Ukraine mắc kẹt trong bẫy chiến lược
Ukraine đang mắc kẹt trong một cái bẫy chiến lược. Nước này có thể ngăn Nga đạt được bước tiến lớn nhưng lại không đủ mạnh để đẩy lùi các lực lượng của Moscow khỏi các vùng lãnh thổ. Kết quả là Kiev rơi vào một cuộc xung đột tiêu hao mà nước này không thể chiến thắng.
Theo một chuyên gia an ninh Ukraine, giải pháp ở đây là tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraine và buộc Nga phải đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, điều đó không thể xảy ra trừ khi Ukraine vạch ra một chiến lược lớn vượt ra ngoài mục tiêu chỉ cần sống sót trong cuộc xung đột năm 2024, giữa bối cảnh Nga khai thác sự trì hoãn hỗ trợ kéo dài của Washington cho Kiev.
"Việc thiếu chiến lược chiến thắng sẽ biến cuộc xung đột này thành cuộc xung đột tiêu hao cho Ukraine” và mang lại lợi ích cho Nga, chuyên gia Ukraine Oleksandr Danylyuk nhận định với Business Insider.
Chuyên gia Danylyuk đã bác bỏ ý kiến cho rằng, với sự hỗ trợ của phương Tây, Ukraine có thể theo kịp Nga về sức mạnh quân sự như số lượng xe tăng, các hệ thống pháo và lực lượng quân đội.
"Cố gắng giành chiến thắng trong một cuộc xung đột với Nga với cái giá phải trả là chỉ tăng quân số một cách đối xứng là một chiến lược sai lầm vì Nga có số lượng quân dự bị (trong độ tuổi quân sự) lớn hơn (khoảng 30 triệu người ở Nga so với khoảng 8 triệu người ở Ukraine), kho dự trữ vũ khí và thiết bị quân sự đáng kể được kế thừa từ Liên Xô hoặc được xây dựng từ năm 2022, cũng như tổ hợp công nghiệp quốc phòng phát triển và ngành khai thác mỏ hùng mạnh đáp ứng nhu cầu về số lượng lớn vật liệu chiến lược", ông Danylyuk nhận định trong một bài bình luận cho Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).
Điều đó đã dẫn đến việc cải thiện chất lượng quân đội Ukraine. Nhưng việc này không chỉ liên quan đến vũ khí và chiến thuật tốt hơn. Ông Danylyuk đánh giá việc huy động chính trị cũng quan trọng không kém.
"Hiệu quả chính trị của một tổ chức quân sự bao gồm khả năng nhận được hỗ trợ tài chính, cung cấp vũ khí cũng như thiết bị quân sự và bổ sung con người với số lượng và chất lượng cần thiết để loại bỏ các mối đe dọa hiện hữu", chuyên gia này cho hay, đồng thời nhận định: "Hiệu quả chính trị của lực lượng vũ trang Ukraine vẫn chưa đủ bởi các nhu cầu phòng thủ của nước này hiện chỉ được đáp ứng một phần".
Ông Danylyuk cũng đổ lỗi cho các giới hạn của phương Tây về loại vũ khí được cung cấp và sử dụng. Mỹ và châu Âu đã áp hạn chế trong một thời gian dài về việc sử dụng các vũ khí tầm xa như tên lửa ATACMS để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Gần đây, chính quyền Tổng thống Biden đã bắt đầu nới lỏng chính sách này.
Dù vậy, rõ ràng ngay với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ EU và Mỹ, Ukraine vẫn ở thế bất lợi trước Nga trong một cuộc xung đột kéo dài.
Ông Danylyuk cũng lo lắng, những chia rẽ chính trị giữa Kiev và các đồng minh đang làm suy giảm hiệu quả chiến đấu của các lực lượng Ukraine. Chính phủ hiện tại của Ukraine muốn giành lại tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, một mục tiêu "không thể phủ nhận là công bằng và hợp lý nhưng nó đã bỏ qua thực tế rằng, việc giành lại các vùng lãnh thổ không có nghĩa là chấm dứt xung đột". Trong khi đó, những mong muốn của Mỹ và châu Âu về một tiến trình đàm phán "sẽ được Nga tận dụng như một khoảng nghỉ chiến thuật để khôi phục và xây dựng năng lực, cũng như chuẩn bị cho giai đoạn xung đột mới".
