Sự tồn tại lâu dài của chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới sẽ phụ thuộc vào một cậu học sinh khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào ngày 30/4.
Thái tử Naruhito người sẽ thừa kế ngai vàng vào ngày 1/5 nhưng ông chỉ có một cô con gái duy nhất.
Trong khi đó, em trai của Thái tử có một cậu con trai độc nhất mới 12 tuổi, Hoàng tử Hisahito. Theo luật lệ hoàng gia, những người phụ nữ sẽ không được quyền thừa kế ngai vàng và trọng trách nối ngôi đè lên vai cậu bé 12 tuổi.
Ben-Ami Shillony, một giáo sư người Nhật ở Jerusalem, nói: "Toàn bộ tương lai của Hoàng gia phụ thuộc vào một cậu bé, chúng ta phải đảm bảo rằng cậu bé sẽ khỏe mạnh, kết hôn và sinh ra một hoàng tử nếu không lịch sử sẽ phải thay đổi".
Hoàng tử Hisahito, người thừa kế nam cuối cùng của hoàng gia Nhật cho tới thời điểm này.
Hiện tại hoàng gia Nhật Bản có 13 thành viên nữ trong số 18 người, nhưng không một ai có quyền được kế thừa ngai vàng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, từng có nhiều người phụ nữ trở thành Nữ hoàng đứng đầu Hoàng gia Nhật.
Nữ giới cai trị
Theo Chizuko T. Allen, nhà sử học tại Đại học Michigan, kết quả nghiên cứu khảo cổ về lăng mộ cho thấy các nữ thủ lĩnh xuất hiện phổ biến ở miền tây Nhật Bản trong thế kỷ thứ tư.
Những người phụ nữ này được chôn cất cùng với vũ khí và các công cụ bằng kim loại.
Họ là những nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và tôn giáo có thẩm quyền, nhà sử học Allen cho biết. Ngôi mộ cho các thủ lĩnh nam chỉ bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ thứ năm.
Trong khi các nhà cầm quyền nữ và các thủ lĩnh là nữ giới phổ biến ở Nhật Bản cổ đại thì sách lịch sử lại có có xu hướng nhấn mạnh đến chiến công của các hoàng đế nam.
"Ngay cả khi nữ hoàng đạt được nhiều thứ, họ vẫn không được coi là nổi bật giống như các hoàng đế nam", ông Shillony nói.
Trong thời cổ đại Nhật Bản, nữ giới là người nắm quyền cai trị.
Nữ hoàng đầu tiên được ghi nhận tại Nhật bản là Suiko, lên nắm quyền từ năm 592 trong khoảng 35 năm cho đến khi bà qua đời. Bà được ghi nhận là người thành lập hiến pháp đầu tiên của đất nước.
Tiếp theo là Nữ hoàng Koken ở ngôi từ năm 749 cho đến năm 758 và sau đó là Nữ hoàng Shotoku từ năm 764 đến năm 770.
Nữ hoàng Genmei ( từ năm 707 đến năm 715 ) thậm chí còn đưa con gái mình, Gensho, lên ngôi sau khi thoái vị thay vì lựa chọn con trai mình, Thái tử Obito, theo Hitomi Tonomura, nhà sử học của Đại học Michigan.
Một số nhà sử học cho rằng việc duy trì các Nữ hoàng thực chất chỉ là những người cai trị bù nhìn, là một cách để duy trì hoàng gia cho đến khi một người thừa kế nam phù hợp đến tuổi lên ngôi hoàng đế.
Tuy nhiên, một số nhà sử học lại cho rằng, các Nữ hoàng có công đóng góp nhiều hơn các hoàng đế nam.
"Bằng cách hoàn toàn phớt lờ những người phụ nữ này hoặc diễn giải vai trò của họ chỉ là hỗ trợ cho những người đàn ông trong hoàng gia, xã hội Nhật Bản không có khái niệm lịch sử về những gì mà những người phụ nữ đã làm", ông Shillony cho hay.
Nhật Bản hiện đại
Khi Nhật Bản hiện đại hóa trong thời đại Meiji năm 1868 đến 1912, vai trò của người phụ nữ trong hoàng gia bị coi nhẹ.
Các nhà lãnh đạo Meiji tin rằng sẽ không có ý nghĩa gì khi một Nữ hoàng lên ngôi trị vì. Người kế thừa ngai vàng chỉ nên dành cho nam giới.
Vào năm 1889, luật lệ đã được đưa ra, người phụ nữ từ đây bị cấm thừa kế ngai vàng. Bởi lẽ các nhà lãnh đạo không muốn phát triển theo mô hình của Hoàng gia Anh, nơi Nữ hoàng Victoria đang trị vì.
Nhà sử học Hitomi Tonomura giải thích rằng trong thời đại Meiji, Nhật Bản hiện đại chính thức trở thành một xã hội gia trưởng.
Một số luật Meiji về sinh đẻ và hôn nhân, chẳng hạn như các cặp vợ chồng sử dụng cùng họ với nhau, họ của người chồng vẫn được áp dụng cho đến ngày hôm nay.
Vợ Thái tử Naruhito chỉ sinh ra một nàng Công chúa duy nhất.
Khi Công nương Masako, vợ Thái tử Naruhito sinh ra Công chúa Aiko vào năm 2001, nhiều ý kiến đã được đưa ra với đề nghị thay đổi luật lệ, cho phép nữ giới lên ngôi hoàng đế.
Tuy nhiên, đề xuất này đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ những người bảo thủ cực đoan của Nhật Bản.
Đề xuất này sau đó đã bị trì hoãn khi Công nương Kiko, vợ của Hoàng tử Akishino sinh ra một người con trai vào năm 2006. Cậu bé chính là người thừa kế nam cuối cùng của Hoàng gia Nhật cho tới thời điểm này.
Chưa sẵn sàng thay đổi
Theo một cuộc thăm dò diễn ra vào năm 2017 của Mainichi Shimbun, gần hai phần ba người Nhật ủng hộ sửa đổi luật để cho phép phụ nữ lên ngôi hoàng đế.
Cuộc tranh luận về việc có nên để các công chúa kết hôn với thường dân vẫn được ở trong gia đình hoàng gia cũng được thảo luận trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, nhà sử học Tonomura cho hay, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội Nhật Bản vẫn tồn tại.
Chỉ 10% các chính trị gia tại Hạ viện Nhật Bản là nữ, theo dữ liệu công bố đầu năm nay, một trong những mất cân bằng giới tính tồi tệ nhất trong các cơ quan lập pháp trên toàn thế giới.
Các công chúa sẽ trở thành thường dân khi họ không kết hôn với người trong hoàng tộc.
Ngay trong xã hội Nhật Bản, tại nơi làm việc hay thậm chí trong trường học, nữ giới vẫn không được coi trọng và bị đối xử bất bình đẳng với nam giới.
Nhà sử học Tonomura cho rằng việc để người phụ nữ lên nắm quyền thừa kế là một ước mơ xa vời trong xã hội Nhật Bản.
Theo ông, sự thay đổi có khả năng duy nhất đối với chế độ quân chủ trong tương lai là người ta cho phép các công chúa được ở lại hoàng gia ngay cả khi họ kết hôn với một thường dân.