Cách đây 36 năm, Hyundai đã xuất khẩu những chiếc xe đầu tiên sang Mỹ và mang về thành công rực rỡ.
Theo số liệu của Hyundai Motor America, trong tháng 11 vừa qua, liên minh Hyundai - Kia đã bán được 125.013 xe tại thị trường Hoa Kỳ - mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, 68.310 xe mang thương hiệu Hyundai và 56.703 xe mang thương hiệu Kia.
Những dòng xe đóng góp lớn vào doanh số này gồm Tucson, Palisade, Elantra, Venue, Santafe, Genesis và xe điện Ioniq 5. Hiện tại, Hyundai có gần 600 đại lý Hyundai trên toàn nước Mỹ sau 36 năm thâm nhập thị trường này.
Năm 2021 - giai đoạn khó khăn của toàn thị trường ôtô, Hyundai - Kia đã có nhiều động lực phát triển nhờ sự hỗ trợ của dòng SUV mới, đánh trúng xu hướng tiêu dùng của khách hàng Mỹ.
Tổng doanh số xe Hyundai bán ra tại thị trường Mỹ năm 2021 không được cập nhật, song trước đó, các nhà phân tích đã kỳ vọng hãng xe Hàn Quốc này có thể chiếm 10% thị phần ô tô tại tại Mỹ. Hyundai có tốc độ mở rộng thị phần nhanh hơn bất cứ hãng xe lớn nào khác tại đất nước cờ hoa.
So với các hãng xe châu Á khác như Honda, Nissan hay Toyota… 36 năm của của Hyundai tại Mỹ chưa phải là một hành trình quá dài. Nhưng bỏ qua tất cả, bao gồm cả những biến động tiêu cực của thế giới như dịch bệnh hay nguồn cung gián đoạn, Hyundai vẫn đứng vững trong ngành công nghiệp ôtô Hoa Kỳ. Năm 2021, Vanessa Ton, quản lý cấp cao tại Cox Automotive từng nói: "Thị trường giảm với tất cả, nhưng họ (Hyundai - KIA) dường như là người duy nhất đang bật lên đầy mạnh mẽ".
Một cửa hàng trưng bày các mẫu xe của Hyundai.
Chinh phục thị trường Mỹ bằng dòng xe giá rẻ
Mỹ - thị trường xe lớn thứ 2 toàn cầu ở thời điểm hiện tại từng nắm giữ vị trí số một trong quá khứ. Thị trường này vẫn luôn là giấc mơ buộc phải theo đuổi của bất cứ thương hiệu nào có tham vọng nâng tầm quy mô toàn cầu.
Hyundai cũng vậy, sau hơn 20 năm sản xuất và bán xe tại Hàn Quốc và Ecuador, năm 1986, hãng này xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Mỹ. Hyundai Excel 1986 là dòng xe Hyundai lựa chọn để chinh phục thị trường ôtô hàng đầu thế giới. Đây là phiên bản cải tiến của mẫu Pony nên còn được gọi là Pony Excel. Giá khởi điểm của Excel chỉ là 4.995 USD, rẻ hơn 1.000-2.000 USD so với phần lớn các mẫu xe Âu-Mỹ thời điểm đó
Lô xe Hyundai Excel xuất khẩu sang Mỹ bằng đường biển vào tháng 1/1986.
Theo số liệu từ Hyundai, năm 1986 khi vừa thâm nhập thị trường Mỹ, Excel đã bán ra 168.882 xe - kỷ lục 'vô tiền khoáng hậu' với một nhà phân phối ôtô nhập khẩu lần đầu tới Mỹ. Một năm sau, doanh số của mẫu xe này tiếp tục tăng vọt, đạt kỷ lục mới là 263.610 chiếc. Những con số này góp phần đưa Hyundai Excel vào danh sách 10 sản phẩm tốt nhất do tờ Fortune bình chọn.
Giai đoạn 1986, hầu hết các nhà sản xuất ô tô kỳ cựu tại Mỹ đã từ bỏ thị trường cấp thấp để chuyển sang các loại xe cao cấp, giá cao và để lại một khoảng trống lớn trên thị trường. Hyundai đã tận dụng khoảng trống này.
Những người Mỹ gốc Hàn Quốc đã rơi nước mắt khi chứng kiến những chiếc Hyundai Excel lăn bánh tại đường phố Manhattan hay San Francisco. Với họ, đây là một bước tiến lớn lao của Hàn Quốc - một quốc gia nghèo khó vươn lên sau chiến tranh, trở thành một nước có thể xuất khẩu xe sang quốc gia hùng mạnh nhất thế giới - truyền thông Hàn Quốc từng đưa tin.
