Công ty Rheinmetall của Đức đang xem xét xe tăng Leopard 1 được sản xuất từ thời Chiến tranh Lạnh, liệu có thể hoán đổi tháp pháo để lắp hệ thống phòng không tầm ngắn Skyranger 35 hay không, nhằm biến chúng thành những phương tiện phòng không cơ động trước những mối đe dọa trên không. Sáng kiến này được thúc đẩy bởi nhu cầu của Ukraine đối với hệ thống phòng không trên bộ, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra.
Kế hoạch cải tiến Leopard 1 với tháp pháo Skyranger 35 đã được Björn Bernhard, Trưởng phòng Hệ thống Lục quân tại Rheinmetall công bố. "Vẫn còn rất nhiều xe tăng chiến đấu Leopard 1 mà chúng tôi có thể lắp tháp pháo Skyranger với pháo 35mm trên khung gầm của chúng", Bernhard nói với tờ báo Bild.
Việc chuyển đổi xe tăng Leopard 1 thành hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORADS) vẫn là một dự án thử nghiệm ở giai đoạn này, nhưng vẫn được đánh giá là một dự án hấp dẫn đối với Ukraine.
Tháp pháo Skyranger 35
Skyranger 35 là phiên bản mới nhất được phát triển từ pháo ổ quay 35mm do công ty Oerlikon của Thụy Sĩ phát triển, một trong những loại pháo phòng không được sử dụng rộng rãi ở phương Tây. Skyranger 35 có thiết kế kiểu mô-đun nên có thể trang bị nhiều loại cảm biến khác nhau để phát hiện và tấn công các mối đe dọa trên không, với các tùy chọn bao gồm radar mảng quét điện tử chủ động (AESA), gói quang điện tử và hệ thống phát hiện tần số vô tuyến thụ động.
Mặc dù có khả năng hoạt động hoàn toàn độc lập, nhưng Skyranger 35 vẫn có thể được tích hợp với mạng lưới phòng không rộng hơn thông qua kiến trúc chỉ huy và điều khiển Skymaster, bao gồm các thành phần liên kết dữ liệu và nhận dạng bạn-thù (IFF).
Thiết kế mô-đun của Skyranger 35 có thể mở rộng hơn để tích hợp thêm các loại vũ khí khác nữa. Ngoài pháo ổ quay 35mm x 228 KDG cơ bản, tháp pháo tương tự có thể chứa súng 30mm x 173 KCE, như Skyranger 30.
Trong phiên bản mới nhất, những khẩu pháo bắn nhanh này được trang bị đạn nổ trên không AHEAD của Oerlikon, đạn này giải phóng một đám đạn phụ ngay trước mục tiêu, tăng khả năng tiêu diệt và phù hợp hơn để giải quyết các mối đe dọa trên không bay thấp, chậm và nhỏ như máy bay không người lái, tên lửa và đạn cối. Đạn nổ trên không cũng làm giảm đáng kể nguy cơ thiệt hại cho các tài sản trên mặt đất.
Theo Rheinmetall, cỡ nòng 35mm có khả năng phòng không chống tên lửa, pháo binh và cối với phạm vi hiệu quả là 4 km. Cỡ nòng 30mm có phạm vi hiệu quả khoảng 3 km. Để mở rộng phạm vi hoạt động hơn và giải quyết các mối đe dọa khác, tháp pháo được thiết kế để lắp cả tên lửa phòng không tầm ngắn, thường là bệ phóng đôi mang tên lửa FIM-92 Stinger hoặc Mistral. Cả hai loại tên lửa này đều đã được Ukraine sử dụng.
Hệ thống phòng không tầm ngắn cho Ukraine
Tại triển lãm quốc phòng Eurosatory diễn ra tại Paris vừa qua, Rheinmetall đã trưng bày Skyranger 35 tích hợp với xe tăng Leopard 2, trong khi Skyranger 30 được tích hợp với xe chiến đấu bọc thép Boxer 8×8 và xe chiến đấu bọc thép bánh xích Lynx KF41.
Đức đã cung cấp cho Ukraine hai hệ thống phòng không Skynex 35mm bắn đạn AHEAD triển khai trên khung gầm xe tải HX 6×6, tích hợp với radar thu thập X-TAR3D và hệ thống quản lý chiến đấu Skymaster. Hai hệ thống Skynex cho đến nay vẫn chưa được nhìn thấy trong biên chế của Ukraine, nhưng đã có những gợi ý rằng các vũ khí tiếp theo cũng có thể được chuyển giao.
Theo số liệu mới nhất, ít nhất 135 chiếc Leopard 1, tất cả đều là biến thể Leopard 1A5 đã được Đức cam kết chuyển giao cho Ukraine. Những chiếc này đến từ kho dự trữ cũ của Đan Mạch, Hà Lan và Đức, trong khi những chiếc khác được Rheinmetall mua từ một đại lý tư nhân của Bỉ.
Mặc dù việc chuyển giao Leopard 1 cho Ukraine đã được tiến hành ít nhất kể từ tháng 7/2023, nhưng những chiếc xe tăng này vẫn chưa được nhìn thấy nhiều trong hoạt động thực tế của cuộc xung đột. Nguyễn nhân là do tuổi đời của Leopard 1 và có vấn đề trong việc đảm bảo đạn pháo 105mm của xe tăng. Những yếu tố này khiến Leopard 1 trở thành ứng cử viên phù hợp hơn cho việc chuyển đổi thành xe tăng SHORADS.
Giải pháp SHORADS do Rheinmetall đề xuất đặc biệt đáng chú ý, khi xét đến kinh nghiệm chiến đấu của Ukraine trong việc vận hành pháo phòng không tự hành Gepard.
Gepard được tích hợp trên thân xe Leopard 1 và cũng có một tháp pháo được trang bị súng 35mm. Dựa trên nhiều báo cáo của Ukraine, Gepard đã chứng minh được tính hiệu quả, đặc biệt trong việc chống lại máy bay không người lái của Nga và trong một số trường hợp là tên lửa hành trình.
Việc đảm bảo đạn dược cho Gepard cũng là một vấn đề vì loại đạn này được sản xuất tại Thụy Sĩ, nơi có chính sách trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Đức đã ký một thỏa thuận với Rheinmetall để khởi động lại việc sản xuất đạn 35mm vào đầu năm ngoái.
Giống như Gepard, Leopard 1/Skyranger 35 được xem là sự bổ sung cần thiết cho các đơn vị phòng không Ukraine, chúng có thể được sử dụng để bảo vệ các cơ sở quan trọng và hỗ trợ các đơn vị trên chiến trường, bao gồm cả những đơn vị đang di chuyển.
Việc tích hợp tháp pháo Skyranger 35 trên khung xe Leopard 1 và Leopard 2 phản ánh sự quan tâm ngày càng lớn hơn của Quân đội Đức nói riêng và quân đội các nước nói chung đối với SHORADS. Sự quan tâm này được thúc đẩy trước yêu cầu chống máy bay không người lái và chống tên lửa hành trình, những mối đe dọa mà Ukraine đang phải đối mặt hàng ngày.