Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley. (Ảnh: Reuters)
Tướng Mark Milley, quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ, vừa đưa ra xác nhận chính thức đầu tiên về nỗi lo trước vụ thử vũ khí siêu thanh của Trung Quốc mà giới chuyên gia tin rằng đó là diễn biến cho thấy Bắc Kinh đang phát triển một hệ thống quay quanh quỹ đạo Trái đất để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Lầu Năm Góc vẫn tránh xác nhận trực tiếp vụ thử của Trung Quốc trong mùa hè này, ngay cả khi Tổng thống Joe Biden và các quan chức Mỹ khác bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh.
Lần này tướng Milley đã xác nhận vụ thử và cho rằng sự kiện đó “rất gần” với khoảnh khắc Spunik, khi Nga phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên lên quỹ đạo vào năm 1957, đưa Mátxcơva dẫn trước Mỹ trong cuộc đua lên vũ trụ.
“Điều chúng ta đã thấy là một sự kiện rất đáng kể từ vụ thử một hệ thống vũ khí siêu thanh. Điều đó rất đáng lo ngại”, tướng Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg ngày 27/10.
Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân nói rằng những vụ thử vũ khí của Trung Quốc có vẻ được thiết kế để xâm nhập hệ thống phòng thủ của Mỹ theo 2 cách. Trước hết, vũ khí siêu thanh di chuyển với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, với khoảng 6.200km/giờ, khiến chúng khó bị phát hiện và đánh chặn.
Thứ hai, các nguồn tin nói với Reuters rằng Mỹ tin vụ thử của Trung Quốc gần đây liên quan đến một loại vũ khí bay quanh trái đất, khiến các chuyên gia quân sự nhắc đến hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn.
Tháng trước, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall ngụ ý nói về mối quan ngại trước một hệ thống như vậy khi ông phát biểu với báo chí rằng một vũ khí có thể bay lên quỹ đạo rồi mới bắn xuống mục tiêu.
“Nếu bạn làm theo cách đó, bạn không phải sử dụng quỹ đạo tên lửa liên lục địa truyền thống, nghĩa là bay thẳng từ nơi phóng đến đích. Đó là cách tránh các hệ thống phòng thủ và cảnh báo tên lửa”, ông nói.
Hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn có thể là cách giúp Trung Quốc tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Alaska – được thiết kế để ngăn một số lượng vũ khí hạn chế từ Triều Tiên.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận nước này đã thử tên lửa siêu thanh, khẳng định đó là một phương tiện vũ trụ.
Hệ thống phòng thủ Mỹ không thể đối phó với một cuộc tấn công ồ ạt từ Trung Quốc hoặc Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng việc Mỹ công khai theo đuổi các hệ thống phòng thủ tiên tiến khiến Mátxcơva và Bắc Kinh tìm cách đánh bại những hệ thống đó, trong đó có cách sử dụng tên lửa siêu thanh và hệ thống bắn phá quỹ đạo phân đoạn.
Mỹ và Nga đều đã thử vũ khí siêu thanh.