Ngư dân Trung Quốc ở Hoàng Sa là "dân quân"
Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) ngày 22/9 đăng tải chùm ảnh với nội dung "Cuộc sống trên quần đảo Tây Sa (cách gọi vô giá trị của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam-PV)".
Theo CRI, hàng chục hộ ngư dân Trung Quốc đang sinh sống (trái phép-PV) trên đảo Ba Ba, thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa.
CRI thừa nhận, những ngư dân này còn "phục vụ" quốc gia trong vai trò dân quân "bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển Đông".
Trong chùm ảnh, các ngư dân cũng xuất hiện với trang phục dành cho quân nhân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)
Trước đó, truyền thông Trung Quốc không thừa nhận ngư dân nước này tham gia vào các mâu thuẫn trên biển Đông, bất chấp nhiều báo cáo từ giới quan sát quốc tế chỉ ra đây là một lực lượng quân sự hỗ trợ đắc lực cho tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.
Truyền thông Trung Quốc thừa nhận ngư dân cũng phục vụ như những dân quân trên biển. (Ảnh: CRI/Li Jin)
Đáng chú ý, động thái của truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra chỉ 1 ngày sau phiên điều trần của các học giả Mỹ trước tiểu ban Hải lực (Seapower and Projection Forces), thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, hôm 21/9.
Tại buổi điều trần, Andrew Erickson, giáo sư tại Viện Nghiên cứu về Hàng hải Trung Quốc thuộc Học viện Hải chiến Hoa Kỳ, khẳng định các lực lượng không chính quy của Trung Quốc trên biển là một trong những nhân tố quan trọng nhất, nhưng cũng bị đánh giá thiếu sót nhất, ảnh hưởng đến các lợi ích của Mỹ ở biển Đông.
Nhiều người ở Washington biết Trung Quốc có lực lượng hải quân nước xanh lớn thứ hai thế giới, hay cảnh sát biển nước xanh quy mô lớn nhất, nhưng đa số không biết Trung Quốc - với "hạm đội" tàu cá đông đảo nhất toàn cầu - đã triển khai Lực lượng dân quân hàng hải lớn nhất thế giới ra biển.
Đây trên thực tế là lực lượng bị cáo buộc nhiều nhất do làm leo thang căng thẳng trong các tranh chấp hàng hải, theo ông Erickson.
"Dân quân" Trung Quốc bành trướng
Ngày nay, 2 nhân tố quyền lực đã thúc đẩy "Dân quân hàng hải" của Trung Quốc phát triển: Sự ưu tiên trong Kế hoạch 5 năm mới nhất; và kế hoạch cải tổ PLA của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giảm quy mô quân đội chính quy.
Các chính sách ưu đãi đã thu hút số lượng lớn quân nhân về hưu giàu kinh nghiệm gia nhập các nhóm "dân quân trên biển".
Giáo sư Erickson cho hay, một thuyền viên thông thường được chính phủ Trung Quốc trả 13.000 USD/năm, trong khi thuyền trưởng kiếm được 25.000 USD.
Một hình ảnh được công bố năm ngoái bởi Học viện khoa học quân sự của PLA cho thấy các thành viên lực lượng dân quân Tam Sa (cơ quan hành chính do Trung Quốc lập phi pháp trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam-PV) tham gia vận chuyển các thùng "vũ khí hạng nhẹ" lên một tàu vận tải trong một cuộc tập trận quân sự tháng 9/2015.
Lực lượng dân quân trên biển Tam Sa (phi pháp-PV) tham gia vận chuyển trong cuộc tập trận quân sự tháng 9/2015. Họ đưa các thùng được cho là vũ khí hạng nhẹ lên tàu vận tải của mình. (Ảnh: cimsec.org/)
Chính phủ Mỹ cần hành động ngay
Giáo sư Andrew Erickson chỉ ra, chính phủ Mỹ cần hành động ngay trước khi Washington cùng đồng minh và đối tác bị đặt vào tình thế bấp bênh khi phải đối đầu với những ngư dân "vô tội" của Trung Quốc.
Theo ông, các quan chức Mỹ cần phải công khai rộng rãi trước dư luận nước này về bản chất và hành động thực chất của cái gọi là "lực lượng trên biển thứ ba".
Học giả này kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ đồng thuận công nhận và nhấn mạnh ngay 3 nguyên tắc lớn:
Thứ nhất, Dân quân hàng hải của Trung Quốc là "một lực lượng quân sự" thường được trá hình.
Thứ hai, Dân quân hàng hải Trung Quốc không được hưởng quyền bảo hộ công dân trong trường hợp xung đột trên biển.
Thứ ba, vạch trần sự thật về Dân quân hàng hải Trung Quốc chính là cách tốt nhất để ngăn chặn nó.
Erickson cũng nêu ra những hành động mà chính phủ Mỹ cần thực hiện ngay, trong đó có việc "chỉ đích danh" lực lượng Dân quân hàng hải Trung Quốc trước xã hội quốc tế, cảnh báo rủi ro đến các đồng minh/đối tác, và đặt vấn đề rõ ràng với những người đại diện của Bắc Kinh.