"Nước là vàng trắng"
Bất chấp việc các ngôi sao Bollywood và giới chính trị đã kêu gọi người Ấn Độ rửa tay để phòng chống lây nhiễm virus corona, hành động đơn giản này là điều không tưởng đối với những người dân sống ở khu ổ chuột như cô Bala Devi trong những đợt nắng nóng mùa hè.
Cô Devi, người phụ nữ góa chồng 44 tuổi cùng với 8 người trong gia đình nằm trong số hàng chục triệu người Ấn Độ đang phải trải qua những tháng thời tiết khắc nghiệt, không được ra khỏi nhà vì lệnh phong tỏa trong khi nhà lại không có nước để tắm rửa và làm mát.
"Trời nóng quá, bọn trẻ con cứ đòi uống nước. Đến nước để uống còn không đủ thì lấy đâu ra nước để rửa tay? Mỗi giọt nước là một thứ xa xỉ đối với chúng tôi. Chúng tôi phải tiết kiệm từng chút một nên không dùng để tắm rửa được", cô Devi nói với phóng viên AFP trong ngôi nhà chật chội ở thủ đô New Delhi, bên cạnh lũ trẻ con lem luốc vì không được tắm rửa.
Bên ngoài trời nhiệt độ khoảng 45 độ C nhưng trong ngôi nhà chỉ có 1 phòng ngủ của cô, tất cả thành viên chỉ trông chờ cơn gió mát vào chiếc quạt trần chạy lờ đờ.
Khu vực ổ chuột của Devi đã được lắp đặt đường ống nước nhưng nguồn cung cấp nước rất thất thường. Mỗi khi dùng máy bơm để hút nước ngầm, thì máy bơm toàn chạy không vì không có nước. Gia đình cô Devi sử dụng nhà vệ sinh công cộng và "phòng tắm" của họ được dựng nên bằng 1 tấm rèm và chỉ có một xô nước.
"Nếu chúng tôi không thể tắm rửa thì chỗ nào cũng bẩn thỉu. Rõ ràng, chúng tôi sẽ dễ nhiễm bệnh hơn nhưng chúng tôi có thể làm gì khác được cơ chứ?" người hàng xóm của Devi, anh Anita Bisht, nói.
"Con của tôi đã có đứa bị ốm rồi," cô Devi nói thêm khi đang bế 1 đứa con trên tay.
Nắng nóng cực đoan
Ngay cả trước đại dịch COVID xảy ra, các khu ổ chuột tại các thành phố Ấn Độ đã đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng.
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã coi việc xây dựng cơ sở hạ tầng về nước sạch cho người dân là ưu tiên chính. Ông cam kết đến năm 2024, 145 triệu hộ gia đình của nước này sẽ được dùng nước sạch. Nhưng hiện tại, khoảng 1/3 trong số 1,3 tỷ người dân của đất nước đông dân đứng thứ 2 thế giới đã phải cắt giảm việc tắm rửa và giặt giũ vì thiếu nước sạch.
Nước là một thứ xa xỉ ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Trong những tháng cao điểm mùa hè, chính phủ có điều động những chiếc xe ô tô chở nước cung cấp cho các khu vực thiếu nước, nhưng các vụ ẩu đả tại chỗ đợi lấy nước thường xuyên diễn ra.
Năm ngoái, thành phố Chennai đã hoàn toàn cạn nước. Các đợt nắng nóng đang gia tăng tần suất và tuần này, nhiệt độ đã tăng cao lên mốc 50 độ C ở phía tây bang Rajasthan. Một số khu vực tại thủ đô Delhi đã ghi nhận nhiệt độ tháng 5 nóng nhất trong gần 2 thập niên qua.
Theo số liệu của chính phủ Ấn Độ, khoảng 3.500 người dân thiệt mạng vì sốc nhiệt kể từ năm 2015. Đó là chưa kể, ở các vùng nông thôn còn chứng kiến tình trạng người nông dân tự sát vì mất mùa do hạn hán.
Mặc dù mức thu nhập đã tăng lên trong những năm qua đã giúp nhiều người có đủ tiền mua điều hòa. Tuy vậy, hiện tại chỉ có khoảng 7% hộ gia đình Ấn Độ lắp điều hòa tại nhà. Ông Tarun Gopalakrishnan, cán bộ Trung tâm tư duy khoa học và môi trường, cho biết Ấn Độ sẽ còn phải trải qua nhiều đợt nắng nóng trong thời gian tới.
"Việc chúng ta nhìn vào nhiệt độ trung bình theo mùa khiến chúng ta không nhìn thấy bức tranh toàn cảnh.Chúng ta sẽ không nhận ra rằng các hình thái thời tiết cực đoan đang gia tăng, gây ra nhiều biến động lớn trong xã hội", ông Tarun nói với hãng AFP.
Nỗi lo COVID-19
Lệnh phong tỏa toàn quốc để giảm bớt sự lây lan của dịch COVID đang dần được nới lỏng nhưng những biện pháp giãn cách xã hội đang gây ra nhiều khó khăn cho người dân Ấn Độ trong thời tiết nắng nóng khủng khiếp. Tại thủ đô Delhi, một thành phố rộng lớn với 20 triệu dân, nhu cầu về nước vượt xa nguồn cung ước tính khoảng 760 triệu lít mỗi ngày.
Việc người dân hàng ngày phải chờ đợi xe tải nước đã trở thành 1 nỗi thống khổ kể từ khi đại dịch COVID tấn công thành phố. Xếp hàng nhiều giờ với xô nhựa và chai, cư dân trong khu ổ chuột giờ đây còn phải phải đứng cách nhau để tránh lây bệnh. Đó là chưa kể, không ai biết ngày hôm đó xe chở nước có đến theo lịch trình không.
Anh Lakhpat, một người dân của khu định cư ổ chuột Sanjay Niwas, cùng với hàng chục người khác mới đây đã mất công đứng đợi xe chở nước trong hơn 2 tiếng mà vẫn ra về với những cái can trống rỗng.
"Do thiếu nước nên chúng tôi không thể tuân theo các quy tắc giãn cách xã hội được. Mỗi khi xe chở nước tới, chúng tôi đều lao đến chỗ vòi nước nhanh nhất để có thể lấy được nhiều nước nhất có thể", anh Lakhpat nói.