Được biết Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ tư đã khẳng định lập trường của đảng Cộng sản Trung Quốc về việc thống nhất Đài Loan với đại lục là điều "tất yếu", cảnh báo sẽ chống lại những nỗ lực thúc đẩy độc lập cho hòn đảo và nói Trung Quốc sẽ không từ bỏ phương án sử dụng vũ lực để thu hồi Đài Loan.
Trong bài phát biểu, ông Tập cũng tuyên bố rằng "Giấc mơ thống nhất Trung Hoa là giấc mơ chung của đồng bào eo biển", và đưa ra mô tả sự thống nhất dưới cách tiếp cận "một quốc gia, hai chế độ" sẽ "đảm bảo lợi ích và sự thịnh vượng của Đài Loan” giống như ở Hồng Kông và Macao.
Cùng ngày hôm đó, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã phản bác: “Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận "một quốc gia, hai chế độ". Đa số người dân Đài Loan kiên quyết phản đối. Đây là sự đồng thuận của người dân Đài Loan", đồng thời yêu cầu Bắc Kinh thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân Đài Loan.
Trên thực tế, một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2018 bởi Đại học Chengchi (NCCU) cho thấy chỉ có 3% người Đài Loan muốn thống nhất với Trung Quốc và 12,5% cho biết họ thích tình trạng hiện nay trước khi đồng ý "thống nhất" với Trung Quốc. Trong khi một cuộc khảo sát khác, được thực hiện bởi cơ quan an ninh Đài Loan vào năm 2016, cho thấy 72% người Đài Loan muốn độc lập tách khỏi Trung Quốc.
Cơ quan ngoại giao Đài Loan hôm 2.1 cũng đã đáp trả lời cảnh báo “bảo lưu phương án dùng vũ lực” để thống nhất với Trung Quốc của Chủ tịch Tập bằng lời kêu gọi tôn trọng quyền tư do và dân chủ tại Đài Loan. “Chỉ 23 triệu người dân Đài Loan mới có quyền quyết định vận mệnh của họ”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận của ông Tập Cận Bình là hơi nóng vội với thực tế rằng hầu hết người dân Đài Loan đều khó chấp nhận chính sách “một quốc gia, hai chế độ” cho dù điều đó có thể đảm bảo lợi ích cũng như sự thịnh vượng của Đài Loan trong tương lai.