Trẻ có thể bị bỏng ở những nơi bạn không ngờ đến
Sự việc trên diễn ra tại bờ biển The Strand, thuộc thành phố Townsville, bang Queensland, Úc.
Jackson – cậu bé đáng thương trong câu chuyện đã được mẹ dẫn đến đây để thăm gia đình người thân và chơi với em họ của mình hôm 29/1.
Thế nhưng chuyến đi chơi vui vẻ của Jackson đã phải kết thúc trong những giọt nước mắt khi cậu bé chạy vào khu vực được trải thảm cao su tại một sân chơi nằm bên cạnh bờ biển với đôi chân trần trong khi nhiệt độ ngoài trời lúc này lên đến 32oC.
Cậu bé Jackson đã bị bỏng cấp độ 2 ở lòng bàn chân sau khi đi chân trần lên tấm thảm cao su đặt bên trong một sân chơi dành cho trẻ ở bang Queensland, Úc
Sau khi sự việc xảy ra, Jessica Mead – mẹ của cậu bé viết đã trên blog cá nhân của mình rằng: "Tôi đã đặt Jackson xuống bãi cỏ để thằng bé chơi với xe scooter, nhưng chỉ một giây sau thằng bé lại chạy ra ngoài sân chơi và khóc thét lên ngay sau đó."
"Thằng bé không hề mang giày và mặt thảm thì nóng như lửa đốt. Thay vì phải chạy đi nơi khác ngay lập tức, nhưng vì vẫn là một đứa trẻ nên thằng bé chỉ biết đứng im tại chỗ và khóc thét lên, đôi chân gần như bị dính chặt vào trong thảm"
Jessica Mead, 29 tuổi - mẹ của cậu bé đã ngay lập tức bế cậu bế ra khỏi tấm thẩm và sau đó đổ nước lên chân cậu bé để làm dịu vết bỏng
Mead đã ngay lập tức chạy đến bế Jackson lên, đưa cậu bé vào một bóng râm gần đó và đổ nước lên bàn chân để làm dịu vết thương.
"Tôi bế thằng bé đến một bóng râm gần đó và ngay lập tức đổ nước lên bàn chân của Jackson. Sau đó tôi đưa đồ ăn cho bé để dỗ dành, giúp con nín khóc nhưng chỉ được giây lát thằng bé lại tiếp tục gào khóc dữ dội"
"Tôi nhìn vào đôi bàn chân của thằng bé và thấy một bàn chân đã phồng rộp. Điều này lí giải tại sao thằng bé cứ khóc mãi không ngừng. Tôi chạy đến một vòi nước gần đó và đặt bàn chân của con bên dưới vòi nước một lúc nhưng vẫn không thể dỗ được con."
Bác sĩ cho biết cậu bé Jackson bị bỏng ở cấp độ 2
Trong suốt khoảng thời gian còn lại trong ngày, Mead đã giữ Jackson trong hồ bơi của gia đình để làm mát cho cậu bé trong lúc chờ bác sĩ của gia đình đến.
Sân chơi dành cho trẻ bên bờ biển The Trand, thành phố Townsville, Queensland, - nơi xảy ra sự việc
Khi đến nơi, nhìn thấy vết bỏng trên chân Jackson, bác sĩ cho rằng cậu bé chỉ bị bỏng ở cấp độ 1. Tuy nhiên, khi khám lại một lần nữa và nhìn thấy những bọng nước trên bàn chân của Jackson vào ngày hôm sau, ông đã đi đến kết luận cậu bé bị bỏng ở cấp độ hai - một cấp độ khá nghiêm trọng.
Mead nói rằng cô cảm thấy mình là một bà mẹ tồi khi đã để con trải qua nhiều đau đớn như thế. Nhưng quan trong hơn đây sẽ là bài học để cô cùng như các bà mẹ khác chú ý hơn nữa trong việc bảo vệ an toàn cho các con của mình.
"Tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc. Những đứa bé khác chạy vào sân chơi nhưng đều không sao cả, còn Jackson lại chạy đúng vào phần nóng nhất."
