Mọi người đã quen với những câu chuyện nhảy việc của gen Z, chuyển việc 3 - 4 lần chỉ trong vòng một năm. Nhưng đối với lứa tuổi trung niên, nghề nghiệp dường như đóng vai trò định hình, tạo nên danh tính, nhận diện của mỗi người, chính vì thế, quyết định thay đổi công việc cũng giống như cho mình một danh tính mới, và hiển nhiên, điều đó không hề dễ dàng.
Đây là 4 lầm tưởng về việc thay đổi nghề nghiệp ở tuổi trung niên khiến nhiều người tuổi 40 vẫn mãi trong vòng luẩn quẩn:
1. Nhảy việc chỉ dành cho giới trẻ
Câu nói "Tuổi tác chỉ là một con số" hoàn toàn phù hợp trong hoàn cảnh này.
Con người thường có những mong muốn và tham vọng khác nhau ở mỗi độ tuổi. Ngay từ ngày bé, chúng ta đã được dạy về những giai đoạn của cuộc đời: hoàn thành chương trình đại học ở tuổi 22, có một công việc ổn định ở tuổi 25, kết hôn ở tuổi 28, sinh con ở tuổi 30, xây nhà riêng ở tuổi 40, và nghỉ hưu ở tuổi 60. Nhưng mọi người lại bỏ qua một điều hiển nhiên rằng mỗi cá nhân sẽ bằng cách khác nhau, đạt được những điều đó vào thời điểm khác nhau.
Harland David Sanders, nhà sáng lập "đế chế" gà KFC
Harland David Sanders, từng là một đại tá trong quân đội Mỹ, ông đã xây dựng "đế chế" gà rán KFC lừng danh ở tuổi 65. Tương tự, Arianna Huffington đã thành lập trang tin tức nổi tiếng The Huffington Post ở tuổi 55.
2. Thay đổi công việắt đầu lại từ đầu
Khi mọi người mường tượng đến việc thay đổi nghề nghiệp, điều thực sự khiến họ sợ hãi là ý nghĩ phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Nhưng không hẳn vậy, nhảy việc ở tuổi 40 đồng nghĩa rằng bạn đã đi qua một hành trình dài, tích lũy được nhiều kỹ năng, kinh nghiệm. Tất cả những gì bạn phải làm là xác định lại và điều chỉnh chúng cho phù hợp với vai trò, lĩnh vực công việc mới mà bạn muốn tham gia.
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn: làm việc tương tự vị trí hiện tại trong một lĩnh vực mới hoặc thử một vị trí mới trong lĩnh vực hiện tại. Chỉ cần nhớ rằng, số năm kinh nghiệm của bạn sẽ luôn được nhà tuyển dụng đánh giá cao, bất kể bạn ở trong vào lĩnh vực nào. Hơn nữa, thế giới hiện đại ngày nay cho phép bạn có nhiều hơn những cơ hội để nâng cao, học hỏi thêm kiến thức mới, miễn là bạn đủ sẵn sàng và đam mê.
3. Rủi ro về tài chính
Một trong những lý do chính khiến mọi người do dự trước việc thay đổi nghề nghiệp ở tuổi trung niên là vấn đề tiền bạc. Nhưng khoản tiền lương khổng lồ cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Dù vậy, bạn vẫn nên có một kế hoạch tài chính hợp lý trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến công việc. Hãy dự đoán trước những khoản chi mà bạn cần sử dụng đến trong khoảng thời gian tìm việc mới hoặc chờ cho công việc mới ổn định.
Hãy đảm bảo khoản tiền dự phòng đó đủ cho ít nhất ba đến bốn tháng. Đây cũng là một cơ hội tốt để bạn học cách loại bỏ những chi phí không cần thiết, chi tiêu và sinh hoạt hợp lý hơn.
4. Mỗi bước đều phải được lên kế hoạch chi tiết
Bạn nên lập kế hoạch cho những dự định của bản thân, đặc biệt là công việc, nhưng bạn không cần một kế hoạch quá tỉ mỉ, chi tiết. Bởi rằng mọi thứ luôn thay đổi, từ suy nghĩ của bạn cho tới môi trường xung quanh, do đó việc bạn có thể đi chệch khỏi "bản đồ" là điều khó tránh khỏi. Nhưng hãy cứ yên tâm và đón nhận những điều bất ngờ, bạn chỉ cần tạm dừng lại một chút và điều chỉnh bước tiến tiếp theo của mình. Với việc hoàn thành từng bước nhỏ và sự kiên trì nỗ lực, chắc chắn bạn sẽ sớm đạt được mục tiêu của bản thân.
Nhảy việc ở tuổi trung niên có thể khó khăn, nhưng không phải là không thể. Hãy coi đây là một cơ hội tốt giúp bạn nhìn nhận lại khả năng, năng lực của bản thân và đưa ra những định hướng, mục tiêu cho tương lai. Ngày nay, có rất nhiều chuyên gia, nhà tư vấn nhân sự, nghề nghiệp có thể giúp đỡ bạn, mọi chuyện trở nên đơn giản hơn, nhưng quan trọng nhất vẫn là nhận thức, nội tại từ chính bạn.