Từ Washington DC: Dân Mỹ đi bầu cử tổng thống như thế nào?

Hiệu Minh |

Chuyến bay Korean Air từ Seoul đến Washington, D.C. dài gần 14 tiếng nhẹ nhàng đáp xuống phi trường quốc tế Dulles, bên dưới là cánh rừng đang vào mùa thu vàng tuyệt đẹp ở xứ cờ hoa.

Tôi chọn ngày thứ Ba (1/11) lên đường vì máy bay ít người hơn các ngày khác và rẻ hơn. Cuối tuần nhu cầu đi lại tăng cao nên các hãng tranh thủ tăng giá, mỗi vé dăm chục, một trăm, tính trên triệu khách, họ vớ bẫm, tư bản làm ăn bao giờ cũng dựa vào lợi nhuận.

Trong khoang còn nhiều hàng ghế trống, du khách tranh thủ ngả lưng trên ba cái ghế chả khác gì hạng thương gia. Một chuyến đi hạng phổ thông nhưng hưởng quyền lợi VIP.

Đó cũng là lý do Bin Laden đã chọn ngày thứ Ba (11/9/2001) cho quân khủng bố cướp máy lao vào New York, Washington DC bởi khách đi ít, sự chống cự cũng bớt. Vừa cất cánh mươi phút, xăng trên máy bay còn đầy, đủ để nung chảy hai tòa nhà World Trade Center vào ngày đầu thu trời trong xanh, rất đẹp cho những cảnh quay trực tiếp của các ống kính truyền thông.

Việc này bin Laden học từ người Mỹ, làm gì cũng phải tính toán và có đạo diễn, kể cả ngày lễ và ngày bầu cử.

Trừ ngày quốc khánh 4/7, hầu hết 11 ngày nghỉ lễ liên bang chia đều cho các tháng và rơi vào ngày đầu tuần (thứ Hai) và số ít vào thứ Sáu để gia đình có dịp vui chơi, mua sắm 3 ngày liền, dân dễ vui hơn là nghỉ giữa tuần có một ngày chẳng làm được gì nên hồn.

Ngày Martin Luther King rơi vào thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng 1, ngày Tổng thống cũng thứ Hai nhưng là tuần thứ 3 của tháng 2, cho dù Tổng thống Washington và King sinh ngày khác. Trong khi đó, ngày Cựu chiến binh luôn cố định vào thứ Sáu của tuần thứ 2 tháng 11.

Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ bao gồm bầu tổng thống, dân biểu, thượng nghị sỹ cũng rơi vào thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên trong tháng 11, nhưng không phải là ngày nghỉ. Dân đến chỗ bỏ phiếu xong, tiếp tục đi làm như thường lệ. Ai muốn nghỉ phải trừ vào phép.

Việc ấn định này đã được Quốc hội Mỹ thông qua từ năm 1845 và sau gần 2 thế kỷ vẫn không thay đổi cho dù có một số đề xuất cho phép bầu cử vào cuối tuần.

Từ Washington DC: Dân Mỹ đi bầu cử tổng thống như thế nào? - Ảnh 1.

Mặt nạ mùa Halloween 2016 hình ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump được bày bán ở thành phố Chicago. (Ảnh: Reuters)

Những năm đầu thế kỷ 19, Mỹ phát triển dựa vào nhà nông. Đất nước rộng lớn, đi lại bằng phương tiện thô sơ, tới được hòm phiếu có khi mất vài ngày. Cuối tuần dân đi nhà thờ, thứ 4 rơi vào phiên chợ, chỉ còn thứ 3 tiện nhất cho việc này.

Tháng 11 là tháng nông nhàn, dân vui vẻ sau vụ mùa bội thu, họ thích đi bầu. Nếu thất bát thì họ cũng đi để chọn "cha nào thông minh hơn mang về may mắn" cho năm sau.

Vì thế bầu cử năm nay là ngày 8/11, thứ Ba, đúng như Hiến pháp qui định. Đến năm 2020, ngày bầu cử sẽ là 3/11.

Hỏi vài bạn Mỹ sao ngày bầu cử không được nghỉ như ngày lễ, họ bảo, ngày đó rơi vào thứ Ba nên không đáng, vả lại phải đi bầu mất vài tiếng, làm nhiệm vụ công dân mất nửa ngày rồi, nghỉ ngơi gì nữa. Làm ra làm chơi ra chơi. Mà "ăn gian" vài tiếng ở văn phòng, vẫn được trả lương, đi bỏ phiếu cũng OK mà.

Tôi về tới nhà ở Virginia, nghỉ ngơi một lúc và bật tivi. Các kênh CNN, FOX, CNBC… đều có tranh luận về bầu cử và các chuyến đi giờ chót của ông Trump tới Florida và bà Clinton đang diễn thuyết tại Arizona.

