Ukraine bất ngờ xuống nước, Nga liệu có 'tha thứ'?

Kiệt Linh |

Tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm qua (8/7) cho biết, ông này sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Minsk để xúc tiến các cuộc đàm phán có sự tham gia của Đức, Anh, Mỹ và Pháp.

Mối quan hệ giữa Ukraine và Nga đang rất căng thẳng kể từ sau khi Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và do Kiev cáo buộc Moscow ủng hộ cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài mấy năm qua. Cuộc xung đột này đã khiến 13.000 người thiệt mạng.

Một thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết ở thủ đô Minsk của Belarus năm 2015 dưới sự bảo trợ của Pháp và Đức. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ có được thành công rất hạn chế trong mục tiêu chấm dứt sự thù địch giữa hai nước.

"Và hiện tại tôi muốn hướng tới Tổng thống Vladimir Putin. Cần đàm phán ư? Điều đó rất cần. Chúng ta hãy thảo luận với những người mà Crimea thuộc về họ và những người không có mặt ở đó - ở Donbass (miền đông Ukraine)," ông Zelenskiy cho biết trên một clip được đăng tải trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông này không nói chi tiết về mong muốn của mình.

Ông Zelenskiy – một diễn viên hài chưa từng có kinh nghiệm chính trị, đã lên cầm quyền sau một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư. Trước đây, ông này đã từng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga để kết thúc cuộc chiến ở miền đông Ukraine trong khi vẫn giữ vững mục tiêu của Kiev là một ngày nào đó sẽ gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và NATO – một điều mà Nga cực lực phản đối.

Điện Kremlin cho biết, họ sẽ xem xét lời đề nghị gặp gỡ nói trên của tân Tổng thống Ukraine Zelenskiy.

"Chúng tôi cần phải hiểu liệu có triển vọng cho một cuộc gặp như thế hay không, chúng tôi cũng cần phải hiểu rõ xem họ đang đề xuất loại hình thức gặp gỡ mới nào”, hãng thông tấn Itar Tass dẫn lời phát ngôn viên của Tổng thống Putin – ông Dmitry Peskov cho biết.

"Đây là một sáng kiến mới. Tất nhiên, nó sẽ được xem xét nhưng đến giờ, tôi chưa thể đưa ra bất kỳ lời bình luận nào”, ông Peskov cho biết thêm.

Không rõ lời đề xuất đối thoại của tân Tổng thống Zelenskiy có phải là một dấu hiệu nhượng bộ của ông này nhằm cứu vãn mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga-Ukraine.

Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013.

Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga.

Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.

Chính quyền Ukraine dưới thời Tổng thống Poroshenko đã theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt. Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông.

Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.

Sau chiến thắng của ông Zelensky, người ta đang chờ xem chính sách của ông này liệu có tiếp tục chống Nga mạnh mẽ như dưới thời ông Poroshenko hay không. Ông Zelensky hồi tháng Sáu từng thề sẽ thúc đẩy châu Âu tăng cường sức ép với Nga để kết thúc cuộc chiến tranh ở miền đông Ukraine khi ông này đến thăm Brussels trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị mới.

Với những phát biểu này, không ít người cho rằng tân Tổng thống Zelensky vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách chống lại Nga và chạy theo phương Tây. Tuy nhiên, lời đề xuất bất ngờ mới nhất của ông Zelensky làm dấy lên hy vọng, ông này sẽ theo đuổi chính sách hòa dịu hơn với nước láng giềng Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại