20 năm trước khi còn là một đứa nhỏ, tôi đã nghĩ ra rất nhiều lý do để khi trưởng thành sẽ không lấy chồng sinh con nữa. Tôi chứng kiến cảnh bố mẹ gây gổ với nhau, chửi mắng nhau, thậm chí lôi cả tôi ra để trút giận. Họ xô xát đến nỗi trong nhà không còn món đồ nào lành lặn.
Nhưng rồi người tính không bằng trời tính. Năm 28 tuổi tôi lên xe hoa. Cả xóm xì xào “Tưởng con này ế mà cuối cùng lại có người vớt hộ”. Tôi cũng chẳng bận tâm là mấy vì cảm xúc gần như đã chai sạn từ ngày bố mẹ chia tay.
Mẹ hay than thở rằng muốn tôi có chỗ dựa về già nên bà rất mong tôi lấy chồng đẻ con sớm. Tôi thì ám ảnh chuyện bạo lực gia đình thời tuổi thơ nên chẳng muốn cưới, nhưng vì gặp được người đàn ông đối xử với mình quá tốt nên mới đồng ý về chung một nhà. Chồng hay bảo tôi sửa cái tính lãnh đạm khó gần đi. Cơ mà tổn thương năm xưa khiến tôi khó lòng thay đổi bản thân được.
Hình như cái kiểu của tôi bây giờ mọi người gọi là tính hướng nội. Tôi không thích chia sẻ với ai, ít nói, thiếu hòa đồng và hiếm khi cười. Sếp khen tôi luôn điềm tĩnh trong mọi tình huống, đồng nghiệp thì khen tôi có thái độ làm việc nghiêm túc. Nhưng ai biết trong lòng tôi đâu muốn thế. Nhiều khi tôi muốn vui vẻ với mọi người lắm chứ, muốn đi ăn đi nhậu, đi du lịch với bạn bè khắp nơi, muốn tham gia vào những hội nhóm buôn dưa này nọ. Nhưng rào cản tâm lý đã khiến tôi thành người phụ nữ trầm lắng, đến cả mẹ ruột tôi cũng xa cách vô cùng.
Dù vậy mẹ con tôi vẫn chung sống hòa bình với nhau. Cưới xong tôi cũng chẳng phải đi đâu cả, nhà chồng xa nên chúng tôi ở lại thành phố sống cùng mẹ luôn. Trái ngược với tôi thì chồng là người có tính cách cởi mở, anh rất hay nói chuyện với mẹ tôi khiến không khí trong nhà ấm cúng hơn xưa. Nhờ có anh mà quan hệ mẹ con tôi trở nên nhẹ nhàng hơn chút, những bữa cơm đầy đủ bát đũa cũng nhiều hơn.
Đến lúc tôi mang thai thì mẹ càng chăm sóc kỹ lưỡng. Tôi bắt đầu thấy khối băng trong lòng tan ra, tổn thương ngày bé cũng dần được chữa lành nhờ sự quan tâm bù đắp của mẹ. Bố tôi giờ đã có tổ ấm khác, suốt bao năm ông chẳng còn đoái hoài gì đến mẹ con tôi. Quay đi quay lại thì mẹ cũng chỉ còn mình tôi làm chỗ dựa. Vậy nên tha thứ cho bà là điều quan trọng tôi nên làm.
6 tháng trôi qua nhanh như chớp, tuần này tôi đã bắt đầu quay lại văn phòng. Bà nội sắp sửa ở quê lên để cùng bà ngoại chăm cháu. Gửi con cho 2 bà thì vợ chồng tôi hoàn toàn yên tâm. Tôi đã sắm đầy đủ đồ ăn vật dụng cho em bé, sữa, bột và thuốc men bổ sung. Lịch trình sinh hoạt 1 ngày của con ra sao tôi cũng cẩn thận ghi vào một tờ giấy dán trong bếp. 2 bà lỡ quên thì chỉ cần đọc là xong.
Con tôi mới bắt đầu tập ăn dặm được 3 ngày nên tôi chọn vài loại bột, sữa khác nhau cho bé nếm thử. Tôi làm cả gạo xay để 2 bà ở nhà nấu cháo đổi vị nữa. Trộm vía cháo bí đỏ với cháo rau con tôi ăn rất hợp tác. Còn sữa thì tôi vẫn cho con bú và vắt để lại cho bé ti bình.
Nay tôi tan làm sớm vì hơi mệt. Về đến nhà thấy mẹ đang loay hoay làm gì đó ở sân với con mèo nhà nuôi. Tôi phát hiện ra hộp sữa đắt đỏ mới mua cho con ngày hôm qua để ở bậc thềm, còn mẹ tôi đang múc bột sữa từ trong đó ra để pha cho con mèo uống. Trời ơi sữa nhập khẩu hơn 1 triệu 1 hộp, tôi còn chưa kịp khui ra dùng!
Xót của nên tôi lao ngay tới hỏi mẹ lý do. Tôi nóng giận trách mẹ khá nặng lời, kêu bà lãng phí và không biết gì. Thấy ồn ào nên mẹ chồng từ trên tầng chạy xuống. Bà bảo tôi im lặng ngay và nói đầu đuôi chuyện hộp sữa cho tôi biết.
Thì ra con tôi bị dị ứng đạm bò, mà hộp sữa kia lại có thành phần đó. 2 bà ở nhà pha sữa cho cháu uống thử, mới được 3 thìa thì mồm thằng bé sưng đỏ hết lên, nó khó chịu nên khóc từ bấy đến giờ. Mẹ tôi biết hộp sữa đắt nên tiếc của, bảo mang đi pha cho con mèo uống đỡ phí.
Nhìn con mình vẫn khóc rấm rứt trên tay bà nội, mồm miệng nổi mẩn mà tôi đau lòng. Bà ngoại thì lặng lẽ mang hộp sữa vào nhà cất. Lát sau thấy mẹ ngồi thẫn thờ trong bếp, tôi áy náy đến mức nước mắt cứ trào ra. Mẹ luôn là người thức khuya bế cháu thay tôi, dỗ cháu khi nó khóc để tôi được ngủ, tắm rửa cho cháu để tôi được thư giãn trong bồn. Tôi đi làm mẹ cũng không bao giờ giục về sớm, sáng nào cũng nói các con yên tâm lo công việc để 2 bà ở nhà chăm cháu cho.
Mẹ vất vả thương con cháu như thế, vậy mà chỉ vì hộp sữa tôi lại nổi cáu trách móc mẹ khiến bà tổn thương. Tôi muốn nói lời xin lỗi vì đã hiểu nhầm mẹ, nhưng mọi câu chữ cứ nghẹn ở họng không thốt ra được. Đúng là giận quá mất khôn. Tôi cư xử quá sai với người sinh ra mình rồi. Tôi làm mẹ đã tệ rồi. Đến làm con của mẹ cũng tệ nốt…