Binh lính Nga tập trận ở gần biên giới Ukraine. Ảnh: AFP
Giữa bối cảnh thông tin ngày 16/2 Nga sẽ tấn công Ukraine được đưa ra, nhiều quan chức, doanh nhân lớn ở Ukraine đã rời khỏi đất nước do lo sợ. Tuy nhiên, theo các quan chức Ukraine, Tổng thống Zelenskiy không tin điều này, đồng thời biến ngày 16/2 thành Ngày đoàn kết quốc gia, kêu gọi người dân đồng loạt treo quốc kỳ. Còn với những người Ukraine ở nước ngoài, ông kêu gọi họ nên trở về nước trong 24 giờ tới, để sát cánh cùng đất nước: “Các quan chức, nhà lập pháp các cấp đã rời khỏi đất nước hoặc dự định làm như vậy trong tương lai gần nhất. Người dân Ukraine đã giao cho bạn quản lý nhà nước này cũng như bảo vệ nó. Đó là nhiệm vụ trực tiếp của các bạn. Tôi đề nghị các bạn trở về quê hương trong vòng 24 giờ và sát cánh cùng quân đội, các nhà ngoại giao và người dân Ukraine”.
Theo ông Zelenskiy, Ukraine đang bị bao vây cả về mặt quân sự, kinh tế cũng như đối ngoại.
Nhận định rằng tình hình Ukraine đang rất nguy hiểm, các nước phương Tây cũng đứng ngồi không yên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm nay sẽ công du Đông Âu để gặp các đồng minh NATO trong khu vực. Sau cuộc gặp với lãnh đạo và giới chức quốc phòng một số nước, ông Austin sẽ tham dự hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dự kiến diễn ra trong hai ngày sau đó tại Bỉ và nội dung trọng tâm của cuộc họp, không gì khác vẫn là tình hình Ukraine.
Hiện cả Mỹ, các nước phương Tây vẫn tha thiết kêu gọi một giải pháp ngoại giao với Nga và tin rằng Tổng thống Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby, một cuộc chiến nổ ra sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp: “Nga có nên tiến hành một cuộc tấn công quân sự lớn không? Chắc chắn là mạng sống của nhiều người đang gặp rủi ro, người dân Ukraine và người Nga nữa. Tuy nhiên, Nga có thể giảm leo thang ngay lập tức để mọi người không cần phải rời bỏ nhà cửa, để không có thương vong và không có đổ máu. Việc đưa ra quyết định đúng đắn nằm trong tay Tổng thống Nga Putin ngay bây giờ và rõ ràng chúng tôi hy vọng ông ấy sẽ làm điều đó".
Đây cũng là kỳ vọng của Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guteres. Thủ tướng Anh nhận định: “Chúng tôi nhận thấy rằng đây là một tình huống rất nguy hiểm và khó khăn, chúng ta đang ở trên bờ vực, nhưng vẫn còn thời gian để Tổng thống Putin lùi lại và những gì chúng tôi đang làm là thúc giục mọi người tham gia vào cuộc đối thoại”.
Còn theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc: “Cái giá phải trả cho sự đau khổ của con người, sự tàn phá và thiệt hại đối với an ninh châu Âu và toàn cầu là quá cao. Đó sẽ là một cuộc đối đầu thảm hại. Thông điệp của tôi rất rõ ràng: Không có sự thay thế nào cho ngoại giao”.
Về phần mình, giới ngoại giao Nga hôm qua cho biết sẽ sẵn sàng duy trì đối thoại với phương Tây để cố gắng xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, đó sẽ không phải là những cuộc đàm phán quanh co hay dài bất tận trước những vấn đề cần giải quyết ngay lập tức.
Còn theo Đại sứ Ukraine tại Anh Vadim Pristaiko, nước này có thể nhượng bộ Nga để hạ nhiệt tình hình căng thẳng hiện tại theo những gì đã được nêu rõ trong Thỏa thuận Minsk.
Trước diễn biến tình hình chưa thể hạ nhiệt, nhiều nước vẫn tiếp tục khuyến cáo công dân rời Ukraine, sơ tán một phần nhân viên ngoại giao. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua (14/2) cho biết đang đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Kiev và chuyển nhân viên ngoại giao đến thành phố khác, đồng thời ra khuyến cáo kêu gọi công dân rời Belarus - quốc gia láng giềng Ukraine “ngay lập tức”.
Trong khi đó, giá dầu thế giới cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khi tiếp tục đà tăng ở mức cao nhất trong hơn 7 năm qua./.