Phương Tây đã chuẩn bị cho xung đột dài hơi ở Ukraine?
Nga đang chuẩn bị cho cuộc xung đột dài hơi. Moscow đã ra lệnh động viên một phần đầu tiên kể từ Thế chiến II và nỗ lực đặt nền kinh tế Nga vào chế độ thời chiến. Tổng thống Vladimir Putin cũng khẳng định quyết tâm sẽ theo đuổi các mục tiêu đã đặt ra.
Liệu phương Tây đã thực sự chuẩn bị cho cuộc xung đột dài hơi? Gần đây, Mỹ và một số nước lớn ở châu Âu đã có động thái bước ngoặt khi cung cấp cho Ukraine các xe tăng chiến đấu hiện đại. Chuyến thăm bất ngờ của Tổng thống Biden tới Kiev cũng được cho là nhằm nhấn mạnh sự ủng hộ cho Ukraine.
Binh lính Ukraine. Ảnh: Getty
Trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào nhượng bộ Nga thì ở Kiev đã xuất hiện mối lo ngại về sự thay đổi chính trị sau bầu cử cũng như các ưu tiên trong nước của Mỹ và NATO. Giữa bối cảnh xung đột bước sang năm thứ hai, Ukraine cần phương Tây đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn, từ việc gia tăng các loại vũ khí hiện đại cho Kiev đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Moscow. Nếu điều đó không xảy ra, cuộc xung đột sẽ kéo dài và sẽ không tránh khỏi việc ngày càng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây muốn thuyết phục Ukraine bước vào đàm phán để chấm dứt xung đột.
Gần đây, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul đã bày tỏ mối lo ngại về khả năng cầm cự và chiến đấu của Ukraine về lâu dài giữa bối cảnh Moscow đang từng bước đạt được thành quả quân sự ở Bakhmut – một thành phố có tầm quan trọng chiến lược.
"Ukraine không nghĩ rằng thời gian đang đứng về phía họ. Họ không muốn một cuộc xung đột kéo dài bởi họ cho rằng mình khó có thể duy trì trong cuộc xung đột đó - một là vì họ sẽ cạn kiệt binh lính và hai là họ lo ngại sẽ cạn kiệt sự ủng hộ từ phương Tây", ông McFaul cho hay, đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden tăng cường hỗ trợ cho Kiev.
Người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine - ông Aleksey Danilov thậm chí cảnh báo về một "xu hướng nguy hiểm" khi cho biết tỷ lệ người dân Ukraine muốn Kiev đàm phán hòa bình với Moscow đang gia tăng.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan của phương Tây
Khi cuộc xung đột ở Ukraine tròn 1 năm, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Whip John Thune cảnh báo: "Mỗi lần chúng ta cần phải hỗ trợ thêm cho Ukraine, điều đó lại trở nên khó khăn hơn". Mỹ đã và đang hỗ trợ Ukraine đối phó với các cuộc tấn công của Nga. Tuy nhiên, tương lai của sự hỗ trợ này có lẽ sẽ bị đặt câu hỏi.
Trong những tháng tới, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đối mặt với việc liệu có đưa dự thảo ngân sách mới hỗ trợ cho Ukraine ra trước Quốc hội để bỏ phiếu hay không. Sự hỗ trợ bổ sung cho Ukraine hiện đang vấp phải sự phản đối từ một số thành viên đảng Cộng hòa. Thay vì hy vọng xu hướng chính trị này sẽ bất ngờ thay đổi, cả chính quyền Tổng thống Biden và châu Âu đều cần chuẩn bị cho thực tế mới.
Tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính trường Mỹ sẽ yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden phải có sáng kiến mới để hỗ trợ quân sự cho Ukraine khi mà sự hỗ trợ này có lẽ không chấm dứt nhưng việc thông qua nó sẽ trở nên thách thức và kéo dài hơn.
Washington sẽ đối mặt với nhiều khó khăn để duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine một cách ổn định. Chia rẽ gia tăng trong chính quyền Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Mỹ sẽ khó có thể cung cấp mức độ hỗ trợ trong Năm tài khóa 2024 như mức độ cung cấp hiện nay. Đây chính là một vấn đề bởi các xe tăng và hệ thống pháo được cung cấp hiện nay có thể cần được thay thế vào năm tới.
Nhà quan sát Max Bergmann - Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Âu, Nga và Á - Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đề nghị Mỹ nên làm rõ với các nước châu Âu rằng họ cần tăng cường ủng hộ cho Ukraine. Châu Âu vẫn luôn nhận được đảm bảo từ Nhà Trắng rằng bất chấp sự thay đổi lãnh đạo trong Quốc hội, sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ không thay đổi. Ông Max Bergmann cho rằng chính quyền Tổng thống Biden nên dừng những cam kết như vậy và thay vào đó cần để châu Âu biết rằng sẽ có bất đồng về sự hỗ trợ cho Ukraine trong tương lai.
Tuy nhiên, việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine làm gia tăng sức ép lên ngành công nghiệp châu Âu, vốn đang chật vật đáp ứng nhu cầu của chính mình.
Ngày 5/3, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cáo buộc Mỹ ép các quốc gia châu Âu tài trợ cho Ukraine, mặc dù bản thân Washington chi ít hơn nhiều cho việc này. Ông Volodin kết luận rằng, “bằng cách tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev, các nhà lãnh đạo EU đang hành động trái với lợi ích quốc gia và gây thiệt hại cho công dân châu Âu”.
Đánh giá về cuộc xung đột ở Ukraine, nhà nghiên cứu Rajan Menon thuộc Đại học Columbia nhận định: "Tôi không nhận thấy bất kỳ triển vọng nào cho ngoại giao. Điều mà hai bên chấp nhận như một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột này vẫn rất xa vời". Ông Menon cũng chỉ ra rằng tuyên bố của Tổng thống Putin khi sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ở Ukraine đã cho thấy Moscow sẽ không lùi bước và cũng không nhượng bộ.
Ông Menon dự đoán cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài nhiều năm, trong khi một số nhà quan sát khác thậm chí còn cho rằng xung đột ở Ukraine sẽ trở thành một phần trong hệ thống quốc tế và nó chỉ kết thúc khi một trong hai bên sụp đổ hoặc cả hai đều sụp đổ.
Một báo cáo gần đây của Tập đoàn RAND đã vạch ra những hậu quả mà Mỹ phải đối mặt trong cuộc xung đột lâu dài ở Ukraine, trong đó có một khả năng nhỏ nhưng không thể bỏ qua, đó là sự leo thang hạt nhân. Báo cáo này thừa nhận các lợi ích của Mỹ và Ukraine sẽ khác biệt trong tương lai liên quan đến việc giành lại các vùng lãnh thổ hiện Nga đang kiểm soát. Suy cho cùng, mục tiêu này quan trọng với Ukraine hơn là với Mỹ./.