Những chiếc xe giá rẻ đã đánh dấu những bước đi đầu tiên của Hyundai tại Mỹ. Thực tế, thành công đến với Hyundai khá sớm, một phần nhờ vào việc chọn đúng phân khúc.
Theo phân tích của các chuyên gia ngành ô tô, giai đoạn 1986, hầu hết các nhà sản xuất ô tô kỳ cựu tại Mỹ đã từ bỏ thị trường cấp thấp để chuyển sang các loại xe cao cấp, giá cao và để lại một khoảng trống lớn trên thị trường. Hyundai đã tận dụng khoảng trống này và tập trung vào phân khúc khách hàng gồm những người mua xe lần đầu như sinh viên đại học và các gia đình trẻ, những người không thể tìm được những chiếc xe được trang bị đầy đủ, giá trị đáp ứng nhu cầu của họ nhưng vẫn có giá phù hợp với khả năng kinh tế .
Tuy nhiên sau này, hành trình của Hyundai trên đất Mỹ không hoàn toàn dễ dàng. Bằng chứng là vào năm 1988, Hyundai cho ra mắt dòng xe Sonata nhưng không gây được tiếng vang do có sức bền và độ tin cậy kém. Sau này, giai đoạn 2018, thị phần của Hyundai giảm gần như thấp nhất một thập kỷ, còn 4%. Reuters lúc này đã thực hiện phỏng vấn với nhiều người từng làm việc với Hyundai để tìm ra nguyên nhân của sự tuột dốc này.
Tất cả các đối tượng đều cho rằng hãng xe Hàn Quốc này rơi vào cảnh sa sút tại Mỹ vì không bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng, và định giá bị cho là đắt so với hình ảnh của dòng xe. Để khắc phục, Hyundai nói họ sẽ cải tiến thiết kế, cho ra mắt những mẫu SUV mới, cấp nhiều quyền hơn cho các đơn vị tại từng khu vực để có thể đáp ứng những nhu cầu địa phương linh hoạt hơn.
Hướng đi mới của Hyundai trên đất Mỹ
Vượt qua nhiều khăn khó khăn, Hyundai hiện nay vẫn là thương hiệu xe lớn tại Mỹ. Tuy nhiên, tham vọng của Hyundai đã không còn dừng lại ở xe ôtô thông thường.
Hyundai đặt mục tiêu lọt vào top 3 nhà cung cấp xe điện hàng đầu ở Hoa Kỳ vào năm 2026.
Tháng 10 vừa qua, Hyundai động thổ nhà máy xe điện tại Mỹ với tổng mức đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD. Hãng xe đặt mục tiêu lọt vào top 3 nhà cung cấp xe điện hàng đầu ở Hoa Kỳ vào năm 2026.
Hyundai lên kế hoạch bắt đầu sản xuất thương mại tại nhà máy này vào nửa đầu năm 2025 với công suất hàng năm khoảng 300.000 chiếc và dự kiến sẽ tạo ra 8.100 việc làm mới cho địa phương. Khoản đầu tư này là ví dụ mới nhất về việc một nhà sản xuất ôtô toàn cầu đang tìm cách thiết lập chuỗi cung ứng và cơ sở sản xuất mới ở Mỹ để sản xuất xe điện, một xu hướng dự kiến sẽ phát triển theo cấp số nhân trong thập kỷ này.
Việc vận hành một nhà máy sản xuất xe điện trên đất Mỹ có thể làm tăng doanh số của Hyundai trong tương lai, giảm thiểu các tác động của các Đạo luật tương tự Đạo luật Giảm lạm phát.
Trước đó, năm 2021, Hyundai đã xuất khẩu dòng xe điện Ioniq 5 crossover SUV sang Mỹ. Song từ tháng 9 năm nay, doanh số chịu ảnh hưởng của Đạo luật Giảm lạm phát (Đạo luật Giảm lạm phát do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký hồi tháng 8/2022 quy định xe điện phải lắp ráp tại khu vực Bắc Mỹ mới được hưởng các chính sách miễn giảm thuế của nước này).
Với đạo luật này, khoảng 70% số xe điện của các hãng Huyndai và Kia của Hàn Quốc cũng như nhiều nhà sản xuất ôtô lớn của châu Âu không được hưởng các mức chiết khấu thuế tối đa tới 7.500 USD/xe.
Việc vận hành một nhà máy sản xuất xe điện trên đất Mỹ có thể làm tăng doanh số của Hyundai trong tương lai, giảm thiểu các tác động của các Đạo luật tương tự Đạo luật Giảm lạm phát. Chưa kể, với tư duy nhanh nhạy, hãng xe Hàn được kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh xe điện có xu hướng thay thế xe xăng ở nhiều thị trường, không chỉ riêng Mỹ.