Đề xuất thống nhất Đài Loan với đại lục theo kiểu Hong Kong của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho thấy sự đoàn kết hiếm hoi giữa các đảng phái chính trị của Đài Loan.
"Không, cảm ơn" là câu trả lời của họ cho đề xuất của ông Tập.
Ngay cả phe đối lập Quốc Dân Đảng (KMT), vốn thân Trung Quốc, cũng tuyên bố trong một thông cáo mới đây rằng: Nền tảng "một quốc gia, hai chế độ" được áp dụng trước khi Hong Kong quay trở về với đại lục là điều không thể chấp nhận được đối với Đài Loan bởi hình thức này không được công chúng ủng hộ.
Những tuyên bố của phe đối lập một lần nữa nhắc lại quan điểm của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của bà sau khi ông Tập nhấn mạnh mối quan tâm của Trung Quốc đối với hình mẫu này.
"Chúng tôi trông đợi hai bên bờ eo biển tham gia vào một cuộc cạnh tranh về chế độ để quyết định chế độ tốt nhất nhằm thúc đẩy thịnh vượng cho người dân hai bên bờ eo biển", KMT tuyên bố trong thông cáo.
Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu của KMT, người tiến hành cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với ông Tập năm 2015, cũng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng "một quốc gia, hai chế độ" không có chỗ đứng ở Đài Loan.
Trước đó, trong bài phát biểu kỷ niệm 40 năm "Thông điệp gửi đồng bào Đài Loan", ông Tập Cận Bình đã đề xuất hai bên cử ra các đại diện để "tiến hành những cuộc tham vấn dân chủ sâu và rộng về quan hệ giữa hai bờ eo biển và tương lai của Trung Quốc".
"Khác biệt về chế độ không phải là trở ngại để thống nhất hay bằng cớ để chia tách", ông Tập nói.
Washington Post cho rằng, thông điệp của ông Tập là nhắm vào KMT, lâu nay vốn ủng hộ đối thoại, chứ không phải bà Thái và DPP.
Theo một cuộc khảo sát do Hội đồng các Vấn đề Đại lục của Đài Loan tiến hành, gần 70% người dân Đài Loan phản đối quan điểm cho rằng hai bờ eo biển đều thuộc về "một Trung Quốc".