Chủ trương lớn
Tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 23/6, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ đang xem xét một chủ trương đặc biệt, đó là các đơn vị quân đội sẽ chấm dứt làm kinh tế.
"Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế mà tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân", Thượng tướng Lê Chiêm cho biết.
Về số doanh nghiệp quân đội hiện nay, theo Thứ trưởng Lê Chiêm sẽ tổ chức cổ phần hóa, thoái vốn khỏi các doanh nghiệp dự án sắp đầu tư.
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, đây là chủ trương rất lớn, cần phải được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Theo tướng Lương, ông đã có 45 năm tham gia quân đội và sau hòa bình nhiều năm tổ chức làm kinh tế và hiện tại đang là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam với hàng nghìn doanh nghiệp trải khắp 63 tỉnh, thành phố.
Ông cũng cho hay, tham gia làm kinh tế của quân đội là truyền thống, từ thời xa xưa với "ngụ binh ngư nông" và trong giai đoạn sau khi giành độc lập, đất nước vô cùng khó khăn nên mọi người cần chung sức làm kinh tế nên quân đội cũng tham gia làm kinh tế, thương mại.
Đến nay, đã có hàng ngàn doanh nghiệp quân đội được thành lập ở khắp các quân khu, quân chủng, binh chủng... và góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế - xã hội chúng ta phát triển. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã tạo được tên tuổi lớn không chỉ trong nước mà còn ra cả quốc tế như Viettel.
Tuy nhiên, theo tướng Lê Mã Lương, xét về mặt công bằng xã hội giữa doanh nghiệp quân đội và ngoài quân đội thì rõ ràng chưa có.
Bởi lẽ, các doanh nghiệp quân đội hiện nay đang được hưởng nhiều chính sách đặc thù như lãnh đạo là các sỹ quan đội mũ, đeo sao của quân đội, có xe biển đỏ, các trang thiết bị chuyên dụng để tham gia vào rất mạnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp quân đội còn có lợi thế về đất đai...
"Lợi thế đặc thù của doanh nghiệp quân đội rất lớn nên tạo ra một thế mạnh mà không có bất cứ doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân nào cạnh tranh nổi.
Chưa kể, một số công trình đặc thù thì chỉ có các doanh nghiệp quân đội mới có thể được tham gia như các công trình liên quan đến an ninh - quốc phòng, bí mật Quốc gia...
Theo tôi, đặt vấn đề quân đội không làm kinh tế trong giai đoạn hiện nay nếu thực hiện được thì rất lý tưởng", tướng Lương nêu rõ.
Kiểm tra chất lượng vải sợi do Tổng Công ty 28 sản xuất tại cửa hàng may đo số 14-Lý Nam Đế (Hà Nội). Ảnh: Minh Châu/Báo Quân đội nhân dân
Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam cũng nêu rõ: "Việc quân đội không làm kinh tế ở đây nên hiểu là quân đội không nên ôm các doanh nghiệp nữa mà nên cổ phần hóa các đơn vị này, đưa ra khỏi quân đội, không được hưởng các chế độ đặc thù như trước đây.
Việc minh bạch, đàng hoàng giữa các doanh nghiệp quân đội với các doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân rất cần phải làm.
Cũng cần nhấn mạnh, khái niệm kinh tế trong quân đội có những phạm vi, đặc thù nên khi nói quân đội không làm kinh tế mà hiểu là sẽ không tăng gia, sản xuất thì không ổn mà ở đấy chúng ta có lực lượng sẵn, việc làm kinh tế này sẽ góp phần cải thiện bữa ăn, đời sống cho quân nhân.
Cùng với đó, ở các vùng kinh tế khó khăn, trọng yếu Quốc gia, trắng nhân dân mà các đoàn kinh tế quốc phòng đang đóng quân, xây dựng kinh tế thì cũng không thể bỏ.
Bởi ở đó, chỉ có các đơn vị quốc phòng mới dám vào xây dựng kinh tế còn các doanh nghiệp khác không dám bén bảng vì không có lợi nhuận, doanh thu. Cho nên đừng hiểu quân đội không làm kinh tế là dừng tất cả".
Quân đội không làm kinh tế sẽ có những lợi gì?
Theo tướng Lê Mã Lương, thực tế, quân đội nhiều nước trên thế giới, trong đó, có Trung Quốc đã tiến hành không làm kinh tế từ nhiều năm qua. Lý do, là bởi vấn nạn tham nhũng bắt nguồn từ đó quá lớn và cần tập trung xây dựng lực lượng quân đội theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
"Việc quân đội Việt Nam đến thời điểm này không làm kinh tế nữa theo tôi là lý tưởng nhưng như tôi đã nói là chỉ không làm kinh tế ở các doanh nghiệp quân đội, tức là cổ phần hóa, đưa ra khỏi quân đội còn các đoàn kinh tế quốc phòng, tăng gia sản xuất trong quân đội thì phải giữ.
Khi quân đội không làm kinh tế nữa thì có một mặt rất tích cực là quân đội Việt Nam hàng ngày, hàng tháng, hàng năm trong thời bình sẽ dành được nhiều thời gian hơn để nâng cao thể trạng, thể lực, tri thức quân sự cũng như khả năng sẵn sàng, bản lĩnh chiến đấu.
Tôi cũng nghĩ rằng, khi tập trung xây dựng lực lượng tốt như vậy thì chúng ta sẽ có nhiều điều kiện để tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế và khi chất lượng cán bộ, chiến sỹ được nâng cao thì bạn bè thế giới sẽ đánh giá chúng ta tốt hơn.
Thêm vào đó, khi quân đội không còn coi kinh tế là mặt trận chính thì sẽ tập trung xây dựng lực lượng, huấn luyện đảm bảo bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn Quốc gia", tướng Lương bày tỏ.
Tuy nhiên, ông cũng tái khẳng định, việc không làm kinh tế là điều lý tưởng hiện nay nhưng có thực hiện được hay không là cả một vấn đề bởi, việc quân đội không làm kinh tế còn phụ thuộc vào nền kinh tế đất nước và truyền thống của quân đội.
Chưa kể, sẽ còn các ý kiến khác nhau, do đó, phải tính toán thật kỹ càng, thông suốt.