Cưới trước yêu sau, rước dâu về mới biết nắm tay
Hôn nhân của ông Hồ Văn Ngọc (64 tuổi, ở huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) và bà Lâm Thị Hương (63 tuổi) từng trải qua không ít khó khăn, thăng trầm trước khi có được hạnh phúc như hiện tại. Ông Ngọc và bà Hương vốn là hàng xóm của nhau, sống trong cùng một làng. Ông vốn để ý bà từ những năm 18 tuổi. Khi ấy bà Hương hay cùng bạn đi chơi qua cây cầu tre trước nhà, ông Ngọc tìm cách chọc ghẹo, bông đùa gây ấn tượng. Bà Hương hồi đó làm nghề tráng bánh đa, không hề hay biết đến tình cảm của chàng trai cùng làng.
"Bà ấy nhát gan lắm. Mình thì thanh niên mà. Tôi gọi "ê" một cái là bà ấy chạy mất tiêu rồi", ông Ngọc cười mỗi khi nhớ lại.
Đến tuổi cập kê, ông Ngọc được cha đi hỏi vợ giúp, không ngờ người bố mẹ chọn làm mai cho ông lại chính là bà Hương. Ông Ngọc vui như mở cờ trong bụng.
Vợ chồng ông Ngọc - bà Hương
Còn bà Hương bối rối khi có người đến hỏi cưới. Bà không nhớ mặt ông Ngọc, chỉ biết mọi người hay gọi là "thằng Sáu", người ốm nhom. Nhưng đến ngày dạm ngõ, lần đầu gặp chồng tương lai, bà Hương mới phát hiện hóa ra trông ông cũng "không tệ đến mức như vậy".
Năm 1979, ông Ngọc theo gia đình xuống Cà Mau, còn bà Hương vẫn kiên quyết bám trụ lại Đồng Tháp. Mối tình dang dở tạm hoãn. Mấy tháng xa nhau, cả hai không nhớ nhung gì bởi chưa có tình cảm.
Thậm chí bà Hương còn đòi trả sính lễ: "Lúc đó, tôi chưa yêu ông ấy nên không thương nhớ gì. Ở quê, tôi nghe người ta nói mẹ ông ấy khó lắm nên sợ đến nỗi về nhà khóc, xin mẹ trả lại sính lễ, không lấy ông ấy nữa. Tôi sợ cảnh làm dâu có bố mẹ chồng khó tính".
Kết thúc chiến tranh, ông Ngọc trở về Đồng Tháp làm đám cưới. Kết hôn khi tình cảm chưa chín muồi, bà Hương vẫn mang tâm trạng buồn bã. Những ngày đầu về làm dâu, bà thường ra sau nhà, trông về nhà mẹ đẻ và khóc.
"Đám cưới rước dâu về xong rồi, tôi với bà ấy mới lần đầu nắm tay nhau. Đêm tân hôn cũng chỉ nằm vậy chứ không phát sinh chuyện gì", ông Ngọc kể.
Gia đình ông Ngọc viên mãn với 5 người con
"Trót dại" tuổi 60, vợ vô tình phát hiện
Sau đám cưới, bà Hương và ông Ngọc ra riêng, ở trong một ngôi nhà lá ọp ẹp. Cả hai vợ chồng chuyên tâm lo làm ăn, hàng ngày ông trồng ruộng lúa, bà lo cơm nước, nuôi heo, hái rau muống. Về ở với nhau, thấy ông Ngọc chịu thương chịu khó, cần cù, bà Hương thương rồi yêu chồng từ lúc nào không hay. Có những ngày bà xót xa khi thấy ông đi làm ruộng, đỉa bu đầy hai chân, phải cột chặt ống quần bằng thun.
Về sau, ông bà sinh thêm được 5 người con, kinh tế lại càng rơi vào eo hẹp. "Sớm sớm tôi phải tranh thủ ra cắt rau muống xắt cho heo. Có hôm cực quá tôi ngồi sụp khóc một mình vì cực quá", bà Hương nói.
Hôn nhân 43 năm của 2 vợ chồng trải qua nhiều khó khăn
Dù khó khăn song hai vợ chồng ông bà vẫn nương tựa nhau, sống hòa thuận, yên ấm. Cho đến một lần, bà Hương phát hiện ra bức thư lạ khi đang quét sân. Trên thư ghi: "Chồng chị làm tôi có bầu. Hẹn chị đến gặp để tôi đưa ra bằng chứng". Mặc dù nổi cơn ghen song, nghe lời người cùng làng khuyên đã từng có vụ việc dàn cảnh cướp tiền tương tự, bà Hương quyết định không đến chỗ hẹn.
Vụ việc lần đó trôi vào quá khứ. Cho đến khi bà Hương phát hiện ông Ngọc thường xuyên bị bạn bè rủ đi uống "bia ôm".
"Ông anh ruột tôi lần đó buột miệng: Em, sao em không chịu uống bia với anh, chứ chồng em đi bia ôm uống nhiều lắm. Hóa ra, chồng và anh ruột tôi đi bia ôm cùng một địa chỉ. Về nhà, hai vợ chồng cãi nhau. Tôi nói: "Mình lớn tuổi rồi, ngồi sui rồi sao lại đi mấy cái đó. Đi vậy rồi làm sao dạy con trai, con rể được…", bà Hương kể.
Ông Ngọc cũng thú nhận đó là lần đầu tiên "trót dại" vì chỉ muốn đi một lần cho biết. Sau đó, ông kiên quyết từ bỏ. Bà Hương cũng nguôi dần và tha thứ cho chồng.
Trải qua nhiều sóng gió, giờ đây hôn nhân 43 năm của ông bà giờ đây đã kết trái ngọt với 5 người con khôn lớn, tất cả đều tốt nghiệp đại học. Ông Ngọc gửi lời cảm ơn tới bà vì đã cùng "nằm gai nếm mật" từng ấy năm: "Anh xin cảm ơn bà xã đã sinh cho anh 5 đứa con, cả trai lẫn gái. Trong cuộc sống bà xã đã chịu nhiều đau thương, dậy sớm thức khuya khi con ốm con đau. Nay nhìn lại, 5 đứa đã yên bề gia thất. Một lần nữa anh xin cảm ơn người vợ hiền yêu quý".
Nguồn: Tình trăm năm