Trong phiên làm việc sáng 20/11, với 435/453 đại biểu tán thành, 9 đại biểu không tán thành và 9 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được nâng lên 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam giới.
Phương án 1: Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.
Phương án 2: Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Với lộ trình nhanh hơn, đến năm 2026 lao động nam sẽ đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo Phương án 1 về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60. Bên cạnh đó, cũng có một số đại biểu đồng ý với Phương án 2, cho rằng việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của Việt Nam trong tương lai sẽ tương đương với mặt bằng chung của các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, mức tuổi nghỉ hưu này vẫn chưa phải là cao so với thế giới.
Tuổi nghỉ hưu ở Trung Quốc hiện là 60 đối với nam và 55 đối với nữ công chức và 50 đối với lao động nữ phổ thông. Đến năm 2038, sẽ có tuổi nghỉ hưu sẽ là bằng nhau cho phụ nữ và nam giới ở mức 67.
Ở Nhật Bản hiện nay, tuổi nghỉ hưu được tính là 65 tuổi cho cả nam và nữ. Tuy nhiên tỷ lệ sinh ngày càng thấp cùng với tình trạng già hóa dân số diễn biến nhanh, khiến nước này đang phải đối phó với vấn đề thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Chính phủ Nhật Bản đang tính toán tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo quỹ bảo hiểm xã hội. Năm ngoái, một nhóm các bác sĩ Nhật Bản đề xuất chính phủ nâng tuổi nghỉ hưu lên tới 75 tuổi, nhưng chưa có thông báo chính thức nào về việc tăng tuổi hưu ở Nhật.
Mặt bằng chung độ tuổi nghỉ hưu ở các quốc gia phương Tây là khá cao, đa phần là 65 tuổi đổ lên. Ở các quốc gia thành viên EU, tuổi nghỉ hưu phổ biến nhất là 65 tuổi. Tây Ban Nha, Đức và Pháp sắp tăng tuổi nghỉ hưu từ 65 lên 67 tuổi, trong khi mục tiêu tuổi hưu tương lai của ở Anh và Ireland là 68 tuổi.
Càng ngày tuổi nghỉ hưu càng liên kết chặt chẽ với tuổi thọ trung bình. Ngoài Phần Lan, cơ chế tuổi hưu theo tuổi thọ có sẵn ở Síp, Đan Mạch, Estonia, Hy Lạp, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Slovakia. Cũng tại Anh, sau khi tăng tuổi hưu một cách cơ học, tuổi nghỉ hưu cũng sẽ được điều chỉnh tăng dần tuổi thọ.
Đa phần, những thay đổi về tuổi nghỉ hưu dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2030.
Ở một số quốc gia, tuổi nghỉ hưu là khác nhau giữa nam và nữ. Trong trường hợp đó, phụ nữ có tuổi nghỉ hưu thấp hơn. Theo quy định ở nhiều nước, khi tuổi nghỉ hưu tăng lên theo lộ trình, tuổi hưu của phụ nữ sẽ giống như nam giới.