Câu hỏi tình huống của độc giả:
Vợ tôi làm kinh doanh nên thường xuyên tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau. Tôi đã nhắc vợ nhiều lần phải cẩn thận nhưng vợ tôi chỉ xuề xòa cho qua. Chính vì vậy mà vợ tôi bị một ông chủ có quan hệ kinh doanh đè nén, ăn chặn.
Khi vợ tôi càng nín nhịn thì hắn lại càng lấn tới. Một lần, đang ở trên gác, tôi nghe thấy vợ tôi to tiếng (sau này tôi mới biết vợ tôi bị lão kia trêu ghẹo và có hành động khiếm nhã). Tôi vội vã chạy xuống nhà thì nghe tiếng uỳnh 1 cái. Trước mắt tôi, gã đàn ông kia nằm vật dưới sàn nhà, máu mê be bét, còn trên tay vợ tôi là cả thanh sắt phi 30 to đùng nhuốm máu. Sau này tôi mới biết vợ tôi bị "con dê già" kia sàm sỡ nên mới có hành động như vậy.
Nhà người đàn ông đó đòi gia đình tôi bồi thường 800 triệu đồng nếu không sẽ làm đơn kiện vợ tôi tội cố tình gây thương tích. Thương lượng không được nên đơn kiện đã được gửi đi. Vợ tôi bị tạm giữ.
Cho tôi hỏi, trong trường hợp của vợ tôi, đây không phải lỗi cố tình gây thương tích mà chỉ là tại hắn có ý đồ xấu nên vợ tôi mới manh động như vậy thì có bị khép tội, vào tù? Theo luật thì nhà tôi phải bồi thường bao nhiêu? Bác sĩ xác định người đàn ông này chỉ bị thương tích 2%. Con tôi mới có 3 tháng tuổi, nếu vợ tôi bị vào tù có được hưởng án treo vì phải nuôi con nhỏ không?
Trả lời: Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật Interla
Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội). Luật sư Trương Quốc Hòe không còn xa lạ với cả người trong giới và nhiều người dân, doanh nghiệp. Dưới góc độ pháp lý, ông luôn có những phân tích sắc sảo với mỗi vụ án. Ông từng tham gia bào chữa và giúp đỡ bào chữa miễn phí cho nhiều người dân. Luật sư Trương Quốc Hòe cũng từng tham gia bào chữa cho nhiều tội phạm tuổi vị thành niên.
Căn cứ vào những dữ liệu mà bạn đã nêu, áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi đã nghiên cứu và xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
Thứ nhất, xác định hành vi của người thực hiện hành vi gây thương tích.
Điều 104 Bộ luật Hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, theo đó, cố tình gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng thương tích hoặc tổn thương khác.
1. Dấu hiệu pháp lý của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
- Hành vi khách quan của tội này là những hành vi có khả năng gây ra thương tích hoặc tổn thương khác làm tổn hại đến sức khỏe của con người. Những hành vi đó được thể hiện với công cụ, phương tiện phạm tội hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội hoặc có thể thông qua súc vật hay cơ thể người khác….
- Hậu quả của tội phạm: hậu quả mà cấu thành tội phạm tội này đòi hỏi là thương tích hoặc tổn thương khác cho sức khỏe của người khác ở mức độ có tỷ lệ thương tật là 11% trở lên đến 30% hoặc dưới tỷ lệ đó mà thuộc các trường hợp:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
- Hậu quả thương tích hoặc hậu quả tổn thương khác đòi hỏi phảo do chính hành vi nói trên gây ra.
- Lỗi của người thực hiện hành vi này là lỗ có ý, tức là người thực hiện hành vi này mong muốn hậu quả thương tích hoặc hậu cho sức khỏe nhưng cũng có thể chỉ chấp nhận hậu quả đó.
¬- Chủ thể thực hiện hành vi này là người đạt độ tuổi luật định và có năng lực hành vi hình sự.
Trong trường hợp của vợ anh, vì tỷ lệ thương tật của nạn nhân là 2%, để xác định xem vợ anh có bị truy tố vì tội này hay không phải kết hợp thêm kết quả của việc xác định hung khí (thanh sắt) của vợ anh có phải là hung khí nguy hiểm không cũng như có phải chị ấy vì phòng vệ mà gây thương tích không?
2. Mức bồi thường thiệt hại
Nếu vợ anh bị truy tố theo quy định tại Điều luật này, mức bồi thường sẽ xác định theo quy định của Bộ luật dân sự theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Điều 609, Bộ luật dân sự 2005 quy định về Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm:
“1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
3. Việc vợ anh bị cơ quan chức năng tạm giữ
Theo quy định tại khoản 1, Điều 86, Bộ luật tố tụng dân sự 2004 thì:
“Tạm giữ có thể được áp dụng đối với những người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã”.
Như vậy, với trường hợp của vợ anh không thuộc vào các trường hợp các cơ quan chức năng được phép tạm giữ. Nói cách khác, việc tạm giữ vợ anh là không đúng theo quy định của pháp luật.
Đối với câu hỏi: “Con tôi mới có 3 tháng tuổi, nếu vợ tôi bị vào tù có được hưởng án treo vì phải nuôi con nhỏ không?", tôi có thể giải thích như sau:
Án treo là một biện pháp chấp hành hình phạt tù. Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”.
Điều luật không quy định cụ thể các trường hợp được áp dụng án treo nhưng theo Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì.
b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.
c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.
d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm”.
Điều 46, Bộ Luật Hình sự về tình tiết giảm nhẹ quy định:
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
e) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
g) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
h) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
i) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
k) Phạm tội do lạc hậu;
k) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
m) Người phạm tội là người già;
n) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
o) Người phạm tội tự thú;
p) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
r) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
s) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Như vậy, trong trường hợp của vợ anh, việc nuôi con nhỏ không phải là tình tiết để được tòa án cho hưởng án treo. Tuy nhiên, còn có rất nhiều căn cứ khác có thể được xem xét để cho vợ anh hưởng án treo như các tình tiết được quy định tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nêu trên.