Kết quả là quân đội Ukraine không chắc chắn nên chuẩn bị cho loại xung đột nào. Theo ông Danylyuk: "Lực lượng Vũ trang Ukraine đang ở trong tình huống cực kỳ khó khăn vì giới lãnh đạo chính trị Ukraine và các nước đối tác nhìn nhận những mục tiêu trên theo những cách khác nhau. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của Lực lượng Vũ trang Ukraine trong việc phát triển và thực hiện chiến lược quân sự nhằm đạt được chúng".
Ông Danylyuk nhận định với Business Insider rằng: "Nếu không có một chiến lược lớn để giành chiến thắng, điều mà Ukraine có thể làm nhiều nhất là cầm cự".
"Việc lập kế hoạch cho các hoạt động riêng lẻ, đánh giá và cung cấp cho các nhu cầu của lực lượng vũ trang Ukraine, phát triển các chương trình huấn luyện cũng như đưa ra các chiến thuật mới, có thể hỗ trợ tốt nhất cho khả năng chiến đấu của Ukraine nhưng không thể giúp họ giành chiến thắng", chuyên gia Danylyuk đánh giá.
Đằng sau những chia rẽ về chiến thắng của Ukraine
Nhà quan sát Danylyuk lập luận rằng có quá nhiều quan điểm khác nhau về chiến thắng của Ukraine. Chúng bao gồm việc giành lại tất cả các vùng lãnh thổ Ukraine đã mất, đe dọa việc Nga kiểm soát Crimea để buộc nước này phải bước vào đàm phán, trừng phạt ngành công nghiệp và xuất khẩu của Nga khiến Moscow phải xem xét lại chi phí chiến tranh hoặc gây ra tổn thất nặng nề đến mức các nhà lãnh đạo Nga buộc phải rút quân.
Ông Danylyuk cũng nhận định, Ukraine đã mắc phải một số sai lầm quân sự, chẳng hạn như việc không chuẩn bị và huấn luyện đầy đủ cho cuộc phản công nhằm vào các lực lượng của Nga phòng thủ vững chắc vào mùa hè năm 2023. Tuy nhiên, ông coi những cải tiến về mặt chiến thuật là ưu tiên hàng đầu trong danh sách những việc cần làm của Ukraine.
Theo ông Danylyuk, phương Tây có thể tăng cường sức mạnh quân sự của Ukraine bằng cách tập trung vào các loại vũ khí đã được chứng minh là có sức tàn phá khủng khiếp đối với các điểm yếu của Nga. Những phương tiện này bao gồm các xuồng không người lái giá rẻ được cho là từng đánh chìm nhiều tàu chiến của Nga và đẩy Hạm đội Biển Đen ra khỏi bờ biển của Ukraine, cũng như cung cấp cho Ukraine thêm chiến đấu cơ và tên lửa không đối không để cạnh tranh sức mạnh trên không với Nga.
Chuyên gia Danylyuk đổ lỗi cho phương Tây vì không điều chỉnh trang thiết bị của mình cho phù hợp với những bài học rút ra từ cuộc xung đột ở Ukraine.
"Điều này trước hết liên quan đến khả năng của họ trong việc cải thiện nhanh chóng các thiết bị quân sự, không chỉ vì Ukraine cần nó mà còn vì an ninh của chính các đối tác phụ thuộc vào sự cải thiện này. Tốc độ cải tiến hiện tại hoàn toàn không đạt yêu cầu và các cách tiếp cận để xác định, cũng như loại bỏ những thiếu sót của các hệ thống này đòi hỏi quá trình phải xem xét lại toàn bộ".
Phân tích của ông Danylyuk đã để ngỏ một số vấn đề. Chẳng hạn, Đức đã nhận ra ở Mặt trận phía Đông trong Thế chiến II rằng, chất lượng không phải lúc nào cũng chiến thắng số lượng. Hay như cuộc phản công thất bại năm 2023 của Ukraine cho thấy việc đạt được thành công mang tính quyết định trên chiến trường không phải điều dễ dàng. Ngoài ra, khả năng tiến hành chiến dịch quân sự lâu dài của Nga tại Ukraine cũng là một vấn đề không thể bỏ qua.
Trên thực tế, về việc lựa chọn một đại chiến lược, bao giờ nói cũng dễ hơn làm. Chẳng hạn, chính phủ Ukraine tuyên bố sẽ giải phóng toàn bộ lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm cả Bán đảo Crimea và phía Đông Ukraine mà Nga đã sáp nhập nhưng một số nhà quan sát nhận định, điều này là không thực tế và Kiev phải chấp nhận mất một phần lãnh thổ. Ông Danylyuk cho rằng dù Kiev chọn chiến lược nào thì nước này cũng không thể giữ nguyên hiện trạng.