Theo chương trình trị giá 62 tỉ USD đến 2030, Úc đang đóng 54 tàu hải quân, trong đó có 12 tàu ngầm tấn công, sẽ tăng gấp đôi quy mô của hạm đội. Và họ cũng đã mua 72 máy bay chiến đấu tấn công chung F-35A. Ngoài lý do dè chừng Trung Quốc thì Úc chẳng còn lý do gì để chịu "chơi lớn" đến vậy.
Úc lo lắng về điều gì?
Vào tháng 4 năm ngoái, Sydney Morning Herald báo cáo rằng các quan chức từ Trung Quốc và Vanuatu đang thảo luận về việc thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài trên đảo. Cả Bắc Kinh và Vanuatu đều phủ nhận các báo cáo.
Một căn cứ quân sự của Trung Quốc sẽ được coi là một vấn đề với Mỹ, nước đã có sự hiện diện ở Nam Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II. Mỹ vẫn có các căn cứ quân sự trên các hòn đảo trong khu vực này, chẳng hạn như trên đảo Guam hay Quần đảo Marshall.
Các hòn đảo chạy từ Nhật Bản đến Đài Loan và Philippines, và từ Nhật Bản đến đảo Guam và Palau tạo thành các cung được gọi là chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Các học giả và các nhà lý luận quân sự coi chúng là phòng tuyến để Mỹ kiềm chế Trung Quốc giành được vị trí chiến lược trong khu vực.
Một báo cáo của Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung năm 2018 cho thấy một căn cứ hoặc cơ sở quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể ngăn chặn quân đội Mỹ tiếp cận khu vực - và ảnh hưởng đến các đối tác quan trọng, New Zealand và Úc.
"Một sự phát triển như vậy có thể mở rộng khả năng theo dõi và giám sát của Trung Quốc trong khu vực, giúp Bắc Kinh giảm thiểu sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực", báo cáo viết.
Các căn cứ của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương cũng sẽ gây lo ngại về an ninh cho Úc. Ba trong số năm tuyến thương mại hàng hải chính của Úc đi qua Thái Bình Dương. Ngay cả khi Trung Quốc không đe dọa các tuyến đường này, sự hiện diện của người Trung Quốc có thể khiến Úc gặp phải các vấn đề trong tương lai, do đó có thể có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Úc.
Một căn cứ của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương có thể sẽ "thay đổi sâu sắc" quan điểm của Úc về quốc phòng và an ninh quốc gia. Trong một cuộc thăm dò của Viện Lowy năm nay, 55% những người được khảo sát cho biết nếu Trung Quốc mở một căn cứ quân sự trên một quốc đảo ở Thái Bình Dương, đó sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích sống còn của quốc gia.
Úc và Mỹ có kế hoạch quân sự của riêng họ. Năm ngoái, Mỹ, Úc và Papua New Guinea (PNG) tuyên bố họ sẽ hợp tác tái phát triển căn cứ hải quân trên đảo Manus của PNG. Chủ tịch Hội đồng quản trị khu vực tư nhân các quần đảo Thái Bình Dương Stephen Lyon, hiện sống ở đảo Cook, tin rằng hầu hết các đảo Thái Bình Dương không muốn tiếp tục chịu cảnh quân sự hóa. Ông Lyon nói rằng, suy cho cùng thì cần tôn trọng chính sách đối ngoại chủ động của các quốc đảo cho dù họ rất nhỏ bé và ý tưởng cho rằng các cường quốc bên ngoài có thể gây ảnh hưởng đến họ như thời thực dân - thuộc địa trong quá khứ, là "lỗi thời".
Nhưng Gounder, nhà nghiên cứu về nghèo đói và tăng trưởng có trụ sở ở Fiji cho biết nếu có một thỏa thuận hấp dẫn, ông không nghĩ các đảo Nam Thái Bình Dương sẽ từ chối với một căn cứ của Trung Quốc - hay một căn cứ của Úc. Vấn đề chỉ là bao nhiêu?
Đối với Trung Quốc, khoản đầu tư vào các đảo trên Thái Bình Dương là quá nhỏ so với quy mô của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bắc Kinh đã đầu tư hơn 1,2 tỉ USD vào 14 quốc gia Nam Thái Bình Dương từ năm 2011 đến 2017, nhưng riêng năm ngoái, họ đã cam kết viện trợ, đầu tư và cho các nước châu Phi vay 60 tỉ USD.
Ngược lại, trong cùng thời kỳ, Úc đã chi 6,3 tỉ USD viện trợ ở Nam Thái Bình Dương, khiến khu vực này trở thành một trong những nơi hưởng lợi chính từ viện trợ Úc.
Úc có lý do chính đáng để thực hiện đầu tư đó. Kể từ những năm 1950, nó đã là một phần của thỏa thuận của Úc với Mỹ và New Zealand, khiến Úc chịu trách nhiệm về an ninh của các đảo trên Thái Bình Dương. Nếu một quốc đảo ở Thái Bình Dương gặp phải khủng hoảng, đương nhiên Úc - với tư cách là một nước láng giềng tốt sẽ ra tay hỗ trợ.
Hơn nữa, bất kỳ cuộc xung đột hoặc khủng hoảng nào cũng có thể làm tăng dòng người tị nạn đến Úc hoặc cần phải triển khai quân đội. Sau một thời gian bạo lực sắc tộc ở Quần đảo Solomon, Úc đã chi khoảng 2,8 tỉ AUD (1,96 tỉ USD) cho một nhiệm vụ kéo dài 14 năm để ổn định quốc đảo này.
Stephen Lyon cho biết, mặc dù đúng là không có quốc gia nào hoàn toàn vô tư nhưng Úc có quan hệ đối tác lâu dài trong khu vực. "Trung Quốc đang muốn thay đổi vị trí đó của Úc bằng chiến lược rất cụ thể trong khu vực", ông nói.
Khi được hỏi liệu Úc có cần quan tâm đến vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc hay không, và tại sao Úc tăng cường nỗ lực đối với khu vực, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc nói rằng đó là vì lợi ích của quốc gia nhằm thúc đẩy sự ổn định, an ninh và thịnh vượng trong Thái Bình Dương.
"Thái Bình Dương có nhu cầu đầu tư đáng kể và Úc hoan nghênh tất cả các khoản đầu tư hỗ trợ phát triển bền vững phù hợp với các ưu tiên và mong muốn của các nước Thái Bình Dương, được phân phối một cách minh bạch và không áp đặt gánh nặng nợ nần", người phát ngôn nói. Vế đầu của phát ngôn này cho thấy ngôn từ rất ngoại giao nhưng vế sau của nó cho thấy Úc rất tức giận trước trò mua chuộc tính toán của Trung Quốc.
Phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Úc hiện tại
Lượng viện trợ của Úc tại các đảo Thái Bình Dương vốn giảm trong năm 2013, theo dữ liệu của Viện Lowy. Nhưng sự tham gia của Trung Quốc đã là chất xúc tác cho các đối tác truyền thống của đảo Thái Bình Dương, như Úc và New Zealand, phải quay lại gia tăng sự tham gia của họ trong khu vực.
Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng "tăng cường" 1,5 tỉ USD của Thủ tướng Scott Morrison cho các đảo Thái Bình Dương là một "phản ứng trực tiếp" nhằm đẩy mạnh ảnh hưởng của Trung Quốc và duy trì vị thế là đối tác chính của Úc trong khu vực.
"Không có chính phủ Úc nào sẵn sàng mạo hiểm với Trung Quốc bằng cách ngả hẳn về phía Washington", ông Hugh White, giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Úc nói. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc đã trở nên công khai hơn.
Ông White nói rằng Úc đã mất niềm tin rằng Mỹ sẽ thắng Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh tại Nam Thái Bình Dương khi Tổng thống Trump thực hiện chính sách nước Mỹ trên hết và cắt giảm sự hiện diện trên sân khấu toàn cầu. Nhưng khi Mỹ có vẻ không muốn xoay trục một cách mạnh mẽ thì Úc phải tự cứu mình trước ảnh hưởng từ Trung Quốc đang len lỏi xuống Nam Thái Bình Dương.
Là một phần trong chiến lược củng cố quan hệ với các nước láng giềng, quân đội Úc vừa hoàn thành nhiệm vụ kéo dài 11 tuần trên biển, trong đó có các hoạt động giao lưu quân sự ở phía Tây Thái Bình dương bao gồm: Indonesia, Malaysia, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ .
Giới quốc phòng tại Úc cho rằng họ chưa bao giờ rời khỏi khu vực này và các mối quan hệ đối tác quân sự của họ với khu vực đã được thử thách qua vài cuộc chiến. Nhưng John Blaxland, một nhà sử học quân sự là giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc, nói cần phải thừa nhận rằng chúng ta đã bỏ quên ảnh hưởng tại khu vực và chúng ta cần tái đầu tư, tìm kiếm lại nó.
Hải quân Úc dự kiến sẽ tăng thêm hàng ngàn tân binh, lên 62.000. Theo chương trình trị giá 62 tỉ USD đến 2030, Úc đang đóng 54 tàu hải quân, trong đó có 12 tàu ngầm tấn công, sẽ tăng gấp đôi quy mô của hạm đội. Và họ cũng đã mua 72 máy bay chiến đấu tấn công chung F-35A. Ngoài lý do dè chừng Trung Quốc thì Úc chẳng còn lý do gì để chịu "chơi lớn" đến vậy.