Tướng Ukraine thừa nhận thực tế phũ phàng về vũ khí NATO

Hoàng Đức |

Một Tướng lĩnh Ukraine thừa nhận rằng, khả năng cung cấp yếu kém của NATO không thể giúp Ukraine giành ưu thế trong cuộc xung đột quân sự với Nga.

Mới đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, tính đến nay các nước NATO đã cung cấp chính quyền Kiev khoản viện trợ quân sự trị giá hơn 65 tỷ euro và cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine dưới nhiều hình thức.

Ông Stoltenberg cũng hoan nghênh việc xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2, Leopard 2, M1 Abrams…, của Anh, Đức, Hoa Kỳ và các phương tiện bọc thép khác của phương Tây bắt đầu được giao cho Ukraine. Theo nhà lãnh đạo của NATO, điều này thực sự có thể thay đổi tình hình ở mặt trận.

Bình luận về thông tin trên, một cựu tướng lĩnh Ukraine đã bày tỏ quan điểm không tin tưởng lắm vào tương lai sán lạn của Ukraine, bất kể việc phương Tây có cam kết viện trợ cho nước này nhiều đến đâu.

Theo tướng Sergei Krivonos, cựu phó chỉ huy lực lượng tác chiến đặc biệt của Lực lượng Vũ trang Ukraine nói trên kênh YouTube Diaspora UA, các quốc gia NATO không thể sản xuất đủ lượng đạn dược mà quân đội Ukraine cần, bởi họ còn chưa thể sản xuất được đủ số lượng dự trữ cho quân đội của mình.

Theo ông, quân lính Ukraine tiêu tốn tới 1 nghìn quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi một số chuyên gia quân sự cho rằng, con số này có thời điểm còn ít hơn nhiều so với thực tế.

Tờ Izvestia của Nga trích dẫn lời ông Krivonos cho biết, các nước NATO hiện không thể sản xuất một lượng đạn pháo như vậy, ngay cả khi họ cố gắng khôi phục hoạt động của các dây chuyền sản xuất, trong bối cảnh một số nước đã cạn kiệt kho dự trữ của quân đội nước mình.

Vừa qua, tờ The Daily Telegraph của Anh đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã thẳng thừng loại trừ việc cung cấp thêm vũ khí và thiết bị cho Ukraine.

Theo vị quan chức Đức, tới tận năm 20230 Quân đội Đức (Bundeswehr) mới có thể khôi phục nguồn dự trữ của chính mình.

Ấn phẩm nhắc lại rằng, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Bundeswehr thường xuyên bị thiếu kinh phí.

Giờ đây, tình trạng của quân đội Đức thậm chí còn trở nên tồi tệ trong bối cảnh quân trang, đạn dược và thiết bị quân sự được chuyển tới Ukraine, bao gồm cả xe tăng Leopard-2.

“Với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, tôi không thể cho đi tất cả. Chúng tôi, giống như các quốc gia khác, sở hữu một kho vũ khí hạn chế” - ấn phẩm Anh dẫn lời ông Boris Pistorius.

Bộ trưởng Đức cho biết, Berlin có kế hoạch tăng quy mô của Bundeswehr lên 200 nghìn người vào năm 2030, cũng như chi khoảng 130 tỷ euro cho quân trang và thiết bị quân sự. Ông Pistorius nhấn mạnh, ưu tiên hàng đầu của ông sẽ là đưa chi tiêu quốc phòng đất nước lên mức 2% GDP.

Tờ báo Anh nhắc lại rằng, ngay sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã hứa sẽ phân bổ tài trợ bổ sung cho Bundeswehr với số tiền 100 tỷ euro để quân đội nước này đạt mức sẵn sàng chiến đấu cao nhất trong số các thành viên NATO ở châu Âu.

Tuy nhiên, một năm sau đó Quân đội Đức vẫn tiếp tục chịu tình trạng thiếu thiết bị. Theo bà Eva Högl, Ủy viên phụ trách các vấn đề liên quan đến Bundeswehr tại Quốc hội Đức (Bundestag), để hiện đại hóa quân đội Đức cần tới một khoản tiền khổng lồ lên tới 300 tỷ euro.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại