Với 8 năm là tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn (1967-1975), tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gắn liền với đường Trường Sơn huyền thoại - tuyến chi viện chiến lược cho tiền tuyến, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với các thế hệ tướng lĩnh trong quân đội, Đồng Sỹ Nguyên là một vị tướng tài ba, trí tuệ và bản lĩnh. Đây là vị tướng đã dày công xây dựng nên nghệ thuật vận tải chiến lược quân sự trong điều kiện mưa bom, bão đạn ác liệt của chiến tranh .
Ấn tượng nổi bật về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với đồng đội ông, đó là vị tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn làm xoay chuyển tình thế chống chiến tranh ngăn chặn của không quân Mỹ trên chiến trường Trường Sơn. Với quyết định của mình, ông đã chuyển từ phương thức vận tải bí mật vòng tránh nhỏ lẻ trước đây sang vận tải cơ giới, tiến công.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên trong chiến dịch đường 9 Nam Lào năm 1971. (Ảnh tư liệu)
Từng có nhiều năm gắn bó với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam luôn nể phục tinh thần khẩn trương, óc quan sát, phân tích, phán đoán đúng, trúng tình hình và chiến lược sáng tạo, tư duy tiến công quyết liệt của ông.
“Từ tháng Giêng năm 1967, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều về làm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Việc đầu tiên khi đồng chí nhận nhiệm vụ là đi thị sát toàn bộ chiến trường, nghiên cứu chiến trường và xác định những phương thức chiến đấu mới: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, địch đánh đường này, ta mở đường khác.
Địch đánh ta sửa ta đi. Huy động tất cả lực lượng của Trường Sơn, kể cả lực lượng công binh, pháo binh, theo tinh thần vít đầu máy bay địch xuống mà đánh.”, Thiếu tướng Võ Sở nhớ lại.
Thiếu tướng Võ Sở - Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh
Bằng chính thực tế chỉ đạo trên tuyến đường vận tải huyết mạch Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã chủ động xây dựng thế trận vận chuyển, trước hết là thế trận cầu đường, khắc phục thế độc đạo, thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng, lấy binh chủng vận tải làm trung tâm.
Trong đó, lấy chống địch, ngăn chặn có hiệu quả là điều kiện cơ bản nhất để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vận tải quân sự chi viện chiến lược cho các chiến trường.
Là thế hệ đi sau, Thiếu tướng Đào Văn Tân, nguyên Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn rất tự hào và tâm đắc với phương thức chủ động tiến công trên con đường vận tải chiến lược của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Thiếu tướng Đào Văn Tân kể: “Khi có tư tưởng mới của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh binh đoàn do đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đề xuất, thì cả chiến trường như có một luồng tư tưởng mới. Lúc này không phải vòng, tránh nữa, bí mật, bất ngờ nhưng tiêu diệt địch, tìm địch để đánh.
Có những trường hợp súng đại liên, bộ binh thôi nhưng lên các điểm cao phục sẵn ở đấy, ở dưới là cây điện tử của địch, nổ máy để như xe ô tô đi qua, địch đến trút bom xuống đấy, thì súng đại liên của bộ binh trên đỉnh đồi bắn xuống, tiêu diệt.”
Đường Trường Sơn huyền thoại. Ảnh: TL
Chính tư tưởng tiến công thấm nhuần tới từng chiến sỹ đã làm nên một Binh đoàn Trường Sơn anh hùng cả trong chiến đấu và vận tải. Bộ đội Trường Sơn đã góp phần to lớn bắn rơi trên 2.000 máy bay Mỹ, trong tổng số trên 4.000 máy bay quân và dân cả nước bắn rơi, góp phần làm thay đổi cục diện chiến tranh.
Cùng với việc tham mưu, thực hiện hiện đại hóa tuyến đường vận tải cho chiến trường miền Nam của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Binh đoàn Trường Sơn đã có tới hàng vạn ô tô phục vụ vận tải vũ khí, khí tài, lương thực và nhân lực chi viện cho các chiến trường.
Trong giai đoạn làm Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và những chiến sĩ Trường Sơn đã thiết lập được hệ thống đường ống dẫn xăng dầu chi viện cho chiến trường miền Nam, mở đường giao liên hành quân bộ và tải thương, lắp đặt được mạng thông tin đường dây tải ba…
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng -
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tư lệnh chính trị binh đoàn Trường Sơn đánh giá, với vai trò tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã giải quyết được những ách tắc cơ bản đặt ra với tuyến đường Trường Sơn trước đó.
Đó là đã làm tăng đáng kể khối lượng vận tải, chi viện đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam và dần thoát khỏi thế độc đạo, độc hành của bộ đội vận tải.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng nhấn mạnh: "Chuyển từ vận chuyển thô sơ sang cơ giới, đây là đóng góp xuất sắc với quyết định của Trung tướng. Cuối năm 1960 ta mới vận chuyển được 23.000 tấn đạn, vũ khí nhưng đầu 68 đã lên đến 63.000, đến khi chiến dịch Tây Nguyên – Hồ Chí Minh là hàng triệu tấn vũ khí đạn dược và hàng vạn người được vào Nam một cách an toàn để trực tiếp chiến đấu.”
Tướng Đồng Sỹ Nguyên (giữa) nghe báo cáo về tình hình xăng dầu và vận tải khu vực 471 (ảnh chụp năm 1971).
Là vị tướng tài ba, chiến lược, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đồng thời là một vị chỉ huy dũng cảm, gương mẫu. Bản thân ông là người xông pha, bám sát các điểm nóng của chiến trường, là người làm gương “bám thắt lưng địch mà đánh”.
Do vậy, tất cả sở chỉ huy của bộ đội Trường Sơn cho đến các binh trạm, các đơn vị trực tiếp chiến đấu đều noi gương, thực hiện nghiêm túc bám trọng điểm, bám đường, tất cả cho hoạt động của đường Trường Sơn luôn thông suốt.
Thiếu tướng Lương Sỹ Nhung, khi đó còn là chiến sỹ trẻ nhớ lại: “Địa đạo của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên ở bên Lào, thuộc Savanakhet, hồi đó tôi là người bảo vệ địa đạo đó, bác Nguyên làm việc trong địa đạo.
Vì thời là chiến sỹ mình chỉ biết chiến đấu và phục vụ chiến đấu theo sự phân công thôi. Nhưng bây giờ khi làm Tư lệnh rồi, mở bản đồ trong chiến tranh ra xem, mới thấy rằng địa đạo lúc bấy giờ đứng ở giữa, xung quanh 4-5 trọng điểm ác liệt, địch đánh suốt ngày suốt đêm.
Tư lệnh nhảy vào chỗ ác liệt gần nhất để sát bộ đội, để chỉ huy được sâu sát nhất.”
Là một vị tướng tài tiêu biểu của quân đội ta, với chiến lược vận tải đầy sáng tạo trên tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyết mạch, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là vị tướng luôn yêu thương, tiếc từng giọt máu chiến sĩ.
Vị tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn từng nói: “một giọt xăng, hạt gạo vào chiến trường thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao người. Một tấn xăng qua trọng điểm phải đổi tới hàng chục sinh mạng”. Giờ, ông đã về lại với núi rừng Trường sơn và mãi mãi là vị anh hùng của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại./.