Chiều 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Nêu ý kiến về dự thảo luật này, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Phó Tư lệnh quân khu 2, đoàn Hà Giang) cho rằng, tham nhũng làm mất lòng tin chứ không phải phản bội lòng tin của nhân dân.
Theo tướng Sùng Thìn Cò, tham nhũng trước đây là có chức quyền, nhưng bây giờ "cả dân cũng môi giới đủ kiểu, tìm hiểu con cháu lãnh đạo ở đâu để tiếp cận, khi ông to đến thăm thì vo ve kể khổ".
"Quan chức về hưu làm nhà thờ họ vài chục tỷ có kê khai không? Người dân rất bất bình, làm nhà thờ họ to, giỗ thì xe to, xe nhỏ, ách tắc cả giao thông. Tóm lại là không bình thường", ông nói.
Phó Tư lệnh quân khu 2 nhấn mạnh, cán bộ không tốt thì dân không được nhờ và đức là gốc của người cán bộ nên khi có tài không có đức sẽ hại nước, hại dân.
"Đối với vấn đề tự phòng tham nhũng, theo tôi chúng ta phải giáo dục làm sao để cán bộ kiên định vững vàng, thấy tiền không thích, thấy gái đẹp không đòi hỏi. Việc này trong bộ đội chúng tôi giáo dục rất nghiêm.
Nhiều ông lãnh đạo có sân sau, tiêu không hết tiền. Là người lính đã từng cầm súng chiến đấu tôi thấy mình có trách nhiệm đấu tranh chống giặc nội xâm này", tướng Sùng Thìn Cò khẳng định.
Nhấn mạnh đã sửa luật thì chất lượng phải cao hơn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu quan điểm: "Dự án Luật này được cho ý kiến qua 2-3 kỳ họp có thể chậm một chút nhưng chắc, chất lượng cao hơn, tổ chức thực hiện được khả thi".
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã nêu những điều làm được và hạn chế.
Do đó, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này phải tập trung vào "phòng là chính", phải thiết kế làm sao để người có ý đồ tham nhũng không tham nhũng được.
Ông Lê Minh Khái.
"Điều quan trọng nhất là phải xây dựng được các công cụ để phòng ngừa tham nhũng. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì tổ chức thực hiện hiệu quả mới cao, sẽ bịt được các kẽ hở để hạn chế tham nhũng, từ đó sẽ ít phải xét xử, xử lý các vụ án tham nhũng.
Còn để xảy ra tham nhũng rồi, xử lý các vụ việc đều rất đau lòng. Xử tù tội, tử hình một con người sẽ ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng tộc… rất đau xót", ông Lê Minh Khái nói.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh: "Con người khi thấy tiền để ra trước mặt lại không có ai thì dễ phát sinh lòng tham. Mình không để xảy ra chuyện này sẽ không có tham nhũng, còn khi đã xảy ra phải tập trung phát hiện, xử lý cương quyết để không ai dám tham nhũng nữa".
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ, muốn thành công trong phòng, chống tham nhũng thì minh bạch, công khai là yêu cầu số một.
"Các chương trình, dự án phải công khai, minh bạch. Ví dụ dự án BOT, mặc dù chúng ta có đủ quy định về đấu thầu, nhưng trong quá trình đó vẫn hình thành các lợi ích nhóm, để hồ sơ thắng thầu hoàn toàn hợp lệ, nhưng bên trong đó là bắt tay nhau", Thượng tướng Vương nhấn mạnh.
Ông cũng đề nghị, vấn đề chuẩn hóa các quy định trong các lĩnh vực hoạt động của các cơ quan, tổ chức là điểm cần chú ý đến.
"Ví dụ ngành công an chúng tôi, phải chuẩn hóa các quy định hoạt động, tuần tra, kiểm soát thế nào. Bởi không bao giờ đối tượng đưa tiền lại tố cáo người nhận tiền cả, vì liên quan đến hoạt động của họ. Còn khi có phản ánh, chúng tôi kiểm tra, căn cứ vào quy trình công tác, anh sai quy trình, tôi lập tức xử lý anh ngay", Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói về dự án luật phòng, chống tham nhũng