Từng nợ tới 125.000 USD thời sinh viên, Shark Linh chia sẻ 1 trong 5 nguyên tắc tự chủ tài chính: Hãy trả lương cho mình trước khi trả nợ!

Nhật Anh |

Đây là những nguyên tắc giúp Shark Linh tối ưu hóa chi tiêu, trả hết khoản nợ 125.000 USD Mỹ sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn có đủ nguồn lực để phát triển bản thân.

Đây là những nguyên tắc giúp Shark Linh tối ưu hóa chi tiêu, trả hết khoản nợ 125.000 USD Mỹ sau khi tốt nghiệp nhưng vẫn có đủ nguồn lực để phát triển bản thân.

Từng nợ tới 125.000 USD thời sinh viên, Shark Linh chia sẻ 1 trong 5 nguyên tắc tự chủ tài chính: Hãy trả lương cho mình trước khi trả nợ! - Ảnh 1.

Từng là Giám đốc Chiến lược và vận hành của VinaCapital, lại nhiều lần ngồi ghế "cá mập" trong Shark Tank Việt Nam nhưng ít ai biết, Shark Thái Vân Linh là người có tuổi thơ nghèo khó.

Tham dự trong chương trình The Quoc Khanh Show, Shark Linh kể rằng từ 7, 8 tuổi chị đã phải tự đi bán kẹo để kiếm tiền mua những đồ mình thích. Vì hồi đó, gia đình chị rất khó khăn và câu nói phổ biến cha mẹ nói với con cái chính là "thích thì tự kiếm tiền mà mua".

"Trải nghiệm đó giúp Linh hình thành quan điểm tự chủ tại chính rất quan trọng. Tự chủ tài chính theo Linh định nghĩa là mình có thể làm bất cứ việc gì trong cuộc sống mà không cần để ý tới tài chính.

Linh bắt đầu nghĩ vậy từ lúc chưa có tiền, chứ đợi đến lúc có tiền mới nghĩ tới tự chủ tài chính thì biết khi nào là có tiền. Mình cần thay đổi tư duy trước khi muốn đạt một mốc nào đó, như vậy thì mình mới vươn tới mốc đó được", Shark Linh lý giải.

Thời kỳ học đại học, dù có học bổng và một số nguồn thu bên ngoài nhưng Shark Linh vẫn phải vay 25.000 USD trong 4 năm. Sau đó, chị lại vay thêm 100.000 USD để tiếp tục học thạc sĩ trong hai năm.

"Thời điểm đó, số tiền này đủ mua một căn nhà và lớn đến mức tôi không thể tưởng tượng làm cách nào mình có thể trả hết nợ. Tôi tính toán chi ly từng đồng, thậm chí cuối tháng không còn dư nổi một đồng để mua ly cà phê", Shark Linh nhớ lại.

Tuy nhiên, chính giai đoạn nợ nần này đã giúp vị nữ cá mập tìm ra 5 nguyên tắc tự chủ tài chính quan trọng cho bản thân mình.

Nguyên tắc 1: Trả lương cho bản thân trước khi trả nợ

Với khoản nợ 125.000 USD, Shark Linh đã phải làm việc cật lực và gần như không có tiền tiết kiệm. Sau đó chị rút ra bài học bản thân mình luôn quan trọng nhất và cần ưu tiên "trả lương" cho bản thân trước tiên. Đây cũng là cách để tạo động lực tiếp tục làm việc và kiếm thêm nguồn thu khác trong tương lai.

"Khi mình trả bản thân trước, số tiền còn lại không đủ trả hết nợ thì đó sẽ là động lực để mình tiếp tục làm việc thêm vì ai cũng hiểu, để người ta đòi nợ nhiều lần rất phiền. Nếu không có động lực, bạn sẽ sa vào xem Youtube, Facebook, coi truyền hình,... Tất nhiên nếu trả được hết thì cố gắng trả nhưng ý Linh là khi có tiền, đừng nghĩ nợ là khoản ưu tiên hàng đầu, bản thân mình quan trọng nhất".

Nguyên tắc 2: Tiết kiệm

Sau khi đã "trả lương" cho bản thân, Shark Linh sẽ dùng một phần thu nhập để trả nợ, một khoản tiết kiệm khác chia vào 3 phần nhỏ hơn là dự phòng sự cố, vui chơi giải trí và đầu tư.

Tuỳ theo mức độ ưu tiên vào mỗi thời điểm mà tỷ trọng các phần tiết kiệm được điều chỉnh linh động. Việc chia trứng vào nhiều rổ và linh hoạt mang đến cho chị cảm giác số tiền tích lũy có giá trị, hữu dụng cho nhiều mục đích.

Từng nợ tới 125.000 USD thời sinh viên, Shark Linh chia sẻ 1 trong 5 nguyên tắc tự chủ tài chính: Hãy trả lương cho mình trước khi trả nợ! - Ảnh 2.

Nguyên tắc 3: Đầu tư vào phát triển bản thân

Nhiều người nghĩ tốt nghiệp đại học là kết thúc, nhưng Shark Linh cho rằng điều này không đúng vì việc trau dồi kiến thức và mở rộng mối quan hệ luôn cần thiết cho sự nghiệp. Vị nữ cá mập cho biết đây là lý do chị luôn ưu tiên một phần số tiền kiếm được để phát triển bản thân.

Theo Shark Linh, nguyên tắc này rất quan trọng, nhưng phần lớn bị giới trẻ bỏ qua vì các khóa học, sự kiện... để bổ túc kiến thức thường tiêu tốn số tiền không nhỏ và tương đối khó cảm nhận hiệu quả tức thì.

Nguyên tắc 4: Tìm kiếm nguồn doanh thu khác

Theo Shark Linh, một trong những thứ dễ gây nghiện nhất sau khi ra trường chính là lương. Khoản tiền này ổn định, nhưng đến thời điểm phù hợp thì chị quyết tâm "cai nghiện" bằng việc thử kinh doanh hoặc làm những công việc bản thân yêu thích mà không nghĩ đến tài chính.

"Không có lựa chọn nào màu hồng để đạt trạng thái tự chủ tài chính. Tất cả đều phải hi sinh hoặc đánh đổi bằng vốn liếng hoặc thời gian", Shark Linh nói và dẫn chứng khi mới ra trường, chị cũng từng kinh doanh mắt kính, túi đựng golf... nhưng đều thất bại.

Dù vậy, doanh nhân này khuyên giới trẻ luôn suy nghĩ và bắt tay thực hiện ngay khi cảm thấy những ý tưởng kinh doanh mới khả thi. Không nhất thiết phải khởi nghiệp hay có công ty riêng để làm ông bà chủ, mỗi người àm thêm vào các dịp cuối tuần, làm vào ban đêm, hay bán hàng online. Thu nhập từ những công việc bán thời gian thường đóng góp không nhỏ để tự chủ tài chính.

Nguyên tắc 5: Đầu tư sinh lời

Một cách khác để các quyết định trong tương lai không bị lệ thuộc vào tiền bạc là đầu tư sao cho bản thân không cần tham gia mà vẫn sinh lời. Shark Linh đánh giá hiện nay có nhiều hình thức đầu tư phù hợp cho người ít vốn như đầu tư chứng khoán, góp vốn cùng bạn bè theo kiểu nhà đầu tư thiên thần.

"Nhưng tôi luôn nhắc bản thân rằng, ranh giới giữa đầu tư và cờ bạc rất mong manh. Cờ bạc phụ thuộc vào vận may, không biết thắng thua lúc nào, còn đầu tư là vận dụng kiến thức và kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro tài sản bị vơi mất", Shark Linh nói.

Từ đó, vị cá mập chia sẻ nguyên tắc để hạn chế rủi ro khi đầu tư, chị chỉ rót tiền vào những gì mình hiểu sâu sắc vì không thể chiến thắng nếu đầu tư bằng cảm tính và không nắm rõ vấn đề.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại