Hình ảnh bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) đầu bê bết máu, bất tỉnh trên cáng cứu thương, trên người vẫn mặc nguyên bộ quần áo blouse trắng dính máu, những vệt máu dính bê bết cả trên quyển bệnh án vẫn đang mở, sao mà tôi thấy nó quen quá.
Mới hồi đầu năm, còn nhớ như in một anh bác sĩ ở Bắc Giang khi đang thăm khám bệnh nhân, đã bị chính người bệnh tung cướp đạp văng ra.
Cách đây dăm sáu năm ở Thái Bình, khi một nạn nhân tai nạn không qua khỏi, người nhà đã dùng dao đâm luôn hai bác sĩ. Một người chết, một trọng thương.
Bản thân tôi cũng từng gặp một chuyện mà tôi không bao giờ quên, diễn ra cách đây 5 năm.
Đấy là một bệnh nhân có khối u màng não khoảng 7cm, u lành tính nhưng gây đau đầu dữ dội và nôn, đe dọa tính mạng thực sự. Khối u không thể phẫu thuật được với lý do quá nhiều mạch máu nuôi dưỡng.
Tôi và một bác sĩ đồng nghiệp đã tiến hành nút tắc toàn bộ các mạch máu ấy để chuẩn bị cho ca mổ ngày hôm sau.
Khi chúng tôi đang loay hoay với chiếc ống thông đưa từ động mạch đùi lên trên não thì người nhà bệnh nhân xông vào dọa.
Họ nói bệnh nhân đã mổ 4 lần ở 4 bệnh viện mà không lấy được u, lần này nếu xảy ra bất cứ chuyện gì thì sẽ giết chết chúng tôi.
Mặc dù đã quen với nhiều lời hăm dọa nhưng chúng tôi vẫn bị sốc. Cả đêm không ngủ, cả sáng hôm sau làm việc trong trạng thái bất an, tâm trí hướng về phòng mổ đợi tin.
Đến 1 giờ chiều, bác sĩ phẫu thuật gọi điện báo khối u đã hoại tử hoàn toàn vì kết quả nút mạch rất tốt, tổ chức u được nạo vét hết.
May cho chúng tôi.
Ít nhất chúng tôi cũng không sống trong thời trung cổ, khi mà bác sĩ điều trị bị chôn sống bên cạnh mộ của những người bệnh quý tộc. Thực tế đau lòng ấy kéo dài đến mấy trăm năm trước mới chấm dứt ở những quốc gia châu Âu.
Bây giờ là thế kỷ 21, bác sĩ chúng tôi cũng không muốn bị người bệnh và gia đình họ tấn công bởi lý do chúng tôi phải chịu mọi trách nhiệm về hậu quả bất lợi trong điều trị hay tử vong.
Có vẻ người Việt đang bị ám ảnh rằng mọi biến chứng hay tử vong đều là lỗi của bác sĩ
Nguyên nhân có thể do một số phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, trong đó có một số nhà báo thiếu hiểu biết hoặc có tà ý đã phóng đại hoặc làm sai lệch những thông tin y tế.
Cũng có thể bệnh nhân tự cho mình là người tiêu dùng, là "Thượng đế". Họ nghĩ rằng họ xứng đáng có kết quả điều trị tốt nhất, tuyệt đối không cho phép bất cứ khả năng nào khác xảy ra ngoài cái "tốt nhất". Họ nghĩ rằng họ đã bỏ tiền ra mua điều đó, đồng tiền đã đảm bảo cho họ điều đó.
Các chính sách y tế cũng là vấn đề rất đáng quan tâm. Sự phân bố nguồn lực y tế không thể đồng đều, nên khả năng đáp ứng dịch vụ giữa các tuyến có sự chênh lệch.
Người bệnh cảm thấy không được đối xử công bằng nhưng không biết kháng cáo ở đâu, nên họ đổ hết cơn thịnh nộ lên đầu nhân viên y tế.
Một phần cũng do sự hiểu biết của nhiều người bệnh còn hạn chế, nhất là những người lao động chân tay hoặc ở khu vực nông thôn. Đó là nhóm người dễ bị tổn thương nhất, họ dễ thất vọng, dễ tức giận và thiếu kiên nhẫn.
Tình trạng bạo hành y tế đặt bác sĩ vào cơn ám ảnh triền miên trong lúc làm nghề, gây nên không khí chán chường ở các bệnh viện.
Bác sĩ thấy mình bị mất phẩm giá, với tâm thế đó, họ bắt đầu điều trị bệnh nhân như một kẻ xâm hại hay khiếu kiện tiềm ẩn.
Khi bác sĩ phải "phòng thủ" trong chuyên môn và "hoang tưởng" trong nhãn quan với người bệnh, điều đó không thể tốt cho bất cứ ai. Một tâm trí sợ hãi, một bàn tay run rẩy, sẽ không bao giờ có thể cung cấp một dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh.
Nghĩa là bạo hành y tế chẳng những gây hại cho bác sĩ, mà còn không có chút ích lợi nào với người bệnh.
Bác sĩ chúng tôi muốn giải quyết nạn bạo hành y tế
Chúng tôi muốn cơ quan chức năng không chỉ ban hành văn bản, mà cần phải thực thi nó một cách nghiêm túc.
Những lời đe dọa từ phía bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân, chúng tôi báo cơ quan chức năng xong rồi cũng họ cũng chỉ làm được việc là nhắc nhở bên đe dọa, cùng lắm là hòa giải hai bên vì sự việc chưa thực sự xảy ra.
Trường hợp người nhà bệnh nhân đánh vỡ đầu bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất rồi cũng chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền bồi thường thuốc men theo hóa đơn viện phí; đối tượng sẽ không bị truy tố vì thương tích chưa gây tổn hại sức khỏe đến 11% theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tôi cho rằng bạo hành y tế khác hẳn với việc "người dân đánh chửi nhau", bởi nó ảnh hưởng đến người bệnh khác, ảnh hưởng đến cộng đồng, cả xã hội sẽ phải trả giá đắt.
Y học có khái niệm "tuần hoàn bàng hệ". Nghĩa là khi mạch máu lớn bị tắc, sẽ xuất hiện các mạch máu nhỏ xung quanh để tạo thành những con đường phụ duy trì dòng tuần hoàn.
Tương tự như vậy, khi cơ quan có thẩm quyền không bảo vệ được bác sĩ, y tế sẽ tự phát xuất hiện "tuần hoàn bàng hệ".
Một số bệnh viện đã thuê các công ty vệ sĩ, thuê luật sư để bảo vệ nhân viên, nhưng chừng ấy chưa đủ. Đã có những bác sĩ được "xã hội đen" đến tận nơi gợi ý thuê bảo kê cho sự an toàn của họ.
Thật không may, khi bác sĩ chính là khuôn mặt nhận thức của xã hội.
Bác sĩ là một nghề thiêng liêng bởi họ đang bảo vệ sự sống cho con người. Họ xứng đáng được đối xử với thái độ lịch sự cao nhất.
Khi bạn bị bệnh, bạn muốn được chăm sóc bởi một bác sĩ giỏi, thì bạn hãy bắt đầu bằng việc tôn trọng bác sĩ.
Tôn trọng bác sĩ, chính là tôn trọng cuộc sống của chính bạn.