UAV Nga khắc chế pháo Mỹ và NATO trên chiến trường Ukraine ra sao?

Trung Hiếu |

Báo cáo từ phía Nga cho hay, hiện nay UAV Lancet đang là khắc tinh đối với các cỗ pháo của Mỹ và NATO trên chiến trường Ukraine. Nga hiện có xu hướng đẩy mạnh sử dụng UAV làm phương tiện chính để phản pháo và tiết kiệm đạn pháo.

Máy bay không người lái (UAV) cảm tử Lancet-3 của Nga đã phá hủy 45% các khẩu pháo kéo và tự hành của khối quân sự NATO kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.

Các khẩu pháo bị phá hủy chủ yếu là lựu pháo kéo hạng nhẹ M777 của Mỹ, pháo tự hành Krab 155m của Ba Lan và M109 Paladin của Mỹ.

UAV Nga khắc chế pháo Mỹ và NATO trên chiến trường Ukraine ra sao? - Ảnh 1.

UAV Lancet-3 của Nga. Ảnh: Gagadget.

Đó là thông tin từ một báo cáo của hãng thông tấn Nga RIA Novosti sau hội nghị từ xa của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu với giới tướng lĩnh cao cấp của quân đội Nga. Họ cũng chia sẻ các con số về các hệ thống pháo khác nhau bị Nga phá hủy kể từ đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Thông tin này xác nhận vai trò của “đạn lượn trên không” (tức UAV cảm tử) - thứ vũ khí phát triển mạnh mẽ kể từ xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020 cho tới nay.

Bên cạnh đó, các binh sĩ Ukraine còn tiên phong sử dụng các UAV dân sự và giải trí cho mục đích quân sự, bằng cách buộc vào đó thuốc nổ rồi thả chúng xuống vị trí đối phương.

Thống kê về Lancet tấn công M777 và M109

Theo ông Shoigu, kể từ ngày 1/1/2023, quân đội Nga đã phá hủy 59 hệ thống pháo M777, 13 khẩu pháo tự hành M109 Paladin, 14 bệ phóng pháo phản lực cơ động cao HIMARS do Mỹ sản xuất, 30 khẩu pháo tự hành xuất xứ Ba Lan, Đức, Pháp và Cộng hòa Séc.

Một số nhóm Telegram dẫn lời Bộ trưởng Shoigu cho biết, các cỗ pháo trên đã bị phá hủy “cả ở vị trí chiến đấu lẫn trong quá trình vận chuyển”.

Một nhóm Telegram chuyên đăng tải các cập nhật tình hình chiến trường và phỏng vấn binh sĩ Nga đã được làm mờ mặt, cho hay UAV Lancet phá hủy tới 80% pháo tự hành M109 Paladin và 25% pháo M777 trong tổng số các cỗ pháo bị phá hủy như vậy.

Hiện chưa rõ các con số này là từ đầu năm 2023 hay là từ tháng 2/2022. Tuy nhiên, đoạn đăng tải trên đã được chia sẻ trên một số nhóm Facebook và Telegram thân thiện với Nga.

Bộ Quốc phòng Nga mới đây công bố một video ghi cảnh Lancet-3 đánh trúng một khẩu pháo M777 tại một địa điểm không được tiết lộ. Đầu tiên là cảnh binh sĩ Nga đang lắp ráp một UAV lên một bệ phóng. Sau đó một UAV khác (có lẽ là Orlan-10) ghi cảnh UAV Lancet lao xuống khẩu pháo M777.

Một video trên mạng xã hội Twitter từ ngày 7/4 cho thấy cảnh Lancet đánh vào một khẩu pháo M109 Paladin từ phía sau, khi pháo tự hành này đang lao về phía trước. Tuy nhiên, dường như Lancet trong video này chưa phá hủy hoàn toàn được khẩu pháo tự hành.

Trong khi đó, một video, được nhận là gửi đi từ thành phố Bakhmut, ghi hình một khẩu pháo tự hành M109 đang nổ lớn và bốc cháy sáng rực sau khi Lancet-3 đánh trúng bên sườn pháo.

UAV cảm tử là xu hướng cho hiện tại và tương lai

Ban đầu quân đội Ukraine tấn công hiệu quả vào tuyến tiếp tế bị căng mỏng của Nga, khiến Nga phải lùi về phía Tây sông Dnieper ở Kherson vào tháng 11/2022.

Nga sau đó liền chuyển sang sử dụng UAV cảm tử Lancet-3 để loại bỏ nhu cầu sử dụng đến pháo tầm xa, pháo phản lực và nguồn tiếp tế cho các lực lượng pháo đó.

Sự bất tiện của pháo binh không chỉ nằm ở chỗ phải bảo đảm tuyến tiếp tế mà còn ở hoạt động sản xuất đạn pháo. Mỹ hiện đang cạn kiệt dần kho đạn pháo 155mm do nỗ lực cung cấp đạn pháo cho Ukraine.

Quân đội Ukraine tiêu tốn khoảng 11.000 quả đạn pháo chỉ trong vài ngày. Trong khi đó, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ phải mất một tháng mới sản xuất được từng ấy đạn pháo. Nga cũng gặp thách thức nhất định trong sản xuất đạn pháo.

Vào cuối tháng 2 vừa qua, các vấn đề hành chính trong nội bộ Bộ Quốc phòng Nga đã gây ra xích mích với công ty quân sự tư nhân Wagner. Ông chủ hãng Wagner, Yevgeny Prigozhin, khi ấy than phiền rằng các chiến binh của mình không nhận được 80% số đạn dược mà họ yêu cầu, trong khi bên quân chính quy Nga thì lại được ưu tiên về đạn dược.

Sau đó nhiều nhóm Telegram đã trích dẫn lời ông Prigozhin tuyên bố cần phải sản xuất hàng loạt các “UAV xung kích” để chống lại pháo binh Ukraine một cách có hiệu quả. Lời kêu gọi này cũng xuất hiện trong nhóm các blogger quốc phòng của Nga - những người này kêu gọi tăng sản xuất UAV cảm tử và trang bị vũ khí này cho tất cả các đơn vị quân sự ngoài mặt trận.

Chuyển đổi từ đấu pháo

Bên trong nước Nga đang có các nỗ lực tăng cường ngành công nghiệp sản xuất UAV và nghiên cứu UAV theo hướng biến Nga thành cường quốc UAV. Có thể thấy điều này qua các hội thảo về UAV và nỗ lực nội địa hóa vũ khí này.

Bên cạnh đó còn đang nổi lên nhu cầu về điều khiển UAV. Các đơn vị quân đội Nga đang được huấn luyện đặc biệt về điều khiển UAV cho các mục đích thương mại, dân sự và quân sự.

Đối với UAV Lancet, hãng thông tấn RIA thông báo có một phiên bản hiện đại hóa sử dụng hệ thống quang điện tử mới và phần mềm cải tiến tăng cường khả năng kiểm soát đường bay.

Báo cáo của RIA có đoạn: “Nó cũng tiếp nhận một đầu đạn có sức công phá mạnh hơn, khiến UAV này có thể đánh được một cách chắc chắn các lựu pháo, xe tăng, xe thiết giáp, radar, hệ thống phòng không và quân nhân đối phương”.

UAV này giờ có 3 loại đầu đạn - lũy tích, phân mảnh nổ mạnh và nhiệt tĩnh.

Có vài trường hợp do UAV trinh sát ghi lại cho thấy Lancet-3 không phá hủy thành công xe tăng hoặc lựu pháo tự hành.

Tuy nhiên, tin của RIA lưu ý rằng hoạt động phản pháo của Nga hiện nay gần như giao phó cho UAV Lancet-3 trong sự phối hợp với các UAV trinh sát.

Các đòn phản pháo thường nhằm vào pháo binh đối phương sau khi lần ngược đường bay của đạn pháo đối phương.

Trước đó, hoạt động phản pháo được thực hiện thủ công nhờ vào các sĩ quan quan trắc tiền phương - những người phối hợp kế hoạch pháo kích và hỏa lực phản pháo.

Tại chiến trường Ukraine hiện nay, cả Nga và Ukraine đều tiên phong sử dụng các UAV thương mại thông thường cho nhiệm vụ trinh sát, theo dõi chiến trường và định hướng, sửa đường bắn cho hỏa lực pháo binh.

Tuy nhiên, hỏa lực phản pháo trong quân đội Nga hiện nay dường như chỉ dùng mỗi UAV mà thôi. Hãng RIA cho biết thêm: “Trong chiến dịch quân sự đặc biệt, binh sĩ Nga đang thực hiện phản pháo thông qua chu trình trinh sát-tấn công, trong đó đầu tiên sử dụng UAV trinh sát các loại, các hệ thống trinh sát pháo binh dựa trên âm thanh, radar, nhiệt, các quan trắc viên mặt đất và rồi sau đó huy động UAV cảm tử làm phương tiện hủy diệt mục tiêu”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại