Ông Peiter “Mudge” Zatko tuyên thệ tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 13-9 - Ảnh: REUTERS
Cuộc điều trần của ông Zatko, người từng là một tin tặc nổi tiếng và đứng đầu đơn vị bảo mật của Twitter , đã thu hút sự chú ý trong bối cảnh Twitter vẫn chưa giải quyết xong vụ kiện cáo với tỉ phú Elon Musk.
"Hôm nay tôi ở đây bởi vì ban lãnh đạo Twitter đang khiến người dân, các nhà lập pháp, cơ quan quản lý và thậm chí cả hội đồng quản trị của Twitter hiểu sai (về vấn đề bảo mật - PV)", ông Zatko giải thích tại phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ ngày 13-9.
Sau khi bị sa thải vào đầu năm nay, ông Zatko đã gởi đơn tố giác lên Quốc hội Mỹ, Bộ Tư pháp, Ủy ban Thương mại liên bang, Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ vào tháng 7 vừa qua. Trong đó ông cáo buộc ban lãnh đạo Twitter đã đưa ra các tuyên bố sai sự thật về các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu người dùng.
Trong số những lời khai của ông Zatko ngày 13-9, các nhà lập pháp đã đặc biệt chú ý đến điều mà Hãng thông tấn AP mô tả là "sự cẩu thả rõ ràng" của Twitter trong việc đối phó với các đặc vụ nước ngoài.
Theo đó, khoảng một tuần trước khi bị sa thải, ông Zatko nắm được thông tin một đặc vụ của Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc đã vào làm tại Twitter và thậm chí còn được đưa vào "biên chế".
Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã cảnh báo Twitter về nhân vật này nhưng theo ông Zatko, ban lãnh đạo dường như đã phớt lờ. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng được cho là có một đặc vụ tại Twitter.
Zatko kể lại ông đã bị sốc khi đem vấn đề nói với một giám đốc điều hành Twitter. Vị giám đốc điều hành đã trả lời rằng vì đã có một đặc vụ nước ngoài ở Twitter rồi nên có thêm bao nhiêu nữa cũng không là vấn đề.
Thượng nghị sĩ Dick Durbin, chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, mô tả những tiết lộ của ông Zatko là rất đáng lo ngại, khiến hàng trăm triệu người dùng và thậm chí cả nền dân chủ Mỹ bị ảnh hưởng.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thành viên của ủy ban, thì kêu gọi cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cùng thông qua một đạo luật siết chặt việc kiểm soát các nền tảng mạng xã hội.
Trong một tuyên bố sau phiên điều trần, Twitter cho biết quy trình tuyển dụng của công ty là độc lập và không chịu ảnh hưởng từ nước ngoài.
Mạng xã hội này cũng khẳng định quyền truy cập vào dữ liệu phải thông qua một loạt bước, bao gồm kiểm tra lý lịch, kiểm soát việc truy cập cùng các hệ thống giám sát những người có quyền này.
Về các tiết lộ của ông Zatko, Twitter gọi đây là những thông tin "sai sự thật", đầy mâu thuẫn và không chính xác.
Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal từ chối ra điều trần vì cho rằng điều này không có lợi cho vụ kiện giữa mạng xã hội này và tỉ phú Elon Musk. Ông này tuyên bố bỏ hơn 44 tỉ USD để mua lại Twitter nhưng sau đó "hủy kèo" vì cho rằng có quá nhiều tài khoản ảo trên mạng xã hội này.
Hiện chưa rõ các đặc vụ mà ông Zatko nhắc đến có còn làm việc ở Twitter hay không. Ấn Độ và Trung Quốc chưa lên tiếng bình luận.