Tương lai của Ukraine trong xung đột với Nga vẫn mờ mịt sau Thượng đỉnh EU

Diệp Thảo |

Các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung trong việc đạt được những đảm bảo an ninh cho Ukraine.

Trong suốt hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) vừa qua, các nhà lãnh đạo EU không thể thống nhất về những đảm bảo an ninh mà họ có thể cung cấp cho Ukraine, tờ Financial Times (FT) cho biết. Đây được coi là nội dung thảo luận chính của hội nghị trong bối cảnh dòng chảy viện trợ từ Washington tới Kiev có nguy cơ bị gián đoạn sau khi ông Donald Trump trở lại nhiệm sở.

Tương lai của Ukraine trong xung đột với Nga vẫn mờ mịt sau Hội nghị thưởng đỉnh EU. Ảnh: Xinhua

Rời khỏi bàn hội nghị,nNhà lãnh đạo Kiev Vladimir Zelensky vẫn thể chưa mang về lời giải chính xác cho những câu hỏi liên quan đến tương lai của Ukraine.

"Ngay khi có một nhà lãnh đạo đề xuất điều gì đó mới, chẳng hạn như triển khai quân đến Ukraine để làm nhiệm vụ huấn luyện thì ngay lập tức có những người khác bác bỏ những đề xuất như vậy", FT nêu rõ.

Theo FT, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng sẽ "không có cuộc thảo luận" nào về việc triển khai quân đội trên bộ, gọi đó là một sai lầm khi đi sâu hơn vào các cuộc thảo luận chi tiết về vấn đề này. Ông nói thêm rằng nguồn viện trợ dành cho Ukraine nên được cung cấp theo cách "tránh làm leo thang căng thẳng với Nga".

Đề xuất trước đó của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc triển khai quân đội châu Âu tới Ukraine đã vấp phải nhiều sự phản đối. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk gần đây đã bác bỏ ý tưởng này, trong khi một nhà ngoại giao cấp cao của EU tán đồng với ý kiến của ông Scholz.

“Một số nhà lãnh đạo công khai bác bỏ quan điểm của nhau. Một số vẫn giữ nguyên lời lẽ sáo rỗng là giúp Ukraine giành chiến thắng "bằng mọi giá" nhưng không cung cấp thông tin cụ thể về những gì họ sẽ chuẩn bị làm”, tờ Financial Times đưa tin.

Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu EU, bà Kaja Kallas, đã khuyên các nhà lãnh đạo phương Tây không nên gây sức ép với ông Zelensky vào các cuộc đàm phán hòa bình trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times trước đó.

“Câu hỏi lớn đang được đặt ra là: Sự đảm bảo an ninh dành cho Ukraine sẽ bao gồm những gì? Tất cả các quốc gia thành viên đã ký thỏa thuận đảm bảo an ninh với Ukraine cần phải tìm ra đáp án cho câu hỏi này", bà Kallas nói.

Cũng trong hội nghị, ông Zelensky một lần nữa khẳng định rằng tư cách thành viên NATO là sự đảm bảo an ninh cao nhất vào lúc này; đồng thời nhấn mạnh, những lời hứa từ riêng các nước EU, nếu không có sự tham gia của Mỹ, sẽ là "không đủ" để tăng cường vị thế của Ukraine trên bàn đàm phản với Nga. Mỹ và Đức chưa trực tiếp đưa ra quan điểm riêng trước phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine, trong khi Hungary đã công khai phản đối nguyện vọng của Kiev.

Theo một số quan chức Nga, việc phương Tây triển khai quân đội đến Ukraine để giám sát quá trình thực thi thỏa thuận hòa bình có thể biến các nước này thành một bên tham chiến. Điện Kremlin đầu tuần này cho biết còn quá sớm để thảo luận về bất kỳ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình nào, bởi cho đến nay, ông Zelensky thậm chí còn chưa đồng ý ngồi vào bàn đàm phán với Nga để xem xét các thỏa thuận ngừng chiến.

Ngày 19/12, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải giải quyết các mối quan ngại chính về an ninh, bao gồm việc Kiev từ bỏ tham vọng gia nhập NATO, công nhận những vùng lãnh thổ đã được sáp nhập vào Nga và cam kết duy trì vị thế trung lập.

Tại phiên hỏi đáp thường niên ở Moscow, ông Putin nhấn mạnh rằng những điều kiện kể trên là "rất quan trọng" trong việc đạt được sự ổn định lâu dài trong khu vực, đảm bảo an ninh chung cũng như lợi ích chiến lược cho tất cả các bên liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại