Tuyên bố chưa từng có tiền lệ của ASEAN: Dấu ấn Việt Nam, câu chuyện với các nước lớn và vấn đề Biển Đông

Đại sứ Phạm Quang Vinh - Đồ họa: Thi Anh |

Ngày 8/8, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã lần đầu đưa ra Tuyên bố bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh đối diện với cạnh tranh nước lớn gay gắt.

Vai trò trung tâm của ASEAN trong giai đoạn mới

Tuyên bố có 8 điểm và tập trung vào các nội dung: ASEAN muốn khu vực này hòa bình, ổn định dựa trên luật pháp quốc tế; Để có hòa bình, ổn định, các bên phải ứng xử kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, xây dựng lòng tin, không vi phạm luật pháp quốc tế; Khẳng định, ủng hộ vai trò của ASEAN trong tất cả các tiến trình và cấu trúc khu vực này, nhân lên hòa bình , ổn định; ASEAN ủng hộ chủ nghĩa đa phương và trật tự dựa trên luật lệ.

Thứ nhất, trong bối cảnh hiện tại, khi tất cả các nước, bao gồm cả ASEAN và các đối tác đều mong muốn khu vực hòa bình, ổn định thì Tuyên bố này đã thể hiện nguyện vọng chung của khu vực.

Thứ hai, trong khu vực này, dù có hòa bình, ổn định nhưng vẫn còn rất nhiều diễn biến phức tạp, cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Nếu không quản trị những rủi ro xung quanh thách thức an ninh sẽ ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định.

Thứ ba, thời điểm này ASEAN nhấn mạnh vào hòa bình, ổn định và vai trò trung tâm của ASEAN là cực kỳ phù hợp vì khu vực đang phải đối mặt với cạnh tranh nước lớn. Khi có cạnh tranh nước lớn, các quốc gia nhỏ và vừa sẽ có cảm giác không biết đi về đâu? Trong khi Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh với nhau, mà ASEAN muốn hợp tác với các nước lớn, thì ASEAN phải làm gì? ASEAN sẽ phải định vị mình như thế nào?

Tuyên bố chưa từng có tiền lệ của ASEAN: Dấu ấn Việt Nam, câu chuyện với các nước lớn và vấn đề Biển Đông - Ảnh 2.

Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN là hợp lý vì trong khu vực, ASEAN không chỉ gắn kết với nhau và mà còn gắn kết với các nước lớn. Nếu phát huy được vai trò trung tâm của ASEAN thì sẽ giúp khu vực biết cách ứng xử với thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, với những phức tạp nảy sinh và với sự cạnh tranh nước lớn.

Dù thế giới có thiên về chủ nghĩa bảo hộ, thiên về đơn phương hay song phương thì lợi ích chung của thế giới, đặc biệt của các quốc gia vừa và nhỏ vẫn là chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.

Qua Tuyên bố này, vai trò trung tâm ASEAN càng thể hiện rõ hơn.

Nói về vai trò trung tâm của ASEAN thì trên thực tế, vai trò trung tâm của ASEAN không xuất hiện cùng với sự ra đời của ASEAN. Năm 1967, ASEAN được thành lập là để co cụm với nhau.

Vai trò trung tâm của ASEAN chỉ ra đời khi có một ASEAN mới mang tính đại diện cho cả Đông Nam Á. Một ASEAN xuất hiện khi các nhóm nước của Đông Nam Á không còn thù địch và bắt tay nhau. Khởi đầu là khi Việt Nam tham gia ASEAN vào 1995, khi cả Việt Nam, cả ASEAN đều phải thay đổi cách tiếp cận với nhau.

Năm 1995 đánh dấu việc cả Việt Nam và ASEAN thay đổi cách tiếp cận để tạo ra một Đông Nam Á mới, thực sự đại diện 10 nước, từ đó phát triển về mặt thể chế, thiết chế và tầm nhìn tương lai. Thì chính vào lúc này, cả thế giới và khu vực xuất hiện nhiều chuyển biến sâu sắc. Rất nhiều vấn đề từ trước đến nay mặc nhiên được thừa nhận như chủ nghĩa đa phương, chống chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu đều đứng trước thách thức.

Việc có một Tuyên bố nhấn vào hòa bình, ổn định, nhấn cả vai trò trung tâm, nhấn vai trò nước lớn, còn như soi chuỗi đường đi của ASEAN sắp tới, bước vào một giai đoạn mới.

Có thể nói đây là một điều đột phá khi ASEAN đứng trước vấn đề phức tạp của cục diện thế giới, đặc biệt là cạnh tranh nước lớn.

Vượt lên trên thông lệ

Về mặt thông lệ, ASEAN ít khi ra Tuyên bố trong một dịp kỷ niệm không phải "năm tròn", "năm chẵn". Như vậy, Tuyên bố này là một điều vượt qua thông lệ.

Đó là vì, hòa bình ổn định ở khu vực này thực tế nhìn chung đang phải đối diện với nhiều thách thức, như cạnh tranh nước lớn, đến Biển Đông, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh nguồn nước Mekong, hay đại dịch Covid...

Bối cảnh phức tạp như vậy, thì hòa bình ổn định hơn bao giờ hết càng là điều thiết yếu, càng cần thiết cho phát triển, liên kết kinh tế và xây dựng cộng đồng. Đó là thông điệp mà ASEAN chủ động đưa ra và chia sẻ chung với các nước.

Và ra Tuyên bố vào một dịp chưa từng có tiền lệ này càng chứng tỏ nhận thức chung của ASEAN và sức điều phối của Việt Nam. Khi vượt qua thông lệ thì bao giờ cũng có rất nhiều ý kiến thắc mắc nhưng khi đã vượt qua được thông lệ, chắp nối các thắc mắc thành cái nhìn chung thì lại tạo một dấu mốc cho phát triển và nhận thức của ASEAN. Vượt qua thông lệ ở giai đoạn chuyển dịch sâu sắc còn là sự định hướng cho khu vực trong thời gian tới.

Quan trọng hơn, thông điệp này không chỉ dành cho nội bộ ASEAN mà còn cho cả khu vực, các nước và các đối tác, đặt ra vấn đề là, các nước tham gia vào hợp tác trong khu vực sẽ phải ứng xử theo mục tiêu này, nguyên tắc này, không làm gì phức tạp tình hình. Nếu có căng thẳng, phức tạp xảy ra, không có gì khác ngoài căn cứ vào lợi ích chung khu vực và luật pháp quốc tế để nêu lên tiếng nói của mình.

Tuyên bố chưa từng có tiền lệ của ASEAN: Dấu ấn Việt Nam, câu chuyện với các nước lớn và vấn đề Biển Đông - Ảnh 4.

Trong bối cảnh chưa bao giờ cạnh tranh Trung - Mỹ gia tăng trên nhiều mặt như hiện nay, ASEAN không muốn bị buộc phải chọn bên vì hai nước này đều là đối tác quan trọng của ASEAN, nếu lấy cốt lõi của khu vực này là hòa bình, ổn định, là tôn trọng luật pháp quốc tế thì dù cạnh tranh nước lớn, ASEAN không chỉ không chọn bên mà còn nói được cái đúng và cái sai trong ứng xử giữa các nước.

Đây là thông điệp rất lớn: Đừng vì cạnh tranh Trung - Mỹ gay gắt mà né tránh cái đúng - cái sai. Cốt lõi là phải dựa vào lợi ích quốc gia, lợi ích khu vực và luật pháp quốc tế để khẳng định lập trường của mình. Không né tránh. Lúc này nếu né tránh thì nghĩa là tự mình đã đứng về bên này hay bên kia.

Câu chuyện Biển Đông trong Tuyên bố

Mặc dù trong Tuyên bố không nhắc đến Biển Đông nhưng trong các thách thức phức tạp chắc chắn có câu chuyện Biển Đông.

Tuyên bố này là tầm nhìn chung của khu vực về hòa bình, ổn định, nó sẽ nói nguyên tắc chỉ đạo để đảm bảo hòa bình ổn định không chỉ trong ASEAN mà còn trong quan hệ của ASEAN với các đối tác.

