Ukraine tìm tới Trung Quốc để tạo cơ hội đàm phán với Nga
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã ở Bắc Kinh trong hai ngày 23 và 24/7 cho điều mà ông gọi là những cuộc trao đổi "rất sâu sắc và tập trung" với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Đây là lần đầu tiên Ukraine tiếp cận Trung Quốc như một nhà trung gian hòa giải trong cuộc xung đột với Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2/2022. Chuyến thăm của ông Kuleba diễn ra giữa bối cảnh Ukraine đang có một sáng kiến ngoại giao quan trọng nhằm chuẩn bị cho các điều kiện quốc tế phù hợp để trao đổi trực tiếp với Điện Kremlin.
Ông Kuleba cho biết, Ukraine sẵn sàng tham gia "khi Nga đàm phán với thiện chí" nhưng theo ông, "hiện không có sự sẵn sàng nào như vậy từ phía Nga". Ông Vương Nghị cũng nhận định, "các điều kiện và thời gian vẫn chưa chín muồi".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Kiev phải công nhận 4 vùng lãnh thổ Moscow tuyên bố sáp nhập như một điều kiện tiên quyết để ngừng bắn và đàm phán. Ông cũng muốn Ukraine cam kết sẽ không bao giờ gia nhập NATO và giảm sức mạnh của lực lượng vũ trang.
Hơn 80 quốc gia đã tham gia cùng với Ukraine yêu cầu Nga tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine như một điều kiện cơ bản cho đàm phán hòa bình tại hội nghị ở Thụy Sĩ vào tháng trước.
Ukraine lên kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình vào năm nay và đang nêu lập trường của mình về an ninh lương thực, năng lượng và trao đổi tù nhân chiến tranh trong cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc như một phần của nỗ lực tăng cường sự ủng hộ quốc tế trước khi đàm phán với Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết ông sẽ gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
"Chúng tôi đã nhất trí với ông Trump sẽ thảo luận tại một cuộc gặp cá nhân về những bước đi có thể thực hiện để tạo nên một nền hòa bình công bằng và thực sự kéo dài", ông Zelensky viết trên mạng xã hội X.
Ông Trump phản đối việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine và năm ngoái, ông cho biết sẽ chấm dứt cuộc xung đột trong 24 giờ nếu trở thành tổng thống.
Một phần nỗ lực của Ukraine hướng tới tiến trình hòa bình được quyết định bởi sự mệt mỏi rõ ràng giữa các đồng minh của nước này. Quốc hội Mỹ đã trì hoãn bỏ phiếu thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 60 tỷ USD trong sáu tháng giữa bối cảnh bất đồng chính trị gia tăng. Vào tháng 2/2024, châu Âu đã thông qua một thỏa thuận viện trợ quân sự trị giá 50 tỷ euro (54 tỷ USD) đáng lẽ phải được phê duyệt vào tháng 12, vượt qua sự phản đối từ Hungary và các quốc gia thành viên khác.
Một phần của nỗ lực này được quyết định bởi những diễn biến trên thực địa. Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskii nhận định với The Guardian rằng Nga có 520.000 binh lính trên thực địa, ít hơn năm ngoái 50.000 binh lính và có kế hoạch tăng lên 690.000 binh lính vào cuối năm nay. Các lực lượng của Nga đang sở hữu lợi thế 2:1 hoặc 3:1 về mặt trang thiết bị trước các lực lượng của Ukraine.
Ukraine hiện tập trung vào giữ vững phòng tuyến. Mặc dù Nga giành được 550 km2 năm nay với những tổn thất nhất định về lực lượng cũng như trang thiết bị, song Kiev vẫn chưa thể tiến hành một cuộc phản công.
Các mục tiêu của ông Zelensky không thay đổi nhưng ông dường như đang chuyển sang bàn đàm phán để cố gắng đạt được những mục tiêu ngày càng có vẻ khó khăn, nếu không muốn nói là không thể để giành chiến thắng về mặt quân sự. Nhà lãnh đạo Ukraine nhận định với BBC rằng Ukraine không cần phải giành lại toàn bộ lãnh thổ bằng vũ lực.
"Điều đó không có nghĩa là tất cả lãnh thổ đều được giành lại bằng vũ lực. Tôi nghĩ sức mạnh ngoại giao có thể giúp ích", ông Zelensky nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thận trọng hoan nghênh sự cởi mở đối thoại của ông Zelensky. Ông nói: "Chúng tôi vẫn chưa thể đánh giá chính xác những gì ẩn sau những lời nói này hay những kế hoạch cụ thể nào đang được thảo luận".
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng đã đến thăm Bắc Kinh vào đầu tháng này như một phần của sứ mệnh hòa bình mà Ukraine và các đồng minh không chấp thuận.
Điều đó có thể đã góp phần gây ra rạn nứt công khai giữa Kiev và Budapest khi Ukraine hôm 22/7 đã đóng cửa đường ống Druzhba đi qua lãnh thổ của mình để vận chuyển dầu mỏ Nga đến Hungary và Slovakia.
Mặc dù các quan chức không công khai liên kết sứ mệnh của ông Orban với việc đóng đường ống nhưng rõ ràng mối quan hệ giữa Hungary và Ukraine đã trở nên rất tệ. Trong một động thái trả đũa, Hungary đã đóng băng các khoản chuyển từ Quỹ Quốc phòng châu Âu - nơi hoàn trả cho các quốc gia thành viên về các khoản đóng góp quân sự của họ cho Ukraine. Trong số những quốc gia này, điều đó đã gây bất tiện cho Ba Lan, nước đang chờ khoản thanh toán 2 tỷ euro (2,17 tỷ USD).
Ukraine giữ phòng tuyến trước đà tiến công của Nga
Tổng thống Zelensky đã nói với các nhà lãnh đạo châu Âu ngày 18/7 rằng "chúng tôi đã ngăn chặn cuộc tấn công của Nga theo hướng Kharkov", một chiến dịch mới mà Nga phát động ngày 11/5 và các hình ảnh vệ tinh đã xác nhận khẳng định đó.
Các lực lượng của Moscow đã có những bước tiến nhỏ trên các mặt trận phía Đông và phía Nam. Hầu hết các hoạt động diễn ra ở khu vực phía Đông Donetsk.
Tại khu vực Avdiivka, nơi quân đội Nga đã chiếm được vào tháng 2 và từ từ tiến về phía Tây kể từ đó, họ đã tiến vào các ngôi làng Niu York và Yevhenivka ngày 18/7. Ngày 21/7, họ đã tiến thêm 1 km vào làng Nevelske và ngày 22/7 tiến sâu hơn vào Niu York. Ngày 23/7 và 24/7, các lực lượng của Nga đã tràn vào làng Novoselivka Persha ở phía Tây Avdiivka.
Tại phía Bắc Soledar và Bakhmut, các thành phố mà Nga chiếm được vào tháng 1 và tháng 5 năm ngoái, cũng như xung quanh các khu vực đó, các lực lượng của Moscow đã tiến vào làng Rozdolivka hôm 23/7.
Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết họ đã từ bỏ một vị trí ở làng Krynky nằm ở tả ngạn sông Dnipro tại Kherson sau khi cuộc pháo kích của Nga san phẳng nó nhưng các đơn vị vẫn đang hoạt động ở các khu vực gần đó cũng như từ các hòn đảo ở đồng bằng sông Dnipro. Ukraine đã giành được Krynky vào cuối năm ngoái và sử dụng nó để tiến hành các cuộc phản pháo chống lại pháo binh Nga.
Các cuộc tấn công vào phía sau phòng tuyến đối phương
Trong khi Ukraine phần lớn giữ nguyên tiền tuyến của mình trong tuần qua thì họ cũng đã cố gắng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Các UAV và xuồng không người lái đã làm gián đoạn một cuộc tập trận của lực lượng bảo vệ bờ biển Nga tại Hồ Donuzlav ở Crimea tuần trước khi chúng tấn công một căn cứ hải quân. Cơ quan an ninh Ukraine cho biết các UAV đã phá hủy một kho đạn dược, một trạm biến áp điện và các vị trí khai hỏa. Các bức ảnh vệ tinh sau đó đã xác nhận thiệt hại.
Các quan chức Nga cho biết họ đã ngăn chặn thêm 2 cuộc tấn công vào Crimea, bắn hạ 2 tên lửa ATACMS và 5 UAV sáng 21/7, hầu hết đều hướng đến cảng Sevastopol.
Trước đó, hôm 20/7, Ukraine đã phóng UAV vào sân bay Millerovo ở miền Tây nước Nga, làm hỏng một thùng nhiên liệu và gây ra hỏa hoạn. Các nguồn tin của Nga cho biết, khoảng 30 UAV đã bị bắn hạ. Nga được cho là đã bố trí các máy bay chiến đấu Su-30 ở căn cứ này. Các bức ảnh vệ tinh sau đó cho thấy ngoài việc phá hủy thùng nhiên liệu, UAV của Ukraine còn phá hủy kho chứa máy bay bảo trì tại Millerovo.
Ngày 23/7, UAV của Ukraine đã gây hư hại nặng nề cho phà Slavyanin tại cảng Kavkaz, nơi được sử dụng cho các toa xe lửa, container và xe cộ đi qua Eo biển Kerch tới Crimea. Các quan chức Ukraine cho biết đây là phà thứ ba và cũng là phà cuối cùng của Nga tại cảng này. Ukraine đã tấn công cầu Kerch 2 lần trong xung đột, khiến cây cầu này không thể vận chuyển một phần hàng hóa quân sự và tại nhiều điểm, Kiev đã sử dụng tên lửa ATACMS cũng như các UAV và xuồng không người lái để ngăn chặn các thiết bị quân sự tới Crimea thông qua các phương tiện khác.
Ông Zelensky đã đề nghị các đồng minh phương Tây cho phép Ukraine tấn công các sân bay ở Nga mà Moscow đang sử dụng để tiến hành các cuộc ném bom. Trước đó, Tổng thống Zelensky cho biết, Nga đã thả 800 quả bom lượn dẫn đường trong một tuần. Đây là loại đạn dược lớn, mang từ 250kg đến 3 tấn thuốc nổ và Ukraine nói rằng chúng chịu trách nhiệm cho phần lớn tổn thất của mình. Mỹ, Anh và Đức đã áp đặt một số hạn chế với việc sử dụng các loại đạn dược và vũ khí của họ trên lãnh thổ Nga để tránh một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Nga và NATO.
Tuy nhiên, ông Zelensky nói với các nhà lãnh đạo châu Âu tuần trước rằng đó là một nỗi sợ sai lầm. Các nước phương Tây đã dỡ bỏ một phần hạn chế khi Nga tấn công vào Kharkov hồi tháng 5.
"Điều này có dẫn đến leo thang không? Không, ngược lại nó đã ngăn chặn nỗ lực mở rộng xung đột của ông Putin. Ông Putin có câu trả lời nào không? Không", ông Zelensky nói.
Theo ông: "Các sân bay quân sự, nơi các máy bay mang bom của Nga cất cánh nhằm vào các thành phố của chúng tôi cũng như các địa điểm phóng tên lửa của Nga, tất cả những thứ này đều nên bị phá hủy".