Nói về một kỷ niệm đáng nhớ bậc nhất của bóng đá Việt Nam khi đối đầu Qatar phải kể tới VCK Asian Cup 2007 – giải đấu mà Việt Nam đóng vai trò đồng chủ nhà.
Ở đấu trường năm đó, ĐT Việt Nam với chiến thuật phòng ngự phản công đã xuất sắc cầm hòa Qatar 1-1 trên sân nhà Mỹ Đình (tối 12/7/2007). Kết quả này đã giúp chúng ta lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền vào tứ kết và còn đẩy đối thủ vào thế khó khăn dẫn tới bị loại sau vòng bảng.
Trận hòa Qatar để lại nhiều ấn tượng trong lòng người hâm mộ Việt Nam bởi nó diễn ra với những diễn biến đầy kịch tính. Có bàn dẫn trước khá may mắn, cột dọc và xà ngang hai lần cứu thua, chơi quả cảm trước đối thủ Tây Á… để rồi chúng ta được tận hưởng niềm vui ở Mỹ Đình.
Sau những phút bị dồn ép nghẹt thở đầu trận, đoàn quân của HLV Riedl vẫn chơi tập trung để trụ vững. Đến phút 32, khi Qatar còn mải mê tấn công thì Việt Nam bất ngờ có bàn thắng của Phan Thanh Bình, bắt nguồn từ sai lầm của thủ môn đội bạn.
Tuyển Việt Nam tiếp tục chơi tốt từ nửa cuối hiệp một kéo sang đầu hiệp hai, và hoàn toàn có thể gia tăng cách biệt nhờ lối chơi rình rập. Trong khi đó, Qatar dồn tổng lực để tấn công, ào ạt vây hãm cầu môn đội chủ nhà, nhưng cũng chỉ ghi được một bàn gỡ hoà trước Việt Nam chơi lăn xả, phòng ngự đầy quả cảm dù nhiều cầu thủ đã xuống sức.
Phan Thanh Bình từng chọc thủng lưới Qatar, mang về trận hòa cho ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2007.
Trận hòa đáng ca ngợi dù có phần may mắn ấy đã giúp Việt Nam với nhiều ngôi sao như Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong, Minh Phương, Tấn Tài… lọt vào tứ kết đấu trường châu lục (cùng với Nhật Bản). Còn Qatar sau đó đã bị loại khi chỉ đứng bét bảng.
Rất khó để so sánh ĐT Qatar ở Asian Cup 2007 với U23 nước này ở VCK U23 châu Á. Nhưng Việt Nam dưới tài chèo lái của HLV Park Hang-seo thì đã có những sự cải thiện rất nhiều về cả lối chơi lẫn tâm lý.
Tuy nhiên, ở vào thế bất lợi so với đối thủ (mất trụ cột Văn Hậu lại quá hao mòn về thể lực), đây là lúc U23 Việt Nam có thể dùng lại bài cũ: chơi tử thủ, chờ thời cơ và sẵn sàng "bẫy chết" Qatar nhờ những đòn phản công.
Thực tế thì đây vốn là "đặc sản" mà HLV Park Hang-seo đã dùng trong suốt những trận đấu vừa qua (gặp Hàn Quốc, Australia, Syria và Iraq). Song, khi mà Qatar đang đánh giá rất cao Việt Nam và họ đã rút ra những bài học từ thất bại của Australia và Iraq thì cũng là lúc chúng ta sẽ vấp phải những khó khăn lớn hơn bao giờ hết.
Đối đầu U23 Qatar sẽ là thử thách cực lớn với U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018.
Hơn 10 năm trước, HLV Riedl dùng sơ đồ 4-4-2 để cầm hòa Qatar nhưng đây không phải là sơ đồ quen thuộc của HLV Park Hang-seo khi dẫn dắt U23 Việt Nam. Rất có thể nhà cầm quân người Hàn Quốc vẫn sẽ trung thành với sơ đồ 5 hậu vệ để khắc chế sức mạnh tấn công của đội bóng Tây Á.
Ở vào hoàn cảnh quá thất thế về mặt thể lực, yếu tố tinh thần sẽ trở thành vũ khí của thầy trò HLV Park Hang-seo nhưng chắc chắn chúng ta cần phải chơi bằng quyết tâm cao hơn cách đây 10 năm, chơi bằng thứ quyết tâm đã giúp U23 Việt Nam vượt qua Iraq.
Tất nhiên, để mục tiêu tiến vào chung kết trở thành hiện thực, ngoài việc đẩy chiến thuật phòng ngự phản công lên một tầm cao mới, U23 Việt Nam nhiều khả năng vẫn phải cần thêm yếu tố may mắn, giống như suốt những trận đấu vừa qua.
Tứ kết U23 châu Á: U23 Việt Nam 3-3 U23 Iraq (5-3)