Nêu ý kiến chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều 14/6, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 (Hà Giang) cho biết, từ khi bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Trung Quốc từ năm 1991 đến nay là 26 năm, thương nhân Trung Quốc đã tìm mua hết các loại dược liệu thiên nhiên ở trong rừng của chúng ta.
"Người dân thì khai thác, thu gom bán hết cho Trung Quốc. Có những loại dược liệu đã tuyệt chủng, có những loại có nguy cơ tuyệt chủng.
Không biết Bộ trưởng có biết vấn đề này không và nếu biết, xin hỏi Bộ trưởng tới đây sẽ có giải pháp gì trước tình trạng này?", tướng Cò nêu câu hỏi.
Với vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: "Bộ đã có đề án xây dựng vườn dược liệu nhằm bảo tồn các loại dược liệu quý trong thiên nhiên của Việt Nam".
Trước đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, giá thuốc dù có giảm 10%, thậm chí 50% thì cũng rất cao đối với đa số người dân, đặc biệt là đối với các loại thuốc biệt dược.
"Bộ trưởng có đồng ý là nên phát triển công nghiệp dược Việt Nam để người dân được sử dụng thuốc chất lượng, giá cả phải chăng? Làm sao để khuyến khích bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sử dụng thuốc của Việt Nam? Có nên yêu cầu bác sĩ khi khám chữa bệnh sử dụng thuốc nội?
Hàng năm người Việt Nam chi 2 tỉ USD để đi điều trị ở nước ngoài, Bộ trưởng làm gì để khuyến khích họ ở lại chữa bệnh ở trong nước, khỏi chảy máu ngoại tệ?", đại biểu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) thì đề cập vấn đề thuốc đông y còn thả nổi, 80-85% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, mới chỉ kiểm soát về số lượng chứ chưa kiểm soát được chất lượng. Đại biểu nêu giải pháp đấu thầu dược liệu với Bộ trưởng Y tế và đề nghị cần quan tâm việc này.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, ý kiến đại biểu băn khoăn về chất lượng thuốc y học cổ truyền là đúng trong thời gian trước.
Hiện nay, thuốc nhập về qua tất cả các đường đều phải kiểm nghiệm chất lượng mới được đưa vào chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường thanh kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tình trạng buôn lậu thuốc y dược.
Bộ cũng phối hợp với Ban chỉ đạo 389 để tăng cường công tác phòng chống buôn lậu thuốc qua biên giới. Công tác đấu thầu thực hiện rất nghiêm túc chứ không phải là loạn giá.
Bộ trưởng Tiến đồng ý với ý kiến đại biểu là tăng cường trồng, sản xuất dược liệu trong nước là rất tốt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu, đã chỉ đạo các ngành đề xuất cơ chế chính sách để phát triển ngành này.
Bà cũng khẳng định luôn khuyến khích người Việt sử dụng thuốc Việt, có cả các cuộc bình bầu "ngôi sao thuốc Việt" dành cho các doanh nghiệp sản xuất các loại thuốc tốt. Sắp tới Bộ sẽ tăng cường phát triển dược liệu, Đông y.
Trước đó, Bộ trưởng Kim Tiến cũng nhấn mạnh đến chính sách cho cán bộ y tế, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
"Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định, quy định về chế độ đặc thù. Chúng tôi đi đến các xã miền núi ở tỉnh Điện Biên, hỏi Trạm trưởng Y tế xã thì họ nói rằng tổng thu nhập, bao gồm phụ cấp, được 12 triệu đồng/tháng, anh em yên tâm làm việc.
Lương của bác sĩ mổ ở tuyến huyện có thể được 12 triệu đồng, tuyến tỉnh có thể 15 triệu đồng mỗi tháng. Tiền trực cũng cải thiện, trước anh em nói tiền trực mỗi ca không đủ bát phở, nay đã lên mức 25.000 đồng, có ca lớn thì cũng đến 100.000 đồng", Bộ trưởng nói.