Nếu soi vào bất cứ câu chuyện nào của hòa bình, ổn định từ thách thức an ninh truyền thống đến phi truyền thống ở đây rất nhiều nguyên tắc có thể áp dụng cho Biển Đông, như tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm phức tạp tình hình và xây dựng lòng tin, nếu các bên còn khác biệt thì phải giải quyết thông qua đa phương. Các điều này đều phản ánh trong đó nội dung của Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết.

Và nếu nhìn ASEAN như một tổng thể, ngay trong năm nay có rất nhiều tuyên bố của ASEAN khác nhau. Như Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN 36, trong đó có đề cập về những mục tiêu chung của ASEAN và về Biển Đông. Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN 36 tái khẳng định hòa bình ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS, không làm phức tạp tình hình là yêu cầu chung của khu vực và mong muốn tất cả các bên thực hiện.

Đặc biệt, Tuyên bố cấp cao ASEAN 36 có điểm mới là, mọi hành vi ứng xử của các bên liên quan, mọi đòi hỏi yêu sách chủ quyền của các bên liên quan phải dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS. Điều này có nghĩa rằng, yêu sách Đường lưỡi bò là không có căn cứ pháp lý.

Khi kết hợp vào các tuyên bố khác nhau để thấy cả cái riêng và cái chung thì nhận thấy rằng, ASEAN năm nay có điểm rất mới và tái khẳng định rất mạnh mẽ những nguyên tắc đã có.

Vai trò của Việt Nam

53 năm ASEAN không phải dấu mốc đáng kể nhưng là năm Việt Nam làm chủ tịch và trong tham vấn của mình với các nước khác, đề xuất này cũng xuất phát từ các nước ASEAN nhưng Việt Nam đã nhân lên thành sáng kiến khu vực. Nó cho thấy bối cảnh cục diện khu vực và quốc tế đặt ra rất nhiều thách thức cho hòa bình, ổn định, câu chuyện ứng xử giữa nước lớn - nước nhỏ, chủ nghĩa đa phương hay bảo hộ thì việc ra được Tuyên bố này vừa tái khẳng định những cái cũ và vừa định hướng dài hơn cho ASEAN.

Bên cạnh đó, không nên nhìn nhận Tuyên bố này một cách đơn lẻ mà nên nhìn trong cả quá trình Việt Nam chuẩn bị và thực hiện vai trò chủ tịch 2020. Khi Việt Nam đảm nhận chủ tịch ASEAN, chúng ta đã góp phần thúc đẩy những mục tiêu vốn có của ASEAN, đồng thời tham gia giải quyết những vấn đề mới, như đại dịch COVID-19, Biển Đông, tương lai ASEAN…

Nếu như thập kỷ 1990 được xem là thời gian Việt Nam "học việc" thì thập kỷ 2000 - 2010 là thời gian Việt Nam đóng góp vào ASEAN một cách chủ động, thành công; và đến 2020 trở đi, Việt Nam phải là một nhân tố dẫn dắt, định hướng tầm nhìn. Thời điểm này là mốc lớn mà Việt Nam có thể dẫn dắt được. Chỉ tính về kinh tế, Việt Nam đã hội nhập nhiều FTA chất lượng cao hơn nhiều quốc gia ASEAN khác.

Tuyên bố chưa từng có tiền lệ của ASEAN: Dấu ấn Việt Nam, câu chuyện với các nước lớn và vấn đề Biển Đông - Ảnh 7.

Việt Nam luôn ý thức giành ưu tiên cho ASEAN, kết hợp lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực để làm sao có đồng thuận trong ASEAN. Việt Nam luôn mong muốn ASEAN có vị thế và làm đến cùng để có đồng thuận trong khối.

Ở đây đặt ra câu chuyện lợi ích quốc gia kết hợp hài hòa lợi ích khu vực. Mỗi quốc gia đều có lợi ích của mình, cách nhìn của mình, đều có lợi ích khác nhau trong tương tác với nước lớn.

Nhưng vai trò tham vấn của Việt Nam ở vai trò Chủ tịch là làm cho các nước có cùng nhận thức và đồng thuận. Để ra được Tuyên bố ngày 8/8 thì tức là ta đã giải đáp được những cái băn khoăn của mỗi quốc gia thành viên, trong mục đích chung và trong tương tác giữa lợi ích quốc gia và lợi ích khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại