Tướng Ấn Độ cảnh báo Trung Quốc về sai lầm mạo hiểm ở biên giới 2 nước

Trung Hiếu |

Tướng Ấn Độ cho rằng Trung Quốc không nên phiêu lưu quân sự ở vùng biên giới 2 nước và thế giới đủ lớn cho cả hai cùng phát triển.

Dưới đây là phần lược dịch bài viết của Tướng Bikram Singh, nguyên Tham mưu trưởng thứ 25 của Lục quân Ấn Độ:

Tháng 5/2020 chứng kiến vài cuộc đối đầu giữa Lục quân Ấn Độ và Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc dọc Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở khu vực biên giới tranh chấp giữa 2 nước, nằm trên dãy núi Himalaya.

Trong khi vướng mắc ở Bắc Sikkim đã được giải quyết tại chỗ, trong khuôn khổ các nghị định thư được hai bên nhất trí, các khúc mắc ở Đông Ladakh vẫn còn đó, khiến nhiều người đồn đoán về ý đồ của Trung Quốc.

Cuộc đối đầu lớn gần đây nhất giữa 2 gã khổng lồ châu Á này là tại Doklam vào năm 2017 và kéo dài trong 73 ngày. Sau đó đã có những cuộc gặp phi chính thức giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đầu tiên là ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 4/2018 rồi ở Mamallapuram, Tamil Nadu (Ấn Độ) vào tháng 10/2019. Trong các lần gặp gỡ đó, hai vị lãnh đạo này tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình ở vùng biên giới nhằm đạt các lợi ích chiến lược lớn hơn. Họ cũng chỉ đạo quân đội tương ứng của mình thực hiện kiềm chế và củng cố sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Trung Quốc khó lòng mạo hiểm

Ở cấp chiến lược và chiến dịch, quân đội hai nước đã thực hành kiềm chế. Tuy nhiên, ở cấp chiến thuật, các cuộc đối đầu xảy ra do các cách nhìn nhận khác nhau về biên giới thực sự giữa 2 bên, khi mà LAC không được phân định trên thực địa. Mặc dù các vụ đối đầu đó được giải quyết cục bộ, những vụ dính đến xây dựng cơ sở hạ tầng (như là cầu và công sự) thường làm mất nhiều thời gian hơn và đòi hỏi kết hợp các sáng kiến quân sự và ngoại giao.

Thỏa thuận song phương ký trong thời kỳ từ năm 1993-2013 đã giúp ngăn ngừa sử dụng vũ lực vượt quá những lần ẩu đả. Kể từ năm 1975, chưa lần nào súng nổ và điều này ít khả năng sẽ thay đổi.

Hiện nay, Trung Quốc gặp phải nhiều thách thức từ bên trong và bên ngoài thời dịch Covid-19 , họ sẽ khó có thể phiêu lưu quân sự ở dãy Himalaya. Một cuộc xung đột với Ấn Độ - đối thủ chiến lược chính trong khu vực của Trung Quốc, sẽ không chỉ làm xấu thêm các vấn đề của Trung Quốc mà còn cản trở nghiêm trọng hành trình của nước này tới chỗ trở thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050.

Một số thách thức mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối mặt ngày nay bao gồm nền kinh tế Trung Quốc bị thu hẹp lại, cuộc chiến thương mại với Mỹ, và tốc độ suy giảm của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Các cuộc biểu tình ở Hong Kong, thái độ không khoan nhượng của Đài Loan, cũng như việc quốc tế hối thúc điều tra về yếu tố Trung Quốc trong đại dịch Covid-19 càng làm tăng thêm các thách thức đối với Trung Quốc.

Trừ Pakistan (đồng minh chiến lược của Trung Quốc) thì ở các nơi còn lại, tâm lý bài Hoa khá phổ biến do chính các hành vi của Trung Quốc.

Cơ chế răn đe lẫn nhau

Trung Quốc ý thức rõ về tiềm năng chiến đấu của quân đội Ấn Độ ngày nay. Họ đã thấy quân đội Ấn Độ phát triển thành một thành tố tin cậy và có năng lực của sức mạnh quốc gia ở khu vực Himalaya kể từ cuộc xung đột Trung-Ấn vào năm 1962. Quân đội hai nước đã huấn luyện cùng nhau trong nhiều năm để phát triển năng lực tác chiến chung trong hỗ trợ nhân đạo, cứu hộ thảm họa, và chống khủng bố.

Việc hiểu rõ sức mạnh quân sự của nhau góp phần tạo sự răn đe đối với nhau vì mỗi bên đều nhận thức được những hậu quả khủng khiếp nếu để xung đột nổ ra. Ban lãnh đạo hiện nay của Ấn Độ đã bày tỏ xu hướng sử dụng vũ lực nếu bị khiêu khích. Quân nhân Ấn Độ đã được tôi luyện nhiều thông qua các cuộc đụng độ phức tạp ở khu vực Jammu và Kashmir.

New Delhi đã không chỉ tham gia cùng cộng đồng quốc tế điều tra về nguồn gốc và sự lan truyền của đại dịch Covid-19 mà còn chặn việc tự động phê duyệt các khoản đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc.

Quan hệ đối tác chiến lược ngày càng được tăng cường giữa Ấn Độ và Mỹ là một yếu tố khó chịu khác đối với Bắc Kinh.

Các tuyên bố hòa giải do Đại sứ quán Trung Quốc ở New Delhi và Cục Ngoại vụ ở Bắc Kinh đưa ra phản ánh mong muốn của Bắc Kinh muốn tháo ngòi các căng thẳng ở biên giới.

Tuy nhiên, chưa có tiến bộ nào trên thực địa. Việc sớm giải quyết vướng mắc ở vùng biên Ấn-Trung có thể gặp khó khăn do Ấn Độ quyết tâm phát triển hạ tầng biên giới trên lãnh thổ của mình. Đây là vấn đề song phương, không có chỗ cho sự can thiệp của bên thứ 3. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bác bỏ đề xuất làm trung gian của Mỹ.

Xung đột trong khu vực là một điều khó xảy ra trong tương lai gần. Nhưng Ấn Độ vẫn cần phải phát triển năng lực quân sự để răn đe nước ngoài xâm lăng, và giành chiến thắng nếu chiến tranh nổ ra. Ấn Độ cần dựa vào sức mạnh nội sinh thay vì nước ngoài. Trong bối cảnh đang trỗi dậy thành một cường quốc lớn, Ấn Độ phải có “cây gậy lớn” của riêng mình.

Nhưng để có được các thành tích kinh tế và địa chiến lược lớn hơn, thì câu trả lời cho Ấn Độ vẫn là giải pháp hòa bình. Vẫn có đủ chỗ trên thế gian này cho hai nước lớn của châu Á (Ấn Độ và Trung Quốc – ND) cùng phát triển./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại