Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi kỹ sư Rajeeev Roychand từ Đại học RMIT (Úc) đã khám phá ra một con đường có thể tạo nên đột phá lớn trong ngành xây dựng, cũng như giải quyết lượng bã cà phê khổng lồ, vốn là rác hữu cơ thải ra lượng lớn khí nhà kính, theo tờ Science Alert.
Họ đã tìm ra một phương án hữu hiệu: Trộn bã cà phê vào bê tông thay cho cát.
Bã cà phê "phế thải" có thể là báu vật giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề đang nhức nhối cũng như tạo đột phá lớn cho công nghệ vật liệu - Ảnh minh họa từ Internet
Tất nhiên không thể trộn trực tiếp vì bã cà phê thông thường có thể rò rỉ cá hóa chất làm suy yếu độ bền của bề mặt vật liệu.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ nhiệt phân tiêu tốn năng lượng thấp để làm nóng bã cà phê lên hơn 350 độ C, đồng thời khử oxy. Nhiệt phân phá vỡ chất hữu cơ, tạo nên một loại than xốp, giàu carbon được gọi là than sinh học.
Vật liệu này có thể hình thành các liên kế mạnh mẽ, kết hợp tự do với "ma trận" xi măng.
Đáng ngạc nhiên hơn, bê tông cà phê này có độ bền cao hơn đến 30% so với các loại bê tông thông thường trong các thử nghiệm.
Một điều tốt tiếp theo của công nghệ này là bã cà phê nhiệt phân được dùng để sử dụng thay cho cát trong loại bê tông này. Sự bùng nổ của ngành xây dựng vốn đang khiến cát bị khai thác quá mức khắp thế giới, hủy hoại môi trường nặng nề.
Sau các thử nghiệm thành công vừa được công bố trên tạp chí khoa học Journal of Cleaner Production, nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục thử nghiệm bê tông cà phê này xem nó bền như thế nào sau các chu kỳ đóng băng/tan băng, hấp thụ nước, mài mòn và nhiều yếu tố gây hại khác.