Sau khi được điều trị, cậu bé đã bình phục, vết bỏng trên chân đã hoàn toàn lành lại
"Lần đầu tiên làm mẹ, không có nhiều kinh nghiệm nhưng tôi ý thức được rằng mọi chuyện xảy ra rất nhanh. Chỉ 10 giây thôi mà đứa con trai bé bỏng của tôi lại phải chịu nhiều đau đớn như thế". Mead chia sẻ.
Năm ngoái, ở Anh cũng diễn ra một sự việc tương tự. Theo đó, cô bé Eva Carrington – 1 tuổi trong lúc chơi cầu trượt tại một công viên cùng bố mẹ và chị gái đã bị bỏng nặng ở cả hai bàn tay.
Bé Eva Carrington nhập viện điều trị trong tình trạng phỏng nặng ở hai tay sau khi chạm vào miếng kim loại nóng trong lúc chơi cầu trượt tại công viên cùng gia đình
Nguyên nhân là do cô bé đã vô tình chạm phải miếng kim loại trong cầu trượt khi đó đang ở nhiệt độ lên đến 51oC.
Sau khi sự việc xảy ra, bố mẹ Eva đã ngay lập tức đưa cô bé đến bệnh viện để điều trị với hai bàn tay sưng phồng, đầy bọng nước. Nhờ được chữa trị kịp thời nên vết thương của Eva hồi phục nhanh và không để lại di chứng.
Nhưng có lẽ những trường hợp như cô bé Eva hay cậu bé Jackson sẽ là một bài học, một lời nhắc nhở cho các bậc phụ huynh nên chú ý hơn nữa trong việc bảo vệ sự an toàn cho con mình.
Phụ huynh cần lưu ý
Bỏng là tai nạn rất thường gặp ở trẻ. Trẻ có thể bị bỏng ở mọi nơi, mọi lúc nếu bạn lơ là, chủ quan từ bỏng nhiệt do nước sôi, bô xe máy, ngã vào bếp lửa; bỏng điện do nghịch phá các ổ điện trong nhà cho đến bỏng hóa chất, bỏng bức xạ, thậm chí là cả bỏng nắng.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý bảo vệ con mình khỏi bỏng từ trong nhà cho đến cả khi ra đường.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Hải, khoa Bỏng- Chỉnh hình bệnh viện Nhi Đồng 2, khuyến cáo phụ huynh nên cẩn trọng, không để trẻ có cơ hội tiếp xúc với các thiết bị phát lửa hoặc nhiên liệu dễ cháy như xăng, dầu, cồn…
Phải cho trẻ mang đủ giày dép, quần áo để đảm bảo trẻ không bị bỏng nắng. Hãy kiểm tra kĩ nơi chơi đùa của con để đảm bảo trẻ không chạm phải những vật quá nóng hay sắc nhọn có thể làm trẻ bị thương trong lúc chơi đùa.
Trong trường hợp trẻ bị bỏng phải sơ cứu vết bỏng đúng cách trước khi nhập viện. Đã có nhiều trường hợp người lớn không biết cách sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách làm vết bỏng bị biến chứng, bị nhiễm trùng nặng hơn.
Khi trẻ bị bỏng cần sơ cứu theo các bước sau:
Bước 1: Đưa trẻ ra khỏi nơi gây bỏng, trấn an tinh thần bé. Đặc biệt chú ý không được để trẻ chạm vào vết bỏng, tránh làm bong tróc phần da bị bỏng để hạn chế nhiễm trùng.
Bước 2: Ngâm vùng bị bỏng vào nước lạnh và sạch để làm dịu vết bỏng. Không tự ý dùng thuốc bôi hay các loại lá dân gian, nước mắm, kem đánh răng để thoa lên vùng bị bỏng vì như thế dễ dẫn đến nhiễm trùng, làm vết bỏng nghiêm trọng thêm.
Bước 3: Cởi, cắt bỏ quần áo cũng như tháo trang sức, giày dép ở vùng bị phỏng ra để tránh những vật này dính vào vết bỏng gây đau rát. Nếu quần áo dính chặt vào vết bỏng, không nên cố gỡ bỏ mà nên tiếp tục ngâm trong nước lạnh để quần áo tự bung ra.
Bước 4: Tiếp tục làm mát vết thương trong vòng 20 phút. Quan sát phân loại vết bỏng để quyết định đưa trẻ đến bệnh viện hay điều trị tại nhà.