Nhiều người kiếm ra tiền nhưng thường rơi vào cảnh "chẳng biết tiền đi đâu" vì không biết quản lý tiền bạc hoặc tiêu xài phung phí. Nhưng đối với Hà Giang (26 tuổi, Hòa Bình) chưa từng một lần rơi vào hoàn cảnh nợ nần hay thiếu tiền dù thu nhập có bao nhiêu. "Mình đã trải qua 3 giai đoạn thu nhập: Thấp và không có tiết kiệm - Trung bình kèm tiết kiệm ít - Cao kèm tiết kiệm tốt. Nhưng trong quá trình thay đổi về mức lương, mình chưa bao giờ phải trải qua cảm giác nợ bất cứ ai đồng nào. Với mình, dù có phải ở nhà thuê mà dột, cũng còn hơn phải vay mượn người khác!"
Luôn sống trong mức thu nhập của chính mình
"Kiếm được bao nhiêu không quan trọng" chỉ là cái cớ để hài lòng với sự cố gắng hiện tại của bản thân. Còn riêng với Hà Giang, quan điểm của cô nàng về chuyện này lại khác: Kiếm được bao nhiêu rất quan trọng - nó là tiền đề. Có tiền trước rồi mới có cái để tiết kiệm hoặc quản lý. Đơn cử như hồi ra trường nhận việc với mức lương cứng chỉ 5 triệu đồng/ tháng, Giang chỉ lo làm sao cho đủ sống: "Mình khi đó chỉ quan tâm một việc làm sao cân đo đong đếm đủ cho những ngày tháng sống ở Hà Nội."
Tâm lý chung của nhiều người khi cảm thấy thiếu tiền sẽ có phản ứng tiết kiệm cái này cái kia. Nhưng ngược lại nó chỉ làm tiêu tốn thời gian và giảm hiệu quả làm việc. Giang chia sẻ: "Tốt nhất đừng để bản thân dính vào cái bẫy này. Thời gian và hiệu quả phải đi trước." Chính vì thế, chỉ sau 2 năm ở nhà thuê chật chội, chạy xe điện đi làm thì Giang đã thành công nâng mức sống của mình lên. Thu nhập lúc này của cô nàng cũng chạm mốc 15 triệu đồng/ tháng, ngoài ra còn nhận được phụ cấp ăn trưa và tiền xăng xe.
Học cách quản lý tài chính dù thu nhập bao nhiêu. (Ảnh minh họa)
Đây chính là thời điểm cô nàng bắt đầu rõ ràng hơn trong việc quản lý chi tiêu. "Nếu trước đó mình chỉ tiêu làm sao cho đủ, thì bây giờ phải tìm cách tiêu làm sao cho dư." Thu nhập hiện tại không phải con số quá cao, nhưng đủ để Giang có khoản tiết kiệm đầu tiên của mình.
Cô nàng dọn sang nhà thuê khoảng 2,5 triệu đồng/ tháng để không phải chịu cảnh "cứ trời mưa thì cả đêm không ngủ được vì dột". Giang kể: "Lúc đi học thì mình ở ký túc của trường. Sau này tốt nghiệp mình buộc phải dọn ra ngoài ở và thuê trọ. Tiền lương kiếm được hạn chế, mình chọn thuê nhà xa để bớt tiền. Một phòng nhỏ chỉ hơn 10m2, trần tường khá ấm thấp nếu mùa mưa. Khi nào mưa rào hoặc có bão thì còn dột. Tránh đâu cũng không được nên mình đành thức gần cả đêm. Trong những ngày tháng đó, mình luôn tự nhủ phải tìm cách rời khỏi đây càng sớm càng tốt."
Thu nhập tăng lên thì Giang cũng mạnh dạn hơn trong chuyện chi tiêu. Nhưng đây vẫn là một con số nằm trong khuôn khổ - chỉ dưới 30% tiền lương cho nhà trọ, ăn uống, đi lại và nhu cầu cơ bản. Ước mơ của cô nàng 24 tuổi khi đó là mua được chiếc xe máy để tiện di chuyển. 20% tiền lương gửi về nhà và 50% còn lại để dành dụm thực hiện mục tiêu này.
Người có nỗ lực và mục tiêu thì kiểu gì cũng có thành tựu. Hà Giang ở tuổi 26 đã có mức thu nhập cao (cô nàng nhận định so với năng lực của bản thân). Chiếc xe máy trong mơ cũng đã có. Ngoài ra, Giang còn có khả năng gửi về nhà và tiết kiệm được một con số tương đối tốt.
Trong trường hợp của Hà Giang, chúng ta có thể nhận rõ được một điều: Mức sống có thể thay đổi theo thu nhập, nhưng luôn phải biết kiềm chế và kiểm soát chi tiêu của bản thân.
Tận dụng lợi thế về tài chính "tương lai"
Ngoài việc biết chi tiêu tiết kiệm, Hà Giang còn có những mẹo nhỏ trong việc quản lý tài chính cá nhân. Giang cho biết: "Đây là cách mình tận dụng tài chính tương lai để không có khoản nợ nào ở hiện tại." Nhưng cô nàng cũng đưa ra lời nhắc nhở: Chỉ khuyến cáo dùng với những người kỷ luật và nghiêm túc với mục tiêu của bản thân.
Sử dụng thẻ tín dụng để không vay tiền bạn hoặc "xót ví" khi mua sắm
Hà Giang bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng sau khoảng 3 năm đi làm. "Ban đầu mình cũng không muốn sử dụng các phương án tài chính thế này vì thấy như đang mắc nợ. Nhưng bạn bè và đồng nghiệp mình dùng và nhận được nhiều ưu đãi. Riêng bạn thân mình xài tín dụng với tiêu chí: Không cần đụng vào lương - Không phải vay bạn bè để chi tiêu là được, và điểm số tích lũy đến nay vẫn tăng đều vì nó luôn trả đúng hạn. Điều này cũng tiện hơn đối với những ai muốn gia tăng khoản tiền tiết kiệm và thời gian gửi. Mình học cách dùng thẻ tín dụng như phương án gia tăng tích lũy. Thường thì sau 30 - 45 ngày dùng thẻ mình mới cần thanh toán. Vậy nên có lương thì mình thường gửi trước phần tiết kiệm và chi tiêu vào ngân hàng trước. Sau đó sử dụng thẻ tín dụng thanh toán để nhận các khuyến mãi và không có cảm giác xót tiền khi tiêu trực tiếp vào lương."
Giang duy trì liên tục trong nhiều năm liền bằng sự kiên trì, rõ ràng và kỷ luật trong việc chi tiêu. Đây là khoản tiền "tương lai" mà bạn có thể xem xét sử dụng để tạo ra lợi thế về tài chính cho bản thân mình.
Tận dụng lợi thế của tài chính "tương lai". (Ảnh minh họa)
Đầu tư vào thời gian hiệu suất làm việc
"Dù có thiếu tiền ăn thì mình cũng không ngừng đầu tư cho bản thân" - Đây là quan điểm khiến Giang gia tăng thu nhập nhanh chóng. Thời điểm bắt đầu có dư, Giang cho biết trước khi đạt được thu nhập như ý, cô nàng sẽ ưu tiên mọi cách để kiếm tiền: "Ví dụ như việc định giá bản thân kiếm được 100k/giờ, thì mình sẽ chia nhỏ các đầu việc, sau đó sử dụng máy móc, phần mềm để khiến công việc đi nhanh hơn. Khoản đầu tư này có thể chiếm 50-60k/giờ nhưng mang lại hiệu suất cao. Làm phép tính đơn giản: Thay vì kiếm 100k/giờ, thì bây giờ mình có thể kiếm được 40k/15 phút. Con số sẽ ngày càng cao nếu bạn biết đầu tư hiệu quả."
Hơn nữa, việc có kế hoạch cụ thể cho từng giờ, từng ngày và từng tuần giúp Giang có định hướng rõ ràng trong việc kiếm tiền và quản lý tài chính tốt hơn. "Tuổi trẻ tiết kiệm và dùng tiền đó để đầu tư đúng chỗ sẽ khiến cho tuổi trung nên của bạn có tài sản và trở nên dễ dàng hơn!"