm cần được đào tạo với các chương trình hoàn toàn khác nhau trước F-16 có thể được vận hành”, một nguồn tin quân sự Ukraine cho biết.

Một số chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng F-16 sẽ gặp nhiều thách thức. Nga sẽ tìm cách phá hủy những chiếc F-16 được triển khai tại các sân bay trên mặt đất. Điều này buộc Ukraine phải tìm cách che giấu F-16 cẩn thận ngay từ đầu và bố trí các hệ thống bảo vệ để tránh tổn thất nghiêm trọng gần như ngay lập tức sau khi tiêm kích phương Tây được đưa tới.

Chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, Serhii Holubtsov, tuần trước cho biết một số máy bay F-16 sẽ được triển khai tại các căn cứ không quân ở nước ngoài.

Bất chấp mọi trở ngại, các chuyên gia hàng không Ukraine hy vọng rằng F-16 sẽ là nhân tố “thay đổi cuộc chơi”.

“Với F-16, chúng tôi có thể đạt được sự ngang bằng trên bầu trời Ukraine và mang lại tổn thất nghiêm trọng cho lực lượng hàng không Nga ở khu vực biên giới”, cựu phi công Ukraine Khrapchynskyi nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại