Trang mạng RT (Nga) vừa có bài viết cho rằng, thế giới cần hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử cụ thể, những nguyên nhân sâu xa “hình thành” nên Triều Tiên ngày nay, một đất nước đang dành mọi ưu tiên và nguồn lực để phát triển về mặt quân sự.
Cùng với Hàn Quốc, Triều Tiên nổi lên từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai như những "triệu chứng" của một cuộc Chiến tranh Lạnh, nơi chủ nghĩa tư bản phương Tây do Washington dẫn đầu cạnh tranh với chủ nghĩa cộng sản phương Đông do Moskva chỉ huy.
Bán đảo Triều Tiên từng bị người Nhật chiếm làm thuộc địa trong suốt cuộc chiến này.
Trong quá trình chống lại các lực lượng của Nhật Hoàng, quân đội Liên bang Xô viết đã thâm nhập lên phía Bắc và lính Mỹ tiến xuống phía Nam, cùng nhất trí về một đường phân ranh giới dọc theo vĩ tuyến 38.
Tuy nhiên, thay vì thực thi kế hoạch của Liên hợp quốc (LHQ) là tiến hành tổng tuyển cử trên toàn Bán đảo Triều Tiên, tháng 5/1948 Hàn Quốc chính thức được thành lập, và sau đó 4 tháng là sự ra đời của Triều Tiên.
Nhà nước Triều Tiên ngày đầu thành lập nằm dưới sự lãnh đạo của ông Kim Nhật Thành, trong khi Hàn Quốc lúc đầu do nhà lãnh đạo độc đoán Syngman Rhee cai trị.
Một trong những cuộc chiến tranh có sức tàn phá lớn nhất giữa hai miền Triều Tiên đã xảy ra trong giai đoạn 1950-1953, bắt đầu với việc ông Kim Nhật Thành quyết định tiến hành một cuộc tấn công dọc vĩ tuyến 38 nhằm lật đổ ông Ree và hợp nhất hai miền Triều Tiên thành một nhà nước độc lập.
Mặc dù đến nay vẫn chưa có những tính toán chính xác về con số thương vong, song nhiều ước tính cho rằng khoảng 2,5 triệu binh sỹ và 5 triệu dân thường đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Chiến tranh Triều Tiên còn kéo theo sự tham gia của hàng nghìn lính Mỹ và lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, trong đó 21 nước thành viên LHQ ủng hộ Hàn Quốc còn Liên bang Xôviết và Trung Quốc thì ủng hộ Triều Tiên.
Kết quả cuối cùng là một sự bế tắc quân sự và hai bên phải quay trở về nguyên trạng với ranh giới là vĩ tuyến 38.
Sự thù địch giữa hai miền Nam-Bắc vẫn chưa chấm dứt và đến nay hai bên vẫn đang duy trì một lệnh ngừng bắn và đình chiến mong manh.
Một chuyên gia Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc phân tích các dư chấn đo được sau vụ nổ được cho là vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, tại Seoul ngày 9/9. Ảnh: AFP/TTXVN
Triều Tiên của năm 2016 chính là một dấu tích của cuộc Chiến tranh Lạnh đã kết thúc với chiến thắng của chủ nghĩa tư bản trước chủ nghĩa cộng sản.
Những vết thương nặng nề sau hàng thập kỷ của chủ nghĩa đế quốc và thực dân, sự tàn phá và chết chóc trong cuộc chiến tranh liên Triều 1950-1953, cùng với việc Triều Tiên giờ đây vẫn bị đe dọa bởi các nước láng giềng thù địch ở phía Nam, các quân đội, hàng nghìn tên lửa, bao gồm cả tên lửa hạt nhân, với khả năng tấn công đến mọi nơi trên lãnh thổ quốc gia này, tất cả đều là nguyên nhân khiến đất nước và xã hội Triều Tiên trở nên thu mình, và tự cô lập.
Hậu quả tất yếu là phát triển xã hội và kinh tế bị đình trệ và đối mặt với nhiều vấn đề.
Cùng với mối đe dọa hạt nhân và quân sự hiện hữu, các trừng phạt về kinh tế và thảm họa thiên tai cũng tác động hết sức tiêu cực lên đất nước này.
Hậu quả của những điều này được thể hiện qua sự cứng rắn của giới lãnh đạo khi họ phải chịu đựng những áp lực ngày càng gia tăng ở cả trong và ngoài nước.
Khi cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush coi Triều Tiên là một phần trong cái mà ông gọi là “trục ma quỷ” cùng với Iran và Iraq vào năm 2003, khi Mỹ chuẩn bị tiến hành chiến sự ở Iraq, Triều Tiên buộc phải bắt đầu nỗ lực phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Kết quả sau một thập kỷ chính là các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên, khiến Washington và các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản, hoang mang về viễn cảnh một nhà nước mà họ đang nỗ lực cô lập sẽ đạt được sức mạnh hạt nhân thực sự.
Xét cho cùng, tình trạng căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh đang bộc lộ những sai lầm và thất bại thảm hại trong chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.
Đã đến lúc người ta cần có các nỗ lực đặc biệt nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tuy nhiên, một giải pháp như vậy chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán về một thỏa thuận hòa bình để chính thức kết thúc sự thù địch, bao gồm cả việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chấm dứt quân sự hóa khu vực và tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc với mục đích cuối cùng là bình thường hóa quan hệ hai miền Triều Tiên.
Rõ ràng, chính sách đối đầu và đe dọa bấy lâu nay không hề đem lại hiệu quả mà chỉ tiếp tục làm căng thẳng gia tăng và khiến nguy cơ chiến tranh ngày một lớn, đe dọa sự sống của người dân trên Bán đảo Triều Tiên.