Nói chuyện với cử tri ở North Carolina, đương kim Tổng thống Obama cũng kêu gọi người da đen đi bỏ phiếu vì Trump có nhiều phát biểu bị cáo buộc là gây thù hằn và phân biệt đối xử, cho rằng người da đen gắn với tỷ lệ tội phạm và kinh tế suy yếu.

Obama lo rằng, nếu Trump lên sẽ tìm cách xóa hết di sản của Obama để lại như một tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Trong một phát biểu gần đây, ông Obama cũng chỉ trích giám đốc FBI đang điều tra những email mới có thể liên quan đến cuộc điều tra máy chủ email riêng của bà Clinton.

Tổng thống nói rằng "Khi vụ việc đã được điều tra rốt ráo lần gần đây nhất, kết luận của FBI và Bộ Tư pháp đều thống nhất rằng bà ấy đã phạm một số sai lầm nhưng không bị truy tố", với ngầm ý "bới ra làm gì lúc này".

Giám đốc FBI James Comey bị phản ứng khi công bố tin điều tra bổ sung vụ bê bối email của bà Clinton trước ngày bầu cử như một lá phiếu bầu cho Trump. Ông này từng kết luận bà Clinton đã "vô cùng bất cẩn" trong vụ email.

Trong tranh luận trên truyền hình lần thứ 3, ông Trump từng nói, nếu vào Nhà Trắng, ông sẽ đưa bà Clinton ra tòa về vụ này.

Từ Washington DC: Dân Mỹ đi bầu cử tổng thống như thế nào? - Ảnh 2.

Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump vận động tranh cử ở thành phố Orlando, bang Florida hôm 2/11. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images North America)

Dường như cuộc tranh đua rất găng, các kết quả thăm dò cho thấy, hai ứng viên sát nách nhau tại các bang quan trọng như Florida, North Carolina, Ohio, Pennsylvania.

Theo CNN, hiện Clinton dẫn 3 điểm ở North Carolina trong khi Trump dẫn 5 điểm ở Ohio, tại Pennsylvania thì hai bên hòa, giống như Florida.

Theo luật bầu cử, bầu cử ở Mỹ giống như chơi poker, kẻ thắng vơ hết tiền trên chiếu bạc. Mỗi tiểu bang có một số đại cử tri do quốc hội thông qua dựa vào vị trí địa lý và dân số.

Bang Florida có 29 phiếu đại cử tri, Ohio được 18 phiếu, North Carolina với 15 phiếu và Pennsylvania được 20 phiếu. Ai thắng các bang này sẽ vơ hết số phiếu tại bang đó.

Theo thông lệ, các bang đã bầu cho đảng Cộng hòa thì sẽ bầu cho đảng đó. Dân Texas sẽ bầu cho Trump dù ông này vớ vẩn đến đâu và dù gia đình TT Bush bố con, cháu chắt, cãi nhau bầu cho Clinton hay Trump thì kết quả không thay đổi. Dân California sẽ bầu cho Clinton cho dù bà này nói dối vụ email hay già quá.

Từ Washington DC: Dân Mỹ đi bầu cử tổng thống như thế nào? - Ảnh 3.

Ứng viên giành nhau ở các bang ba phải như Florida hay North Carolina vì số phiếu đại cử tri rất cao. Mất vài bang quan trọng coi như chỉ còn cách gọi điện chúc mừng đối phương.

Các cuộc thăm dò chỉ là số liệu để tham khảo. Những người đã quyết bầu cho Trump thì không có cách gì thay đổi ý định của họ dù ông này có sàm sỡ hàng ngàn phụ nữ.

Và tương tự, người yêu vợ chồng Clinton và lại muốn nước Mỹ có nữ tổng thống đầu tiên thì chắc chắn họ sẽ bỏ cho bà và còn vận động người khác đi theo.

Đương nhiên có số người cuốn theo chiều gió. Ra đường gặp chuyện không vui là đổi ý. Đang Trump chuyển sang Clinton và ngược lại. Các ứng viên phải cố đánh động vào lòng trắc ẩn của những cử tri quan trọng này.

Còn gần một tuần nữa là tới ngày bầu cử chính thức, dù đã có vài chục triệu phiếu bầu sớm đã cho vào thùng.

Theo dự báo thời tiết, ngày 8/11 trời có chút mây, nắng ấm, nhiệt độ khoảng 20oC, rất tuyệt, mùa thu lá vàng đang đỉnh điểm ở vùng Washington DC.

Hỏi rằng bầu cử như thế có nóng không? Không nóng mà cũng chẳng lạnh vì trời đang cuối thu. Thắng thua là chuyện thường tình ở xứ này, cao bồi rút súng thế nào cũng có người ngã ngựa.

Hãy đợi đấy ai thắng, Trump hay Clinton, các bạn nên đọc Hiệu Minh viết từ Washington DC.

HM. 3-11-2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại